10:01, 02/01/2015

Đến Hòn Chồng thưởng thức nhạc cụ dân tộc

Hòn Chồng là một trong những thắng cảnh nằm ở phía Bắc thành phố Nha Trang thu hút nhiều du khách gần xa không chỉ bởi vẻ đẹp nguyên sơ của tạo hóa, của những câu chuyện huyền thoại về ông khổng lồ và bàn tay in trên khối đá…

Hòn Chồng là một trong những thắng cảnh nằm ở phía Bắc thành phố Nha Trang thu hút nhiều du khách gần xa không chỉ bởi vẻ đẹp nguyên sơ của tạo hóa, của những câu chuyện huyền thoại về ông khổng lồ và bàn tay in trên khối đá… mà còn có những giây phút thảnh thơi thả hồn theo âm thanh của các nhạc cụ độc đáo như đàn đá, đàn bầu, t’rưng… qua đôi tay tài hoa của các nhạc công trẻ.

 

k
Du khách quốc tế xem biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

 

Say lòng du khách

 

Bước vào không gian trung tâm nơi các nhạc công đang say sưa biểu diễn cho du khách thập phương, chúng tôi rất bất ngờ khi nhìn thấy cả một “gia đình” nhạc cụ dân tộc đang được trưng bày và biểu diễn như đàn bầu, đàn nhị, đàn t’rưng, đàn klông pút, đàn đá, đinh bá, đàn tứ, đàn tranh, trống…

 

Chị Kim Thoa đến từ TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Tôi đã từng đi du lịch nhiều nơi, nhưng đến với danh thắng Hòn Chồng, tôi có một cảm xúc mới lạ. Ngoài vẻ đẹp do thiên nhiên, nơi đây còn thu hút tôi bởi âm thanh của nhiều loại nhạc cụ dân tộc độc đáo”.

 

Anh Tùng - nhạc công vừa biểu diễn đàn bầu tiết mục “Việt Nam quê hương tôi” vui vẻ nói: “Nhóm nhạc gồm 5 người được chia thành 3 ca, ngoài việc đàn giúp vui cho du khách, còn có nhiệm vụ giới thiệu về các nhạc cụ khi du khách cần tìm hiểu. Niềm vui lớn nhất của các thành viên ban nhạc là sau mỗi suất diễn, du khách tỏ ra rất thích thú, có nhiều người đề nghị biểu diễn hết nhạc cụ này đến nhạc cụ khác, có người thì yêu cầu đàn những bài hát mà họ yêu thích…”.

 

Không chỉ những du khách đứng tuổi mà cả những bạn trẻ đến đây cũng tỏ ra hào hứng với các tiết mục biểu diễn nhạc cụ. Họ rủ nhau chụp hình với từng cây đàn, từng nhạc công để lưu dấu kỷ niệm tại danh thắng Hòn Chồng. Có thể nói, nhạc dân tộc đã trở thành là một bộ phận không thể thiếu trong quần thể danh thắng Hòn Chồng, tạo thêm nét độc đáo cho điểm dừng chân của du khách khi đến Nha Trang...

 

Đàn đá, đàn tranh… biểu diễn ca khúc quốc tế

 

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, Tháp Bà và Hòn Chồng là 2 địa điểm thu hút lượng lớn du khách của tỉnh, hàng năm đón trên 850.000 lượt.

 

k
Ca khúc "Việt Nam quê hương tôi" thể hiện qua tiếng đàn bầu.

 

“Du khách đến với danh thắng Hòn Chồng ngày một đông hơn và từ nhiều vùng miền trên khắp cả nước, đặc biệt, lượng khách quốc tế được các hãng  lữ hành trực tiếp đưa về đây với số lượng đáng kể. Do vậy, việc tập luyện để có đầy đủ các thể loại âm nhạc theo từng vùng miền là điều bắt buộc phải làm. Đối với du khách trong nước thì dễ dàng hơn, vì các tác phẩm đặc trưng của mỗi vùng chúng tôi đều biết, nhưng du khách quốc tế thì phải đầu tư nhiều hơn”, chị Trân, một nhạc công tâm sự.

 

Điều đặc biệt là những nhạc cụ dân tộc không chỉ thể hiện các bản nhạc trong nước mà còn có thể biểu diễn được những ca khúc quốc tế. Những bản nhạc trong nước thì đa dạng từ những bản dân ca đến ca khúc hiện đại như: “Trống cơm”, “Bèo dạt mây trôi”, “Qua cầu gió bay”, “Lý kéo chài”, “Lý ngựa ô”, “Hòn vọng phu”, “Tiếng chày trên sóc bom bo”, “Bóng cây kơ nia”, “Tình ca tây nguyên”, “Cô gái vót chông”…

 

Đối với đoàn khách quốc tế thì các nhạc công căn cứ vào danh sách từng đoàn để biết khách đến từ quốc gia nào thì phục vụ thêm những bản nhạc của quốc gia đó. Ví dụ, đối với người Nga, thì hòa tấu những bài: “Tình ca du mục”, “Ca chiu sa”, “Triệu đóa hoa hồng”, “Đôi bờ”, “Chiều Macxcơva”... ; người Trung Quốc thì: “Ánh trăng hiểu lòng tôi”, “Người tình mùa đông”…

 

Nhiều du khách quốc tế khi nghe âm nhạc của đất nước họ qua nhạc cụ dân tộc Việt thì tỏ ra thích thú, thân thiện. Du khách Nga Stephen Oblonsky vui vẻ nói: “Tôi rất bất ngờ khi các nhạc cụ được làm từ đá và ống nứa mà các bạn đánh được ca khúc của chúng tôi hay đến vậy. Hy vọng, sau chuyến đi này, tôi sẽ còn tiếp tục quay lại Nha Trang và ghé thăm các nghệ sĩ…”.

 

k
Du khách thích thú đánh thử nhạc cụ dân tộc.

Long Mỹ