10:03, 21/03/2014

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Long Thành: Một góc nhìn khác!

Nhắc đến nghệ sĩ nhiếp ảnh Long Thành, người ta nhớ ngay đến những bức ảnh đen trắng, người kiếm được rất nhiều tiền từ nghề ảnh thủ công. Thế nhưng, ít người biết được đằng sau sự thành công ấy là  cả quá trình phấn đấu không ngừng.

Nhắc đến nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Long Thành, người ta nhớ ngay đến những bức ảnh đen trắng, người kiếm được rất nhiều tiền từ nghề ảnh thủ công. Thế nhưng, ít người biết được đằng sau sự thành công ấy là  cả quá trình phấn đấu không ngừng.


Gọi điện cho NSNA Long Thành hẹn gặp, anh bảo đến quán Le Petit Bistro (26D đường Trần Quang Khải, Nha Trang). Gần chục năm nay, gần như ngày nào Long Thành cũng có mặt tại quán này từ khoảng 9 - 11 giờ 30, thời gian biểu hàng ngày của anh chính xác, tỉ mỉ như những bức ảnh đen trắng - thể loại ảnh nghệ thuật mà anh đeo đuổi suốt mấy chục năm qua.  


1. Sinh ra ở làng chài dưới chân núi Chụt (Vĩnh Nguyên, Nha Trang), ở tuổi 13, cậu bé Long Tý (tên thật của Long Thành) bắt đầu học nghề nhiếp ảnh tại một tiệm ảnh nhỏ gần nhà. Tính đến nay, anh đã gắn bó với nghề hơn 40 năm. Điều đặc biệt, dù thời đại số hóa nhưng anh vẫn trung thành với ảnh đen trắng truyền thống. Anh vẫn thường sử dụng máy ảnh hiệu Leica, Rollei và Hasselblad, phim Kodak Tx để sáng tác. Và nhiều người vẫn xem anh giống như một người “đặc biệt” trong làng ảnh nghệ thuật đương đại của Việt Nam.  

 

Tác phẩm “Nón ai”  của nghệ sĩ  nhiếp ảnh  Long Thành.
 


Nhắc đến Long Thành, dân trong nghề coi anh là một “đại ca” trong làng ảnh. Nhưng ít người biết, anh từng kiếm sống bằng chụp ảnh dạo ở bờ biển, chụp ảnh đám cưới… Trong câu chuyện về đời mình, anh luôn nhắc đến những lần 3 giờ sáng đạp xe ra Ninh Ích chụp cảnh mặt trời lên; những chuyến đi sáng tác mà máy chỉ còn vài kiểu phim, bạn bè thương tình chia cho vài tấm phim đen trắng. “Hồi đó, nhà tôi rất nghèo, cả gia đình tá túc trong căn phòng khoảng 18m2 do người anh họ cho ở nhờ, vừa là phòng tối để làm ảnh, vừa là phòng khách, phòng ngủ, bếp…”, anh kể lại với giọng ngậm ngùi. Có lần, khách đến xem ảnh ái ngại nhìn thấy ngày Noel mà gia đình nghệ sĩ vẫn ăn cơm với rau muống luộc nên đã tặng ít tiền để anh dẫn cả gia đình đi ăn tiệm mừng lễ Giáng sinh.


2. Khoảng năm 1990, khi đất nước vừa mở cửa, khách du lịch đến Nha Trang đông, Long Thành đã chủ động liên hệ để treo ảnh tại quán bar Lizard nhằm tiếp thị với khách. Rồi một ngày, Peter - ông chủ của Sailing Club tìm đến nhà anh xem ảnh, sau đó đề nghị đem ảnh đến treo ở quán bar này. “Ròng rã mấy năm trời, hàng đêm, tôi phải đến Sailing Club để chơi, làm quen với khách, tự giới thiệu về mình. Mỗi buổi sáng, vợ tôi đạp xe đi tập thể dục ở bãi biển, nhân tiện ghé quán bar xem để bổ sung những tấm card dưới các bức ảnh”, anh nhớ lại. Từ Sailing Club, khách biết đến Long Thành ngày một nhiều hơn, rồi anh dần mở rộng mối quan hệ, treo ảnh ở nhiều nhà hàng, khách sạn khác. Cùng với việc đoạt các giải thưởng quốc tế, NSNA Long Thành đã được mời triển lãm cá nhân ở Đức, Nhật, Mỹ, Australia, Thụy Sĩ, Italia… Gallery của anh ở 126 Hoàng Văn Thụ, Nha Trang được đưa vào nhiều cuốn guider book, trong đó guider book Lonely Planet (Mỹ) xem đây là một trong 3 điểm mà du khách không nên bỏ qua khi đến Nha Trang (2 điểm còn lại là Bảo tàng Yersin và Nhà thờ núi).

 

Tác phẩm “Nón ai” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Long Thành.
Tác phẩm “Nón ai” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Long Thành.


Nhiều người thường nói Long Thành kiếm bộn tiền từ ảnh, nhờ tiền bán ảnh mà mua được nhà. Đó chỉ là bề nổi bên ngoài, bởi để có được thành công đó, anh đã phải tự tìm đường ra cho tác phẩm của mình, phải nâng việc bán ảnh lên thành chuyên nghiệp. Từ việc dùng những ống nước để làm ống đựng ảnh thuở ban đầu, anh đã đi đến việc đặt hàng làm các ống đựng ảnh bằng giấy cứng, có túi giấy đựng rất trang nhã.  Đương nhiên, điều không thể thiếu trong thời đại công nghệ thông tin này là một trang web với đầy đủ thông tin về tác giả như: tiểu sử, giải thưởng, triển lãm cá nhân, những tác phẩm nổi tiếng… Tuy không nói ra, nhưng người tinh ý sẽ nhận ra ngay cả việc ngồi đồng ở quán Le Petit Bistro cũng là một cách “tiếp thị” khôn khéo của anh. Người viết đã không ít lần chứng kiến cảnh Long Thành bắt chuyện với khách du lịch, để rồi sau đó những vị khách tìm đến gallery của anh… Bởi vậy, tuy có nhiều người mở gallery để bán ảnh cho khách du lịch, nhưng cái vị thế gallery của Long Thành vẫn không thay đổi.


Tuy rất thành công với việc bán ảnh, nhưng Long Thành luôn tự tìm thêm đường ra, nâng cao giá trị tác phẩm của mình. Từ việc bán ảnh đại trà, anh đã tính đến việc tạo ra những tác phẩm độc bản, vừa để làm sang cho người lưu giữ tác phẩm của mình, cũng là để nâng giá tác phẩm. Anh cho biết mình từng bán những bức ảnh độc bản có giá lên đến vài ngàn đô la. Giờ đây, anh còn tính đến việc kết hợp với các công ty địa ốc để bán ảnh như một phần quà tặng cho khách mua nhà.


 

NSNA Long Thành được phong tước hiệu EVAPA/G (nghệ sĩ xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) và EFIAP (nghệ sĩ xuất sắc của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế). Hiện nay, anh là Ủy viên Hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Anh đặc biệt thành công với những khuôn hình ghi lại cảnh sinh hoạt đời thường. Tác phẩm của anh luôn toát nên “chất” Việt Nam rõ nét. Sự chuyển đổi sắc độ giữa đen, trắng, xám cho phép anh thể hiện thành công cảnh lao động trên đồng muối, tình cảm ấm áp giữa những người lao động bình dân trong một xóm chài, những chân dung giàu cảm xúc về người già, trẻ em cũng như thân phận người phụ nữ… Khi sáng tác, Long Thành gần như không dàn dựng, bởi anh quan niệm “nhiếp ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc, phải phản ánh đời sống hiện thực như nó vốn có”. 

3. Lần đầu tiên gặp Long Thành, người ta dễ có cảm giác hơi e ngại bởi anh có vóc dáng cao lớn, đầu cạo trọc, quần lửng, nhìn khá hầm hố. Thế nhưng, tiếp xúc mới biết anh rất dễ gần. Long Thành là người khá quảng giao, bạn bè trong giới của anh khắp từ Bắc chí Nam. Ngoài nhiếp ảnh, anh còn rất đam mê nấu ăn. Mỗi khi có bạn bè ở xa đến, anh vẫn tự mình vào bếp để nấu đãi bạn bè.


Là người nói tiếng Anh khá giỏi, Long Thành dễ dàng giao tiếp với khách nước ngoài. Có những người khách vì mến mộ mà đã tặng anh những chiếc máy ảnh đắt tiền. Anh kể, quãng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, một  khách du lịch Mỹ tên là Red đến mua ảnh có mang theo chiếc máy ảnh Nikon F3T. Khi biết Long Thành rất thích chiếc máy ảnh này, vị khách nói lúc nào về Mỹ sẽ mua tặng anh một chiếc tương tự. Bẵng một thời gian, anh nhận được giấy báo của bưu điện là có bưu phẩm từ Mỹ gửi về. Điều làm anh bất ngờ và xúc động là trong hộp bưu phẩm, ngoài chiếc máy ảnh còn có một bức thư, trong thư nói Red đã mất vì bệnh ung thư. Một vị khách nữa tên là Paul, Giám đốc hãng sản xuất nettica của Bỉ đến du lịch ở Nha Trang. Sau khi xem ảnh của Long Thành, vị khách này đã mời anh đến Bỉ triển lãm và đã mua 300 bức ảnh Dưới cơn mưa (khổ 40x50) để tặng cho khách hàng nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập hãng.  


Hơn 40 năm gắn bó với nghiệp ảnh, với tay nghề vững vàng, Long Thành vẫn nói mình chỉ là hậu sinh so với các bậc tiền bối khác về ảnh đen trắng. Đến bây giờ, anh vẫn nhớ như in câu nói của cố NSNA Nguyễn Bá Mậu khi đến thăm anh: “Dù ở trong hoàn cảnh nào, người nghệ sĩ phải giữ được tâm hồn của mình trong sáng; phải nắm vững kỹ thuật để chinh phục nghệ thuật”, xem câu nói ấy như kim chỉ nam để sống với nghề. Trong câu chuyện về đời mình, Long Thành vẫn tự nhận mình là người may mắn. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, bởi không ai may mắn suốt đời và may mắn cũng chỉ đến với những người chăm chỉ, biết nắm bắt cơ hội.


THÀNH NGUYỄN