11:08, 08/08/2021

Vận động người dân rèn luyện thể thao

Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch triển khai Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", giai đoạn 2021 - 2030. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao xung quanh vấn đề này.

 

Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch triển khai Cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, giai đoạn 2021 - 2030. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao xung quanh vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa


- Xin ông cho biết mục đích và yêu cầu chính trong việc triển khai CVĐ?


- CVĐ nhằm góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của tập luyện thể thao trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực, giáo dục đạo đức, ý chí, nhân cách; đẩy lùi các tệ nạn xã hội; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua CVĐ, khuyến khích người dân tự chọn môn thể thao phù hợp để tập luyện, nâng cao sức khỏe, thể chất vì mục tiêu “Mỗi người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”, “Dân cường thì quốc thịnh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Đồng thời, gắn liền với CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát huy vai trò tự quản, tính sáng tạo của cộng đồng, lấy khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học là địa bàn chính để triển khai các hoạt động. Các đơn vị hành chính xã, phường phát huy trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung và chỉ tiêu.


- Ông có thể cho biết những chỉ tiêu phấn đấu và giải pháp cụ thể để thực hiện CVĐ?


- Về chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu số người tham gia tập luyện thể dục thể thao (TDTT) thường xuyên đến năm 2025 đạt 36% và năm 2030 đạt 36,5% trên tổng số dân trong toàn tỉnh; số gia đình tập luyện TDTT đến năm 2025 đạt 36,7% và đến năm 2030 đạt hơn 37,2%. Đến năm 2030, 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt chuẩn theo quy định của bộ và có ít nhất 3 câu lạc bộ TDTT cơ sở trở lên.


Đối với TDTT trường học, tăng cường chất lượng dạy và học thể dục chính khóa, cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy, phấn đấu 99% số học sinh đạt tiêu chuẩn thể lực theo quy định. Bên cạnh đó, 100% số trường phổ thông tổ chức Hội khỏe Phù Đổng định kỳ, tối thiểu từ 5 môn thể thao trở lên; cấp huyện, thị xã, thành phố tổ chức 8 môn; cấp tỉnh từ 10 đến 12 môn; số trường phổ thông có đủ sân bãi, dụng cụ thể thao đạt hơn 70%; phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 30% số trường học có 1 bể bơi đơn giản cho học sinh theo hình thức xã hội hóa, tiến tới xóa mù bơi cho trẻ em vào năm 2030. Trong lực lượng vũ trang, tỷ lệ đơn vị tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên từ 90 đến 99%; tỷ lệ đơn vị, cán bộ, chiến sĩ rèn luyện thể thao thường xuyên, đạt tiêu chuẩn theo quy định từ 90 đến 95%; 100% đơn vị có khu tập luyện thể thao cơ bản…


Để triển khai CVĐ đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực, giải pháp chính là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể; xây dựng các chiến lược, kế hoạch, kiện toàn bộ máy quản lý các ngành, cơ sở, xây dựng và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên thể thao; huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, thu hút xã hội hóa cho phát triển phong trào, khuyến khích phát triển kinh tế thể thao. Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế chính sách về lĩnh vực TDTT, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong tình hình mới; biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong CVĐ, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể tiêu biểu vào các dịp sơ kết, tổng kết định kỳ hàng năm, 5 năm và cả giai đoạn.


- Xin cảm ơn ông!


An Nhiên (Thực hiện)