Từ ngày 29-6, làng âm nhạc Việt Nam cùng lúc vắng bóng 2 nhạc sĩ tiêu biểu, đó là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân.
Từ ngày 29-6, làng âm nhạc Việt Nam cùng lúc vắng bóng 2 nhạc sĩ tiêu biểu, đó là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân.
. Sáng 29-6, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc đương đại Việt Nam - đã qua đời ở tuổi 91 tại Bệnh viện Thống Nhất - TP. Hồ Chí Minh.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu |
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng. Tuy sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nhưng nguyên quán của ông ở Điện Bàn, Quảng Nam. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940 trong nhóm tân nhạc. Sau ca khúc đầu tay Trầu cau, sáng tác của ông được biết đến rộng rãi là bài Đoàn giải phóng quân viết cuối năm 1945. Một nhạc phẩm nổi tiếng khác của ông là Mùa đông binh sĩ được viết khoảng giữa thập niên 1940. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Trong thời gian này, ông viết một số ca khúc như: Nhớ ơn Hồ Chủ tịch, Quê tôi ở miền Nam...
Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông được cử vào Ban Chấp hành, là Ủy viên Thường vụ và công tác tại Hà Nội. Tháng 12-1964, ông vào chiến trường Trung Trung Bộ, tham gia Ban Văn nghệ khu. Thời gian đó, ông viết bản hành khúc Ra tiền tuyến với bút danh Huy Quang.
Sau năm 1975, ông chuyển về Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh. Ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc. Phần lớn các ca khúc của ông là nhạc cách mạng, nhạc trữ tình đặc sắc, trong đó có rất nhiều bài hát phổ thơ nồng nàn tình cảm, tình yêu quê hương đất nước. Những giai điệu đẹp, trau chuốt, ca từ đậm chất văn học, chất thơ luôn được ông thể hiện khéo léo, ngọt ngào, đậm tình trong mỗi tác phẩm âm nhạc của mình, từ bài hát chính thức cho lực lượng giải phóng Đoàn quân Giải phóng, sau này lấy tên là Đoàn Vệ quốc quân, đến các hành khúc: Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh), Cuộc đời vẫn đẹp sao... hay những sáng tác về đề tài tình yêu gắn liền với sự nghiệp đấu tranh dân tộc: Những ánh sao đêm, Bóng cây kơ-nia (thơ Ngọc Anh), Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh), Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc)... Ở mảng sáng tác cho thiếu nhi, ông cũng có nhiều ca khúc ấn tượng như: Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác, Những em bé ngoan...
Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
. Trưa 29-6, nhạc sĩ Phan Nhân - tác giả bài hát Hà Nội niềm tin và hy vọng - cũng đã từ trần tại nhà riêng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh), hưởng thọ 85 tuổi.
Nhạc sĩ Phan Nhân sinh năm 1930 tại Long Xuyên, An Giang. Ngoài ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng, ông còn được biết đến với các ca khúc: Tình ca đất nước, Cây đàn ghi-ta của Victor Hara, Nhớ về Pắc Bó, Xa Hà Nội, Thành phố của tôi…
Nhạc sĩ Phan Nhân |
Nhạc sĩ Phan Nhân tham gia quân đội từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Genève, ông chuyển từ quân đội sang văn công, tham gia công tác tại các đơn vị nghệ thuật: Đoàn Văn công Nam Bộ (tập kết), Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và Ban Biên tập âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (1959 - 1975); tu nghiệp âm nhạc tại Hungari (1970 - 1972).
Năm 1950, bên cạnh bờ kênh Rạch Giá, Hà Tiên, chàng thanh niên Phan Nhân, lúc đó ở tuổi 20, hứng chí thức mấy đêm liền bên ngọn đèn dầu con cóc với cây đàn mandoline mượn bạn chỉ còn 3 dây, sáng tác bài hành khúc Đoàn quân Long Châu. Ngoài các ca khúc viết cho người lớn, Phan Nhân cũng có nhiều bài cho thiếu nhi được các em nhỏ yêu thích như Chú ếch con (1967), Chú cừu Mộc Châu (1968), Em là bông lúa Điện Biên (1968), Hàng cây ơn Bác (1969)...
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhạc sĩ Phan Nhân chuyển về Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Giải phóng, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam II tại TP. Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu. Nhạc sĩ Phan Nhân được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (năm 2001), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huy chương Vì sự nghiệp văn học - nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc...
G.C (Tổng hợp)