V.League 2021 vẫn đang loay hoay tìm phương án tối ưu để kết thúc mùa giải đầy khó khăn với việc dời lịch sang năm 2022 hoặc hủy giải để đảm bảo lợi ích cho các câu lạc bộ (CLB). Phương án nào cũng có những hệ lụy rất lớn.
V.League 2021 vẫn đang loay hoay tìm phương án tối ưu để kết thúc mùa giải đầy khó khăn với việc dời lịch sang năm 2022 hoặc hủy giải để đảm bảo lợi ích cho các câu lạc bộ (CLB). Phương án nào cũng có những hệ lụy rất lớn.
Dời lịch thi đấu: Các đội không đồng tình
Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) - đơn vị tổ chức V.League đã đưa ra phương án dời lịch thi đấu các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thêm 5 tháng nữa, bắt đầu trở lại vào tháng 11-2021 và kết thúc vào tháng 3-2022. Cụ thể, Giải hạng Nhất quốc gia dự kiến khởi tranh từ ngày 20-11 bằng trận đấu bù vòng 7 và kết thúc giai đoạn 1 vào ngày 16-12. Từ ngày 20-12 đến 14-1-2022, các đội thi đấu tách nhóm A, B và kết thúc giai đoạn 2. Giải vô địch quốc gia LS 2021 (V.League 1) dự kiến sẽ bắt đầu vòng 13 giai đoạn 1 vào ngày 12-2-2022. Từ ngày 16-2 đến 12-3-2022, các đội tách nhóm và kết thúc giai đoạn 2. Cúp Quốc gia Bamboo Airways dự kiến trở lại vào ngày 17-1-2022 với vòng 1/8, kết thúc giải bằng trận chung kết vào ngày 18-3-2022.
Căn cứ để VPF đưa ra phương án dời lịch nói trên là do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở các tỉnh phía nam, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh và quỹ thời gian thi đấu của đội tuyển quốc gia gần sát nút nên việc tổ chức các giải đấu trong nước không phù hợp. Theo VPF, từ ngày 23-8-2021 đến hết 1-2-2022 liên tục là thời gian thi đấu, thực hiện quy định cách ly y tế của đội tuyển quốc gia khi thi đấu vòng loại 3 World Cup 2022 lượt đi, sau đó thi đấu lượt về. Cũng trong khoảng thời gian này, từ ngày 4 đến 31-10, đội tuyển U23 Việt Nam tập trung thi đấu vòng loại U23 châu Á tại Đài Loan, Trung Quốc; từ ngày 26-11 đến 17-1-2022, đội tuyển Việt Nam tập trung thi đấu AFF Cup…
Với lịch thi đấu dày đặc của các đội tuyển quốc gia, VPF cho rằng việc dời lịch thi đấu các giải chuyên nghiệp Việt Nam theo phương án vắt sang năm 2022 là hợp lý. Tuy vậy, phương án này vấp phải sự phản ứng của các CLB. Bởi, đối với các CLB chuyên nghiệp, kinh phí hoạt động thường được khoán trong 1 mùa giải, việc kéo dài thêm thời gian sẽ khiến phát sinh thêm chi phí. Đó là chưa kể các CLB ký hợp đồng với các cầu thủ ngoại 1 năm, nếu giải kéo dài sang năm 2022 thì chẳng có gì đảm bảo họ tiếp tục thi đấu cho CLB chủ quản. Khó khăn về tài chính, ràng buộc hợp đồng cầu thủ, hợp đồng tài trợ chính là những vướng mắc của các CLB nếu giải tiếp tục kéo dài.
Cần tìm tiếng nói chung
Nếu phương án dời lịch thi đấu sang năm 2022 không khả thi thì lựa chọn duy nhất là hủy giải, công nhận kết quả thi đấu của các đội hiện tại, kết thúc V.League mà không có đội lên hạng hoặc xuống hạng để tập trung cho đội tuyển quốc gia, giúp các CLB giảm thiểu rủi ro về tài chính. Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Ngọc - Tổng Giám đốc VPF cho rằng không thể hủy giải đấu vì sẽ tác động xấu đến cả nền bóng đá. Các đội bóng đã rất cố gắng, từ khâu chuẩn bị đến thi đấu nên không thể nói hủy là hủy. Đó là chưa kể quyền lợi của nhà tài trợ, các đối tác tham gia tổ chức giải cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu V.League bị hủy có thể sẽ không kêu gọi được tài trợ cho các mùa sau. Mặt khác, khi các đội bóng không tiếp tục thi đấu, bóng đá nước nhà cũng sẽ chịu ảnh hưởng khi chất lượng cầu thủ tham gia các giải đấu mang tầm quốc tế sẽ bị giảm sút đáng kể.
Từ những điều trên có thể thấy, VPF và các CLB nên ngồi lại với nhau để cùng thỏa thuận đưa ra được phương án tối ưu là giải đấu vẫn tiếp tục, lợi ích các bên được hài hòa mà vẫn đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.
An Nhiên