06:06, 27/06/2015

Thất vọng với phim "Quyên"

Ra rạp hơn một tuần, cảm nhận chung của nhiều người sau khi xem bộ phim "Quyên" là sự thất vọng, nhất là với những ai đã từng đọc cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Ra rạp hơn một tuần, cảm nhận chung của nhiều người sau khi xem bộ phim “Quyên” là sự thất vọng, nhất là với những ai đã từng đọc cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.


Khi nghe tin hãng phim BHD sẽ đưa Quyên lên màn ảnh, nhiều người yêu phim rất vui mừng bởi trong hoàn cảnh phim Việt đang chạy theo giải trí như hiện nay, không dễ gì có một nhà đầu tư mạo hiểm sản xuất một phim mang tính bi kịch có cảnh quay ở nước ngoài. Đã từng đọc tác phẩm Quyên, người viết bài này càng hy vọng vào một bộ phim hay, khắc họa thành công số phận người Việt xa xứ thời gian khó. Tuy nhiên, xem phim xong, bộ phim chỉ còn là nỗi thất vọng bởi Quyên có kịch bản rời rạc, không đào sâu vào bi kịch của nhân vật chính - một người đã đi theo tiếng gọi của tình yêu để rồi có một quãng đời lưu lạc tủi nhục nơi xứ người.

 

Cảnh trong phim “Quyên”.
Cảnh trong phim “Quyên”


Dẫu biết, phim và tiểu thuyết là 2 tác phẩm độc lập, mỗi thể loại có những thế mạnh cũng như hạn chế đặc thù riêng, nhưng khi xem phim không thể không so sánh với tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết, Quyên đã phải lăn lộn đủ nghề để kiếm sống, người đọc hồi hộp dõi theo từng bước đi của người mẹ trẻ, đau xót khi thấy cô bị chà đạp, làm nhục... Tuy nhiên, trong phim, đạo diễn đã cắt đi khá nhiều tình tiết trong những đoạn đường mưu sinh của Quyên, khiến người xem không thấy được nỗi gập ghềnh, chông gai mà cô phải gánh chịu. Thay vào đó, đạo diễn đã thêm các tình tiết để tô đậm hơn về nhân vật Hùng. Vì thế, hình ảnh của Quyên trong phim khá mờ nhạt, khiến người xem không biết cô hay Hùng mới là nhân vật chính.


Quyên mở đầu với những cảnh quay rất ấn tượng, đẹp mắt với những cảnh đoàn người vượt biên giữa núi tuyết trắng xóa, cảnh Hùng kéo cáng đưa Quyên ra khỏi rừng, sắc thu vàng của nước Đức... Tuy nhiên, càng xem, phim càng thiếu sức hút, bởi hình ảnh đã không thể cứu nổi một kịch bản lỏng lẻo, thiếu điểm nhấn. Xem phim, có cảm giác như đạo diễn có sự lưỡng lự, lúng túng trong việc chọn lựa để khắc họa bi kịch của nhân vật Quyên và tính giải trí của phim. Những màn cướp sòng bạc, đốt kho hàng, đánh đấm giữa các băng nhóm được thực hiện đẹp mắt nhưng lại không ăn khớp lắm với mạch truyện của phim. Sự lỏng lẻo về kịch bản còn thể hiện ở nhiều chỗ. Đơn cử như việc đạo diễn thay đổi nhân vật Kumar (người Srilanka lưu vong vì đất nước nội chiến) thành Hans (người Đức) khiến phim giảm tính thuyết phục. Bởi chỉ có những người đồng cảnh ngộ, phải sống đời tha hương như Kumar mới dễ đồng cảm và giúp đỡ nhau. Trong phim, Hans giống như ở trên trời rơi xuống, không rõ gốc tích. Sự xuất hiện đột ngột trở lại của Dũng ở cuối phim (trong tiểu thuyết là mất tích) cũng thiếu thuyết phục. Không ai hiểu vì sao, con đường nào để Dũng từ một con mọt sách lại trở thành một ông trùm xã hội đen. Kèm theo sự trở về của Dũng là những tình tiết thiếu thuyết phục như bắt cóc con gái của Quyên, cho người giết đàn em của Hùng mà động cơ không rõ ràng...

 

Vũ Ngọc Anh và Trần Bảo Sơn, 2 diễn viên chính trong phim “Quyên”
Vũ Ngọc Anh và Trần Bảo Sơn, 2 diễn viên chính trong phim “Quyên”


Một điểm trừ nữa của phim Quyên đó chính là diễn xuất của diễn viên. Nếu như Trần Bảo Sơn thể hiện khá thành công vai Hùng thì Quyên của Vũ Ngọc Anh lại là một thất bại. Vẻ đẹp mong manh của Vũ Ngọc Anh rất hợp để vào vai Quyên, nhưng kỹ năng diễn xuất của cô lại bị hạn chế rất nhiều. Từ đầu đến cuối chỉ thấy Quyên chịu đựng chứ không thấy sự phản kháng, nỗ lực để thoát ra khỏi hoàn cảnh hoặc có những diễn xuất khá hời hợt. Những phần độc thoại của Hùng cũng không để lại cảm xúc gì.


Công bằng mà nói, Quyên không phải là một phim dở. Tuy nhiên, với việc chuyển thể một tác phẩm văn học khá độc đáo, người xem có quyền đòi hỏi nhiều hơn thế. “Tôi đã chờ đợi phim này từ rất lâu. Tuy nhiên khi xem phim, tôi thật sự thất vọng, bởi phim đã không thể hiện được cái bi kịch, thân phận của người Việt ở nước ngoài (nhất là phụ nữ) trong những năm cuối thế kỷ XX như nhà văn đã viết”, khán giả Kim Hoàn (TP. Nha Trang) chia sẻ.


THÀNH NGUYỄN

 



Phim “Quyên” do hãng phim BDH sản xuất, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.  


Quyên người Hà Nội, có chồng là tiến sĩ ở Nga. Vừa cưới nhau được 2 tháng, vợ chồng cô vượt biên sang Đức tìm cơ hội đổi đời. Trên đường đi, Quyên đã bị Hùng giam giữ và hãm hiếp. Từ chỗ chỉ để thỏa mãn dục vọng, Hùng dần đem lòng yêu Quyên, khi biết cô có thai, Hùng đã để Quyên về với chồng. Trớ trêu thay, Dũng - chồng cô từ chỗ yêu thương đã chuyển sang khinh rẻ, nhục mạ cô. Tuyệt vọng, Quyên đã tự sát nhưng được Hans - một người Đức tốt bụng cứu sống, giúp đỡ cô trong những năm tháng khó khăn ở xứ người… Sau nhiều năm ở xứ người, Quyên  đã về nước mặc dù Dũng (trở thành ông trùm giang hồ) muốn nối lại tình xưa.