04:12, 24/12/2014

Bội thực sách Trung Quốc

Vào các nhà sách ở Nha Trang, không khó để nhận ra sách Trung Quốc (bản dịch) tràn ngập trên các kệ, lấn át sách của các tác giả trong nước.

Vào các nhà sách ở Nha Trang, không khó để nhận ra sách Trung Quốc (bản dịch) tràn ngập trên các kệ, lấn át sách của các tác giả trong nước.

 

Các nhà sách tràn ngập sách dịch của Trung Quốc.
Các nhà sách tràn ngập sách dịch của Trung Quốc.


Hiện nay, vào các nhà sách ở Nha Trang, nhìn đâu cũng thấy sách Trung Quốc, từ văn học, tiểu thuyết võ hiệp, sách về danh tướng Trung Quốc... cho đến sách tử vi lá số. Ở mảng sách văn học, nếu như trước đây tiểu thuyết Âu - Mỹ chiếm ưu thế, thì những năm gần đây, sách Trung Quốc đã vượt trội gấp nhiều lần. Đáng nói, trong số sách văn học Trung Quốc, ngoài một số ít tác phẩm có giá trị của các tên tuổi lớn như: Mạc Ngôn, Lý Nhuệ, Dư Hoa, Lưu Chấn Vân... còn lại phần lớn là các truyện ngôn tình, truyện kinh dị của những cây bút trẻ. Chỉ riêng tiểu thuyết ngôn tình đã lên đến con số hàng trăm, cùng với đó là hàng chục bộ sách về ma quái, trộm mộ... được xuất bản dưới mác “văn học kinh dị”. Điều đáng ngại, những tác phẩm ướt át, kỳ quái đó lại thu hút độc giả trẻ.


Sự lấn át của sách Trung Quốc như hiện nay là điều đáng lưu tâm. “Có cảm giác như Trung Quốc xuất bản quyển sách nào là giới xuất bản ở nước ta dịch ngay những thứ ấy, từ lịch sử, văn học, phong tục tập quán, đến cách ăn chơi của vua chúa Trung Quốc... Cuốn mỏng thì vài trăm trang, bộ dày tới vài nghìn trang, tất thảy đều được đóng bìa cứng, trình bày đẹp làm sách trong nước khó mà theo kịp” - anh Nguyễn Văn Hùng (Phước Tiến, Nha Trang) bày tỏ. Tình trạng này cũng sẽ góp phần làm người Việt rành sử Tàu hơn sử ta, quên đi người Việt cũng có không ít danh tướng lẫy lừng, những bậc danh sĩ mưu lược.


Vì sao thị trường sách lại tràn ngập sách Trung Quốc? Chắc hẳn những người có trách nhiệm sẽ viện dẫn sự tương đồng về văn hóa, thị hiếu người đọc, nhưng sự thật thì lợi nhuận mới là động lực chính. Một người quen trong giới làm sách hé lộ, sách Trung Quốc ngoại trừ những tác phẩm của các cây bút tên tuổi thì đều có bản quyền rất rẻ, tiền trả công dịch cũng thấp nên lợi nhuận khá cao. Chính vì vậy, ngay cả những đơn vị xuất bản tên tuổi cũng tham gia xuất bản sách ngôn tình. Bên cạnh đó, thực trạng này có một phần nguyên nhân xuất phát từ thị hiếu của người đọc, tuy nhiên cũng phải nói đến trách nhiệm của các đơn vị xuất bản. Với tư cách là nhà sản xuất, các đơn vị làm sách không nên chỉ chạy theo nhu cầu của độc giả mà còn phải có nhiệm vụ định hướng và điều tiết thị trường sách; biết cân đối thị phần sách dịch từ các nền văn học lớn (Trung Quốc, Nga, Âu - Mỹ...). Tiếc thay, vì lợi nhuận, các đơn vị làm sách đã nhắm mắt làm ngơ, liên tục đưa ra thị trường những sách ngôn tình của Trung Quốc, bất chấp những hệ lụy mà nó mang lại.


Thiết nghĩ, nên chăng các đơn vị quản lý nhà nước về xuất bản cần siết chặt hơn việc cấp giấy phép, thậm chí có thể tính đến việc quy định tỷ lệ sách dịch với sách nội địa để góp phần làm lành mạnh thị trường sách trong nước. Đồng thời, người đọc cũng nên có sự lựa chọn thông minh, bởi trong thế giới “phẳng” ngày nay, người Việt cần phải có cái nhìn rộng mở ra toàn thế giới.


THÀNH NGUYỄN