“Ba ơi, mình đi đâu” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2009) là cuốn tiểu thuyết đoạt giải thưởng Fémina năm 2008 của Jean-Louis Fournier (Pháp). Thông qua cuốn sách nhỏ của Jean-Louis Fournier, người đọc sẽ tìm thấy cách yêu thương con người và số phận của chính mình, để không bao giờ thôi trìu mến cuộc sống...
“Ba ơi, mình đi đâu” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2009) là cuốn tiểu thuyết đoạt giải thưởng Fémina năm 2008 của Jean-Louis Fournier (Pháp). Thông qua cuốn sách nhỏ của Jean-Louis Fournier, người đọc sẽ tìm thấy cách yêu thương con người và số phận của chính mình, để không bao giờ thôi trìu mến cuộc sống...
Ba ơi, mình đi đâu là cuốn sách có thể khiến bạn đọc yêu thích, không phải bởi ý tưởng hoặc lối viết lạ lùng hay hoa mỹ, mà đơn giản chỉ là yêu “một niềm trìu mến chưa hề trau chuốt” (Cecile Mazin). Trước khi giành được giải thưởng Fémina, Ba ơi, mình đi đâu từng là tác phẩm bán chạy ở Pháp và đã lọt vào danh sách chung khảo giải Goncourt. Bà Christine Jordis, Trưởng Ban Giám khảo Giải Fémina đã ưu ái nhận xét Ba ơi, mình đi đâu là “một cuốn sách hướng con người đến cái thiện”.
Với Jean-Louis Fournier, tiểu thuyết này ông viết dành tặng cho hai người con tật nguyền, Mathieu và Thomas. Và người cha có tới “hai ngày tận thế” đã tâm sự trong những trang đầu tiên của tiểu thuyết: Khi nói về những đứa trẻ tật nguyền, người ta thường tỏ vẻ nghiêm trọng như khi nói về một thảm họa. Nhưng lần này, ba muốn thử nói về các con một cách vui vẻ. Các con từng khiến ba cười, và không phải lúc nào cũng là miễn cưỡng (trang 7). Có lẽ vì vậy khi cuốn sách đoạt giải, ông đã không dám tin. Tên cuốn sách chính là câu hỏi duy nhất mà Thomas thường ngây thơ đặt ra và không bao giờ chịu ngừng lại với bất kỳ câu trả lời nào của Jean-Louis Fournier. Và ông gọi cậu bé là “vua của thể loại running gag” (hài kịch lặp đi lặp lại, dưới cùng một hình thức hoặc dưới các hình thức khác nhau đôi chút, trong cùng một vở kịch ngắn hay trong nhiều kỳ liên tiếp).
Ở tuổi 70, nhà văn được mệnh danh “mắn đẻ” với hơn 20 tác phẩm đã thật sự chinh phục độc giả bằng 175 trang viết mỏng manh, ít chữ, và đặc biệt chất trào phúng kỳ lạ trong Ba ơi, mình đi đâu. Câu chuyện về hai người con tật nguyền sinh cách nhau 2 năm, những đứa trẻ không trưởng thành mà chỉ lớn lên ở đôi bàn chân, người vợ bỏ đi vì khánh kiệt sức chịu đựng, và sự ra đi của Mathieu ở tuổi 15 đều được mở ra trong trường liên tưởng của cái nhìn hài hước. Jean-Louis Fournier đặt những đứa trẻ bình thường và hai đứa con tật nguyền lên bàn cân của sự trào lộng để thấy các “lợi thế” mà ông đã “được”: không bận tâm chuyện học hành, nghề nghiệp của con cái, được hưởng miễn phí giấy chứng nhận đã đóng thuế ô tô suốt nhiều năm… Hay Jean-Louis Fournier vào vai của Mathieu và Thomas để viết thư tặng chính mình nhân dịp ngày lễ Cha… Do đó, những nỗi đau, thất vọng, day dứt giấu mình trong tiếng cười trào lộng buộc người đọc phải cười, phải khóc, suy ngẫm và khâm phục cả con người lẫn tài năng của Jean-Louis Fournier. Bên cạnh đó, trong tác phẩm còn có những khoảng lặng. Đó là những đoạn văn ngắn chỉ trong khoảng mươi dòng, được tách biệt riêng một trang. Ví như: Không nên nghĩ rằng cái chết của một đứa trẻ tật nguyền thì ít buồn hơn. Nó cũng buồn như cái chết của một đứa trẻ bình thường vậy; Từ kẻ ấy, chúng ta khó lòng giữ được ký ức nào về một nụ cười (trang 102)… Những đoạn văn tuy ngắn ngủi nhưng lại mang sức nặng của tiếng thở dài, của nước mắt. Chính ở đó, tiểu thuyết thấp thoáng tính triết luận, hiện thân rõ nét nhất của những trải nghiệm tinh tế và đau thương.
Hơn tất cả, Ba ơi, mình đi đâu lay động tâm thức người đọc bởi những đau đáu yêu thương mà Jean-Louis Fournier dành cho Mathieu và Thomas. Như bất kỳ người cha nào, ông cũng có biết bao kỳ vọng về con cái. Điều đó mở ra cả một thế giới của sự tưởng tượng và hy vọng, vượt lên trên thực tế đẫm màu sắc phũ phàng và bi quan. Jean-Louis Fournier nghĩ đến những tình huống rất đỗi bình thường: trao đổi về chuyện học hành ở lớp, con học đại học, bước vào thị trường lao động… Nhưng mọi kỳ vọng, nghĩ suy chỉ là ước mơ và nối dài những tiếng cười xót xa.
Không chỉ những bậc sinh thành tìm thấy sự đồng điệu ở Ba ơi, mình đi đâu, mà ai cũng sẽ nhận ra mình là một phần bé nhỏ và may mắn của cuộc sống với tất cả những hạnh phúc và bất hạnh, để tập nhìn mọi người trên con đường của riêng họ, không định kiến, rộng rãi hơn và nhân ái hơn… Hay nói cách khác, thông qua cuốn sách nhỏ của Jean-Louis Fournier, người đọc sẽ tìm thấy cách yêu thương con người và số phận của chính mình, để không bao giờ thôi trìu mến cuộc sống…
NHẬT LỆ