Thế giới chào năm mới 2022 trong bối cảnh thắt chặt quy định phòng, chống dịch Covid-19
Các sự kiện đêm Giao thừa đón năm mới rất được chờ đợi vẫn diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, dù quy mô phải thu hẹp so mọi năm, trong bối cảnh nhiều quốc gia siết chặt quy định phòng dịch ngay trước thềm năm mới.
Các sự kiện đêm Giao thừa đón năm mới rất được chờ đợi vẫn diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, dù quy mô phải thu hẹp so mọi năm, trong bối cảnh nhiều quốc gia siết chặt quy định phòng dịch ngay trước thềm năm mới.
Người dân Dubai chào đón năm mới với màn bắn pháo hoa rực rỡ tại tháp Burj Khalifa, cùng màn trình diễn laser diễn ra tại đài phun nước Dubai gần đó.
Ở Ras al Khaimah, màn trình diễn của pháo hoa và công nghệ kéo dài 12 phút có sự tham gia của hàng trăm máy bay không người lái thắp sáng bầu trời trên Biển Ả Rập.
Nam Á đón năm mới
Ở Ấn Độ, hàng triệu người đã phải lên kế hoạch đón năm mới tại nhà, khi các thành phố lớn bao gồm New Delhi và Mumbai áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm cùng các quy định hạn chế khác trong bối cảnh gia tăng các ca nhiễm biến thể mới Omicron.
Việt Nam cùng thế giới chào năm mới 2022
Việt Nam cùng Thái Lan, Lào, Campuchia và Indonesia là các quốc gia Đông Nam Á tiếp theo bước sang năm mới 2022.
Không có bắn pháo hoa như mọi năm, không khí đón năm mới tại Việt Nam khá trầm lắng, dù nhiều địa phương vẫn tổ chức lễ đếm ngược đón năm mới cùng nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Tại Indonesia, giới chức thủ đô Jakarta đã cấm các cuộc tụ tập đón năm mới tại các địa điểm công cộng. Nhưng ở Thái Lan, nhà chức trách vẫn cho phép các bữa tiệc đêm giao thừa được tổ chức, cùng với những màn bắn pháo hoa rực rỡ trong bối cảnh vẫn áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Các buổi cầu nguyện trong đêm giao thừa thông thường được tổ chức tại các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Thái Lan được chuyển sang tổ chức trực tuyến.
Trung Quốc, Đông Nam Á bước sang năm mới 2022
Nhiều địa phương ở Trung Quốc chính thức đón năm 2022 vào lúc 23 giờ (theo giờ Việt Nam), với những màn pháo hoa rực sáng ở Hồng Kông và Đài Loan.
Nhưng ở Trung Quốc đại lục, chính quyền thành phố Thượng Hải đã hủy bỏ các sự kiện chào năm mới đông đúc, bao gồm cả màn trình diễn ánh sáng thường niên dọc sông Hoàng Phố ở trung tâm thành phố, vốn thu hút hàng trăm nghìn khán giả.
Kể từ giữa tháng 12, các lễ hội tổ chức ở địa điểm công cộng tại Bắc Kinh đã bị hạn chế, trong khi nhiều đền, chùa nổi tiếng cũng phải đóng cửa hoặc bị hạn chế ra vào. Chính phủ Trung Quốc kêu gọi người dân không nên rời khỏi thủ đô nếu có thể và yêu cầu xét nghiệm đối với những người đến từ các khu vực có tình trạng lây nhiễm.
Các ngôi chùa nổi tiếng ở Nam Kinh, Hàng Châu và nhiều thành phố lớn khác cũng đã hủy bỏ nghi lễ rung chuông cầu may trong đêm giao thừa.
Cùng thời điểm, một số nước ở Đông Nam Á cũng đã bước vào năm mới, trong đó Singapore, Malaysia và Philippines là các quốc gia đầu tiên trong khu vực được đón năm mới 2022.
Tại Philippines, không khí đón năm mới có phần trầm lắng khi siêu bão Rai vừa mới quét qua quốc đảo này cách đây 2 tuần, gây thiệt hại nặng nề về người và của, đồng thời quét sạch các nhu yếu phẩm của hàng chục nghìn người ngay trước thềm năm mới. Theo thống kê, hơn 400 người đã thiệt mạng do bão Rai và ít nhất 82 người vẫn còn mất tích, cùng với nửa triệu ngôi nhà hư hại hoặc bị phá hủy.
Tại Philippines, không khí đón năm mới có phần trầm lắng khi siêu bão Rai vừa mới quét qua quốc đảo này cách đây 2 tuần, gây thiệt hại nặng nề về người và của, đồng thời quét sạch các nhu yếu phẩm của hàng chục nghìn người ngay trước thềm năm mới. Theo thống kê, hơn 400 người đã thiệt mạng do bão Rai và ít nhất 82 người vẫn còn mất tích, cùng với nửa triệu ngôi nhà hư hại hoặc bị phá hủy.
Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc đón năm mới
Tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, lễ rung chuông giao thừa hàng năm đã bị hủy bỏ trong năm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 mới vẫn đang gia tăng. Thay vào đó, 1 đoạn video quay trước về buổi lễ truyền thống năm nay sẽ được phát trực tuyến và trên truyền hình.
Hàn Quốc cũng lên kế hoạch đóng cửa nhiều bãi biển và các điểm du lịch khác dọc theo bờ biển phía đông nước này, nơi thường thu hút nhiều người dân đến đón ánh bình minh đầu tiên trong năm mới.
Trái lại, ở Triều Tiên, các sự kiện chào năm mới cùng màn bắn pháo hoa rực rỡ vẫn tiếp tục được tổ chức như mọi năm ở thủ đô Bình Nhưỡng, khi thời khắc năm mới điểm lúc 22 giờ (theo giờ Việt Nam).
Ở Nhật Bản, trong bối cảnh nhiều hoạt động chào năm mới bị cấm, người dân nước này đã lựa chọn đến các nhà hàng, đi mua sắm và tụ họp gia đình trong ngày đầu năm mới.
Sydney chào năm mới bằng màn pháo hoa ngoạn mục
Trong khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, pháo hoa rực sáng bầu trời thành phố Sydney, nơi hiếm hoi trên thế giới mà người dân được thưởng thức trọn vẹn không khí lễ hội chào năm mới trong bối cảnh đại dịch.
Đúng 0 giờ 00 (tức 20 giờ theo giờ Việt Nam), năm mới 2022 đã chính thức gõ cửa Sydney, cũng là lúc màn biểu diễn pháo hoa hoành tráng chính thức khởi đầu trên cầu cảng Sydney, mang đến hy vọng về 1 năm mới nhiều niềm vui.
Người dân Sydney được thưởng thức tới 2 màn trình diễn pháo hoa chào năm mới. Vào lúc 21 giờ (15 giờ theo giờ Việt Nam), màn pháo hoa đầu tiên đã thắp sáng bến cảng cạnh Nhà hát Opera Sydney nổi tiếng của thành phố.
Sau đó 3 tiếng, màn bắn pháo hoa thứ hai tiếp tục đúng thời khắc giao thừa khi thành phố lớn nhất Australia bước sang năm mới 2022.
New Zealand trình diễn ánh sáng đón 2022
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, New Zealand buộc phải hủy bỏ màn trình diễn pháo hoa nổi tiếng tại tháp Sky Tower ở Auckland. Thay vào đó là 1 màn trình diễn ánh sáng trên cầu cảng Auckland.
Nơi đầu tiên đón năm mới 2022
Các quốc đảo Thái Bình Dương như Tonga, Samoa và Kiribati là những nơi đầu tiên đón năm mới 2022, vào lúc 17 giờ ngày 31/12 theo giờ Việt Nam. Khoảng 1 tiếng sau, đến lượt người dân New Zealand chính thức bước vào năm mới 2022.
Năm 2022 có thể đánh dấu sự kết thúc của đại dịch Covid-19
Trong thông điệp đêm giao thừa, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra 1 nhận định đầy hy vọng về việc đánh bại đại dịch Covid-19 vào năm 2022, cho rằng thế giới đã có “công cụ" để chấm dứt thảm họa này, ngay cả khi các ca nhiễm mới hàng ngày trên toàn thế giới vẫn tiếp tục đạt kỷ lục mới.
Tuy nhiên, bài đăng lạc quan từ Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus được chia sẻ trên LinkedIn hôm thứ năm vẫn đi kèm với cảnh báo: nếu tình trạng bất bình đẳng tiếp tục kéo dài, đại dịch sẽ còn dài.
Hai năm trôi qua, các công cụ sẵn có để chống lại Covid-19 vẫn chưa được phân phối đồng đều trên khắp thế giới. Ở Châu Phi, 3/4 nhân viên y tế vẫn chưa được tiêm ngừa Covid-19, trong khi người dân ở châu Âu và Mỹ lại đang được tiêm liều tăng cường (mũi thứ ba). Khoảng cách đó đã khiến cơ hội xuất hiện của các biến thể mới càng nhiều hơn, khiến chúng ta lâm vào “1 chu kỳ tiếp tục chứng kiến những mất mát, khó khăn và hạn chế”, theo ông Tedros.
“Nếu chúng ta chấm dứt bất bình đẳng, chúng ta sẽ chấm dứt đại dịch, và chấm dứt cơn ác mộng toàn cầu mà tất cả chúng ta đã phải trải qua. Điều này là hoàn toàn có thể”, ông nhấn mạnh.
Như 1 phần trong phương hướng hành động trong năm mới của mình, Tổng giám đốc WHO cho biết, sẽ phối hợp với các chính phủ để ưu tiên cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho các sáng kiến toàn cầu, như COVAX và AVAT, với mục tiêu tiêm chủng cho 70% người dân ở tất cả các quốc gia trên thế giới vào giữa năm 2022.
“Sau hai năm, giờ đây chúng ta đã biết rõ về loại virus này. Chúng ta biết về các biện pháp hiệu quả đã được chứng minh để kiểm soát sự lây nhiễm: sử dụng khẩu trang, tránh tập trung đông đúc, duy trì khoảng cách, thực hành vệ sinh tay và đường hô hấp, mở cửa sổ để thông gió, xét nghiệm và truy vết tiếp xúc. Chúng ta biết cách điều trị căn bệnh mà virus gây ra và nâng cao cơ hội sống sót cho những người mắc bệnh nặng. Với tất cả những kiến thức và năng lực, chúng ta đang nắm bắt cơ hội để xoay chuyển cơn đại dịch này”, ông Tedros nhấn mạnh.
Thế giới chào năm mới trong hạn chế phòng dịch
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khi các ca nhiễm tiếp tục tăng cao trong làn sóng lây nhiễm do biến thể mới Omicron ngay trước thềm năm mới, nhiều quốc gia đã thắt chặt các biện pháp phòng dịch, khiến hàng triệu người trên thế giới sẽ tiếp tục phải đón 1 năm mới trong lặng lẽ.
Số ca nhiễm mới trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong khoảng 7 ngày qua, với trung bình hơn 1 triệu ca bệnh được ghi nhận mỗi ngày trên toàn thế giới tính từ ngày 24 đến 30/12, tăng khoảng 100 nghìn ca so với mức cao nhất trước đó được ghi nhận hôm thứ tư.
Nhiều sự kiện đón năm mới buộc phải hủy bỏ hoặc thu hẹp quy mô, song tại Australia, những màn pháo hoa ngoạn mục như thường thấy mọi năm ở bến cảng cạnh Nhà hát Opera Sydney vẫn sẽ được duy trì để chào năm mới 2022.
Nhưng sẽ không có màn trình diễn pháo hoa nào tại nhiều địa điểm nổi tiếng khác trên thế giới, như Khải Hoàn Môn ở Paris (Pháp), tháp đồng hồ Big Ben ở London (Anh) và tháp Petronas ở Kuala Lumpur (Malaysia).
Quả cầu pha lê vẫn sẽ được thả xuống tại Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ), nhưng sự kiện năm nay sẽ chỉ có quy mô bằng 1/4 so với thông thường, trong khi người tham dự được yêu cầu phải đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp giãn cách và phải có giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19.
Tại châu Á, các buổi lễ mừng năm mới chủ yếu phải thu hẹp quy mô hoặc tạm dừng. Ở Hàn Quốc, lễ rung chuông truyền thống vào đêm giao thừa đã buộc phải hủy bỏ trong năm thứ hai liên tiếp, khi nhà chức trách gia hạn các quy định giãn cách nghiêm ngặt trong vòng 2 tuần để đối phó với tình trạng gia tăng liên tục các ca nhiễm mới.
Tương tự, sẽ không có những màn chào mừng năm mới náo nhiệt tại khu Shibuya sầm uất của thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Thủ tướng Kishida Fumio đã lên mạng xã hội để kêu gọi người dân đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập trong các bữa tiệc mừng năm mới.
Theo thông lệ, người dân Nhật Bản thường đến thăm các đền chùa từ đêm 31/12 năm cũ đến ngày 3/1 đầu năm sau để cầu nguyện cho một năm sắp tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, các đền thờ tại Nhật Bản đã đề nghị người dân đến sớm hơn để tránh tình trạng đông đúc.
Ở Trung Quốc, một số địa phương đang trong tình trạng báo động cao vì dịch bệnh, với thành phố Tây An đang tiến hành phong tỏa, trong khi nhiều sự kiện chào năm mới ở các thành phố khác đã bị hủy bỏ.
Tại Đông Nam Á, nhà chức trách thủ đô Jakarta, Indonesia đã lên kế hoạch đóng cửa 11 tuyến đường thường thu hút đông đảo người dân vào đêm giao thừa đón năm mới.
Malaysia cũng cấm các cuộc tụ tập đông người trên phạm vi toàn quốc và hủy bỏ màn bắn pháo hoa thường niên ở tháp đôi Petronas.