09:04, 05/04/2020

Bóng đá sân cỏ nhân tạo: Thiếu sự gắn kết

Phong trào bóng đá mini sân cỏ nhân tạo tại Khánh Hòa đang phát triển với nhiều giải đấu, đội bóng các câu lạc bộ, hội, nhóm rất đa dạng. Tuy vậy, so với các địa phương mạnh khu vực miền Bắc, miền Nam, sân chơi này ở tỉnh vẫn còn rời rạc...

Phong trào bóng đá mini sân cỏ nhân tạo tại Khánh Hòa đang phát triển với nhiều giải đấu, đội bóng các câu lạc bộ, hội, nhóm rất đa dạng. Tuy vậy, so với các địa phương mạnh khu vực miền Bắc, miền Nam, sân chơi này ở tỉnh vẫn còn rời rạc...


Trong bóng đá phong trào, môn bóng đá mini sân cỏ nhân tạo đang chiếm lĩnh “thị phần” lớn. Bởi lẽ, sân chơi này không đòi hỏi quá nhiều sự ràng buộc, bất cứ ở đâu miễn có sân thi đấu, đội bóng tập hợp đủ quân (từ 5 đến 7 người), các đội tự tổ chức đấu giao hữu... vậy là đã có một trận đấu rèn luyện sức khỏe. Ở một tầm cao hơn, những người đứng đầu các đội bóng bằng niềm đam mê, có tiềm lực tài chính đã tự bỏ tiền túi, chiêu mộ cầu thủ chất lượng hoặc kêu gọi hỗ trợ kinh phí từ các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức một giải đấu với điều lệ, cách thức thi đấu, cơ cấu giải thưởng… không kém gì giải chuyên nghiệp. Từ 7 năm trước, ở khu vực miền Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, sân chơi phong trào môn bóng đá mini sân cỏ nhân tạo đã tạo được sức thu hút, xây dựng được giải đấu HPL-S được đánh giá rất cao về chất lượng. Những đội bóng nổi danh ở giải HPL-S phải kể đến gồm: Văn Minh, EOC, Gia Việt, Tuấn Sơn, Ocean… Còn ở miền Nam, tuy chỉ mới ra đời cách đây 2 năm nhưng giải SPL-S cũng đã khẳng định được tên tuổi của một số đội bóng phong trào thành phố mang tên Bác và các tỉnh, thành lân cận.

 

Cầu thủ của các đội bóng thi đấu tại giải KPL-S1.

Cầu thủ của các đội bóng thi đấu tại giải KPL-S1.


Ở khu vực miền Trung nói chung và Khánh Hòa nói riêng, nếu chỉ dừng lại ở hoạt động giải trí, rèn luyện sức khỏe thì sân chơi phong trào môn bóng đá mini sân cỏ nhân tạo cũng sôi nổi không kém so với miền Bắc, miền Nam, nhưng để đòi hỏi trình độ cao hơn thì hoạt động sân chơi này còn khiêm tốn. Điều đó được thể hiện rõ khi Vietfootball tổ chức giải bóng đá phong trào sân 7 người trên phạm vi cả nước. Họ tỏ ra lúng túng khi chọn địa điểm đăng cai và không dự đoán được số đội bóng các tỉnh, thành khu vực đăng ký tham dự. Để rồi, qua khảo sát của ban tổ chức, Khánh Hòa là địa phương có tiềm lực nhất và KPL-S1 chính thức chào sân mùa giải đầu tiên (năm 2019). Do hoạt động sân chơi này ở miền Trung, ở tỉnh còn khá khiêm tốn nên số lượng đội tham dự giải này không nhiều (8 đội), trong đó có đến 7 đội của Khánh Hòa với những cái tên quen thuộc như: Thành Thành, Olympic Gym, Nam Phương, Vạn Tín FC… Trong giới bóng đá phong trào tỉnh, nhiều người hâm mộ biết các đội bóng này. Thế nhưng, đa số các đội bóng hoạt động theo kiểu tùy hứng, mỗi khi có giải mới gom quân.


Theo đánh giá của một chuyên gia, trong khi V.League và các giải bóng đá nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia đang phải nỗ lực kéo khán giả đến sân, thu hút quảng cáo, còn sân bóng đá phong trào chỉ cần có giải đấu chất lượng thì mọi thứ tự tìm đến. Đây là sân chơi đầy tiềm năng mà nếu biết cách tổ chức, khai thác sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, không chỉ về mặt đóng góp cho sự phát triển phong trào, xây dựng nguồn lực trong công tác tìm kiếm, đào tạo cầu thủ các cấp độ và quảng bá thương hiệu.  


An Nhiên