01:01, 03/01/2015

Tướng Hà Vi Tùng - Một người lính Nam Tiến

Từng có mặt trong đoàn quân Nam tiến, chiến đấu ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa năm 1945, khi rời binh nghiệp, Thiếu tướng Hà Vi Tùng (1925 - 1994) đã chọn Nha Trang để định cư và yên nghỉ ở mảnh đất này.

Từng có mặt trong đoàn quân Nam tiến, chiến đấu ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa năm 1945, khi rời binh nghiệp, Thiếu tướng Hà Vi Tùng (1925 - 1994) đã chọn Nha Trang để định cư và yên nghỉ ở mảnh đất này. Cuốn sách “Tướng Hà Vi Tùng - Một người lính Nam Tiến” Nhà xuất bản Đồng Nai vừa ấn hành nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông đã khắc họa chân dung một người thuộc “thế hệ đặc biệt” này.

 


Trong những lần gặp các cựu binh Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, tôi đã nghe nói nhiều về cố Thiếu tướng Hà Vi Tùng. Thế nhưng, chỉ khi cầm cuốn sách Tướng Hà Vi Tùng - Một người lính Nam Tiến (nhà báo Lê Bá Dương - chủ biên), tôi mới hiểu thêm về cuộc đời ông, người lính “thế hệ đặc biệt”. Đó là thế hệ những chàng trai 20 tuổi đã gia nhập quân đội từ những ngày đầu, đem thân mình “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để bảo vệ nền độc lập non trẻ mà nước nhà vừa giành được sau Cách mạng tháng 8-1945.


Với hơn 230 trang, cuốn sách không miêu tả lại quá trình binh nghiệp của tướng Hà Vi Tùng, mà chỉ là những lát cắt, những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời ông. Qua trang sách, người đọc hiểu hơn về ông, người đã suốt đời đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, luôn tin vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo. Ở đó, người đọc bắt gặp hình ảnh chàng thanh niên hăng say chiến đấu ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa cho đến khi giữ những chức vụ cao hơn ở Tiểu đoàn 365, Trung đoàn 803 khu V thời kỳ chống Pháp. Những dòng hồi ức của Thiếu tướng Võ Bẩm - nguyên Phó Tổng Thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Mặt trận 559 về những ngày chỉ đạo chiến đấu ở chiến trường Phú Yên trong chiến cục 1953 - 1954 chống lại chiến dịch Át-lăng của Pháp; hồi ức của Đại tá Lâm Quang Minh (nguyên Tham mưu phó Trung đoàn 803, khu V) về tướng Tùng cùng “tiểu đoàn lá mít” lừng lẫy một thời đã giúp người đọc thấy được sự mưu trí, bản lĩnh vững vàng của tướng Hà Vi Tùng - người được mệnh danh “Con hùm xám của chiến trường Bắc Khánh”.


Trong cuốn sách, nhiều đồng đội, bạn hữu luôn nhắc đến ông với sự tin yêu, kính trọng. Sau mấy mươi năm xa cách, Konstas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập (người gốc Hy Lạp, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam) vẫn luôn kính trọng Tiểu đoàn trưởng Hà Vi Tùng. Những dòng hồi ức của người chiến sĩ quốc tế này về việc tướng Tùng đề nghị cấp trên kết nạp Đảng; cử đi học lớp cán bộ quân sự dành cho cán bộ trung, đại đội; buổi chia tay khi ông Lập nhận nhiệm vụ mới... thật sự khiến người đọc xúc động. Chính vì tình cảm chân thành ấy, mấy mươi năm sau, khi quay trở lại Việt Nam, Konstas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập đã tìm về Nha Trang để viếng mộ người tiểu đoàn trưởng năm xưa. Nhiều bạn hữu nhận xét, ẩn sau vẻ ngoài nghiêm nghị, phong thái dứt khoát, đĩnh đạc ấy là một thế giới nội tâm đằm thắm, vị tha, giàu tình thương người thân, đồng chí, đồng bào. Trong quá trình công tác cũng như khi đã nghỉ hưu, ông luôn tìm cách giúp đỡ người thân của đồng đội mình.


Theo hồi ức của ông Phạm Quang Hùng - nguyên Chủ nhiệm bộ môn lịch sử Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, sinh thời tướng Hà Vi Tùng rất tâm huyết với việc sửa chữa Bảo tàng Nha Trang (nay đã không còn), việc thực hiện tài liệu lịch sử về Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, quan tâm đến lịch sử địa phương (cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Trịnh Phong). Chính tướng Hà Vi Tùng là người đã đề xuất việc mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm lại Khánh Hòa năm 1993, đón tiếp Đại tướng như một vị lãnh đạo cấp cao đang đương nhiệm dù lúc đó Đại tướng đã nghỉ hưu được mấy năm...

 

Cuốn sách gồm 3 phần:

Phần 1 - Trang viết đời người tập hợp các bài viết của cố Thiếu tướng Hà Vi Tùng về những ngày đầu ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa 1945, về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Phú Khánh, những suy nghĩ về kết hợp kinh tế với quốc phòng ở Trường Sa…

Phần 2 - Trong ký ức đồng đội, đồng bào tập hợp những bài viết, hồi ức của đồng đội, bạn hữu về Thiếu tướng Hà Vi Tùng. Phần 3 - Gốc đa, giếng nước, sân đình giới thiệu sơ bộ về quê hương, gia đình ông.

Tướng Hà Vi Tùng - Một người lính Nam Tiến, tên sách giản dị như cuộc đời ông vậy. 20 tuổi tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Tuyên Quang, khi giặc Pháp quay lại xâm lược, ông có mặt trong đoàn quân Nam tiến, chiến đấu ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. Từ đó về sau, dù trải qua nhiều cương vị khác nhau ở nhiều chiến trường, ông vẫn giữ vẹn phẩm chất của một người lính “thế hệ đặc biệt” mà như Đại tướng Nguyễn Quyết - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá là  “dũng cảm, kiên quyết, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đánh giặc giỏi, xây dựng đơn vị, huấn luyện bộ đội giỏi, được đồng đội tin yêu, kẻ địch nể sợ”. Đôi câu đối mà bạn bè dành tặng ông cũng thể hiện điều này: “Chiến trận xông pha thù khiếp dân yêu công đức lớn/Hòa bình xây dựng Đảng tin bạn mến nghĩa tình sâu”.


Quê ở Sơn Tây, sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang, nhưng khởi đầu binh nghiệp ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, chính vì vậy, ông luôn xem xứ Trầm Hương là quê hương của mình. Khi rời binh nghiệp về với đời thường, ông đã chọn Nha Trang - Khánh Hòa làm nơi định cư. Và rồi ông cùng người vợ thân yêu đã yên nghỉ ngay tại xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang - mảnh đất mà ông cùng đồng đội, đồng bào chiến đấu gìn giữ mấy mươi năm trước.


XUÂN THÀNH