12:03, 17/03/2011

Nhớ mãi người nhạc sĩ tài hoa

Trước Tết Nguyên đán Tân Mão khoảng 2 tháng, được tin nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy lâm trọng bệnh, cần điều trị dài ngày, tôi và một số anh em văn nghệ sĩ trong tỉnh vào bệnh viện thăm anh.

Trước Tết Nguyên đán Tân Mão khoảng 2 tháng, được tin nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy lâm trọng bệnh, cần điều trị dài ngày, tôi và một số anh em văn nghệ sĩ trong tỉnh vào bệnh viện thăm anh. Biết vậy nhưng nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy vẫn tỏ ra bình tĩnh, lạc quan. Anh cười và nói với chúng tôi: “Không sao. Điều trị ít bữa khỏi bệnh, tôi lại về cùng bạn bè ca hát như thường”. Thấy anh lạc quan, ai cũng nghĩ anh sẽ mau lành bệnh, không ngờ anh lại ra đi vội vã. 17 giờ ngày 13-3-2011, tức 9-2 âm lịch, đạo diễn Cao Nguyên và tiếp đó là họa sĩ Văn Vết đột ngột báo tin: “Hoàng Thơ Huy đã từ trần”. Tin dữ này làm cho anh em văn nghệ sĩ và bạn bè thân thiết của nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy ở Nha Trang rất đỗi bàng hoàng. Vậy là từ nay không còn được nhìn thấy người nhạc sĩ có mái tóc dài chấm vai ngồi ôm ghi-ta bập bùng hát tình ca nữa! Tác giả của ca khúc Nha Trang giải phóng đã đi vào cõi vĩnh hằng.

Nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy, tên khai sinh là Trần Đình Lý; sinh ngày 7-3-1938, tại Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Anh xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Gia đình anh phải lang bạt khắp nơi để sinh sống, cuối cùng chọn Nha Trang làm bến đậu. Tuy cuộc sống vất vả nhưng cha mẹ anh rất mê ca hát. Hoàng Thơ Huy từng tâm sự: Cha mẹ anh đã dạy cho anh biết hát bài chòi từ thuở nhỏ. Vì vậy, lớn lên anh đã say mê học đàn ca, học sáng tác ca khúc.

Hoàng Thơ Huy đi vào con đường sáng tác ca khúc từ trước năm 1975. Nhạc sĩ Hình Phước Liên kể: “Trước năm 1975, Hoàng Thơ Huy có bút danh Huy Phong; anh đã được công chúng yêu nhạc biết đến với các ca khúc: Sao đổi ngôi, Gặp giữa cao nguyên… Sau ngày Nha Trang được giải phóng (2-4-1975), anh tình nguyện vào làm việc ở ngành Văn hóa - Thông tin và say sưa sáng tác ca khúc với bút danh mới: Hoàng Thơ Huy. Sự nghiệp sáng tác của anh thăng hoa kể từ đây với hàng loạt ca khúc ra đời, tiêu biểu như Nha Trang giải phóng, viết ngay khi đoàn quân giải phóng tiến vào Nha Trang sáng 2-4-1975”. Theo những người có mặt trong sáng 2-4 lịch sử: “Khi đoàn quân giải phóng vừa vào đến chân đèo Rù Rì thì thấy một chàng thanh niên cao to, đi trên chiếc jeep mui trần, giương cao cờ đỏ sao vàng chào đoàn quân giải phóng và anh tình nguyện dẫn đường cho đoàn quân hùng dũng tiến vào giải phóng Nha Trang. Người thanh niên ấy là nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy”. Ngay chiều hôm đó, anh cho ra đời ca khúc Nha Trang giải phóng; lập tức ca khúc được hát vang trên đường phố. Các ca khúc tiếp theo của anh gồm: Tiếng hò trên đồng lúa Tuy Hòa (phổ thơ Vũ Trung Uyên), La Hai tháng tư, Nhớ Xê Kông, Bài ca trên vịnh Thần Tiên, Bài ca Phú Khánh… Trong đó, Bài ca Phú Khánh đã được Đài Phát thanh Phú Khánh (trước đây) dùng làm nhạc hiệu và được tỉnh Phú Khánh trao bằng khen năm 1976. Tiếng hò trên đồng lúa Tuy Hòa cũng là một ca khúc tiêu biểu của Hoàng Thơ Huy, đã được công chúng cả nước thuộc nằm lòng, đặc biệt là người yêu nhạc ở Phú Yên. Với ca khúc này, anh được tỉnh Phú Yên trao giải A, giải thưởng Văn học nghệ thuật 25 năm (1975 - 2000). Tiếng hò trên đồng lúa Tuy Hòa cùng với La Hai tháng tư, Nhớ Xê Kông, Bài ca trên vịnh Thần Tiên đã giúp cho Hoàng Thơ Huy vinh dự trở thành hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam.

Nhạc của Hoàng Thơ Huy đằm thắm, trữ tình, mang đậm chất dân ca Khu 5, vì thế dễ đi vào lòng người, dễ nhớ, dễ thuộc: Ế hò, hò ê nhớ không em/hợp tác đã chung tay/hương lúa ấm tình người… (Tiếng hò trên đồng lúa Tuy Hòa), hay: Tin vui Nha Trang giải phóng/gông cùm Nha Trang ta giải phóng/Bác đã về đây với Nha Trang, với mọi nhà… (Nha Trang giải phóng). Đã 36 năm trôi qua nhưng âm hưởng của những bài ca đó vẫn vang mãi trong lòng người nghe.

Nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy là người sống hết mình cho âm nhạc; anh còn là người sống tình cảm, thủy chung với bạn bè, đồng nghiệp. Căn nhà số 121 đường 2-4, TP. Nha Trang của gia đình anh ngay từ sau ngày giải phóng Nha Trang (2-4-1975) là nơi hội tụ của rất nhiều văn nghệ sĩ trong cả nước. Những năm 1975 - 1980 của thế kỷ trước, tôi cùng Trần Vũ Mai, Thanh Hồ, Tấn Thắng, Nguyễn Âu Hồng, Vũ Hoàng Linh… tuần nào cũng có mặt ở nhà Hoàng Thơ Huy uống rượu, ca hát, đọc thơ. Các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Phạm Tuyên, Trọng Bằng… cũng từng hội ngộ với Hoàng Thơ Huy ở đây. Trong công việc, Hoàng Thơ Huy luôn hăng hái làm tròn nhiệm vụ được giao. Năm 1979, tỉnh cử một đoàn cán bộ tổng hợp nhiều ngành nghề sang giúp tỉnh bạn - Stung Treng của Campuchia, Hoàng Thơ Huy đã tình nguyện đi đầu. Qua một năm công tác ở nước bạn, anh đã viết được ca khúc Nhớ Xê Kông được nước bạn rất yêu thích.

Giờ đây, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng, những kỷ niệm về anh, những ca khúc của anh vẫn sống mãi trong lòng bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và những người yêu nhạc.

XUÂN TUYNH