10:02, 19/02/2021

Vòng loại U19 quốc gia: Phương án nào khả thi?

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vòng loại U19 quốc gia phải tạm hoãn ở lượt đấu cuối cùng (ngày 1-2) trước khi xác định 12 đội bóng lọt vào vòng chung kết.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vòng loại U19 quốc gia phải tạm hoãn ở lượt đấu cuối cùng (ngày 1-2) trước khi xác định 12 đội bóng lọt vào vòng chung kết. Sau Tết, nếu tình hình dịch bệnh tại các địa phương tạm ổn, hẳn Ban tổ chức giải sẽ đưa ra phương án khả thi nhất để giải sớm kết thúc, thế nhưng việc đó cũng không dễ.
 
Đã có nhiều phương án được các chuyên gia tính đến để sớm kết thúc vòng loại U19 quốc gia như: Nếu tình hình dịch bệnh ở các địa phương tạm ổn, Ban tổ chức giải sẽ tiếp tục cho các đội thi đấu lượt trận cuối để xác định những cái tên lọt vào vòng chung kết; hoặc nếu chưa thì nhiều khả năng Ban tổ chức giữ nguyên kết quả của các đội sau 9 vòng đấu, từ đó dựa vào thứ hạng các đội ở các bảng để đưa vào vòng chung kết. Nhưng dù chọn cách nào trong 2 phương án trên đều không dễ. 

 

Một trận đấu tại vòng loại bảng D.
Một trận đấu tại vòng loại bảng D.
 
Có một vấn đề là đối với đội bóng ở các giải trẻ, kinh phí luôn khó khăn. Do vậy, nếu giải đấu được tổ chức tiếp thì các đội bóng sẽ một lần nữa di chuyển đến các địa phương đăng cai để đấu trận cuối, điều đó dẫn đến sự tốn kém, nhất là các đội nằm ở nhóm dưới bảng xếp hạng và không còn động lực thi đấu tranh vé. Chẳng hạn ở bảng A (gồm 6 đội: Hà Nội, PVF, Viettel, Đông Á Thanh Hóa, Nam Định và Công an nhân dân), hiện 3 đội nhóm cuối bảng xếp hạng là Đông Á Thanh Hóa, Nam Định và Công an nhân dân đã hết động lực tranh vé. Nếu vòng loại tiếp tục triển khai, các đội bóng này sẽ phải di chuyển ra Hà Nội đến Trung tâm Thể thao Viettel thi đấu lượt cuối và chỉ để làm “quân xanh” cho các đội nhóm trên. Điều này hẳn ban lãnh đạo các đội và cầu thủ cũng không muốn. 
 
Ở phương án thứ hai, Ban tổ chức sẽ công nhận kết quả xếp hạng của các đội sau 9 vòng đấu để xác định danh tính 12 tấm vé vào vòng chung kết. Thoạt đầu, có thể thấy phương án này khả thi nhất, thế nhưng nếu xem xét kỹ cũng tồn tại nhiều vấn đề và chắc chắn sẽ xảy ra tranh cãi. Bởi lẽ, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 5 đội bóng gồm: PVF, Hà Nội (bảng A), Sông Lam Nghệ An (bảng B), Quảng Nam (bảng C) và Đồng Tháp (bảng E) cầm chắc chiếc vé vào vòng chung kết, còn 7 suất nữa vẫn chưa thể xác định. Trong đó, đặc biệt là bảng D diễn ra tại Nha Trang (gồm 5 đội: Becamex Bình Dương, Sài Gòn, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bến Tre) vẫn chưa thể ngã ngũ khi có đến 4 đội (ngoại trừ Bến Tre) vẫn còn cơ hội giành vé vào chung kết. Nếu công nhận kết quả của các đội ở bảng đấu này thì Becamex Bình Dương xếp thứ nhất, Sài Gòn xếp thứ nhì sẽ giành 2 vé, nhưng điều này khiến cho 2 đội Khánh Hòa và Đồng Nai thiệt thòi. Ở lượt đấu cuối, Khánh Hòa (12 điểm) đối đầu với Đồng Nai (11 điểm), Becamex Bình Dương (14 điểm) gặp Sài Gòn (12 điểm). Trên lý thuyết, cả Khánh Hòa và Đồng Nai đều có thể giành vé vào vòng chung kết nếu họ giành chiến thắng và Becamex Bình Dương hoặc Sài Gòn hoàn toàn có thể bị loại hay phải chờ vé vớt (đội xếp hạng ba có thành tích tốt nhất) nếu để thua đối phương. Và như vậy, ở bảng này, nếu chấp nhận phương án công nhận kết quả của các đội khi vòng loại chưa kết thúc các lượt đấu chắc chắn sẽ gặp phản ứng mạnh. Do đó, bảng D chỉ có thể thực hiện theo phương án 1, đó là cho các đội tiếp tục thi đấu, các bảng còn lại tùy vào tình hình có thể triển khai cùng lúc 2 phương án là vừa công nhận kết quả đối với các đội đã chắc xuất hoặc không còn động lực thi đấu, vừa tổ chức các trận đấu đối với các đội đang trong diện tranh chấp chiếc vé còn lại.
 
An Nhiên