07:10, 09/10/2021

Khủng hoảng điện ở Trung Quốc lan rộng toàn cầu, tác động từ iPhone đến sữa bò

Tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc bắt đầu lan rộng trên toàn cầu, gây thiệt hại cho tất cả các bên, từ tập đoàn Toyota đến người nuôi cừu Australia hay sản xuất hộp các-tông.

Tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc bắt đầu lan rộng trên toàn cầu, gây thiệt hại cho tất cả các bên, từ tập đoàn Toyota đến người nuôi cừu Australia hay sản xuất hộp các-tông.
 
Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới không chỉ gây ảnh hưởng riêng đến tăng trưởng của chính đất nước này. Tác động trực tiếp của nó đến chuỗi cung ứng có thể làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu vốn đang vật lộn để vượt lên cú sốc đại dịch COVID-19.
 

 

Công nhân bảo trì đường dây điện ở Trung Quốc. Ảnh: AFP
Công nhân bảo trì đường dây điện ở Trung Quốc. Ảnh: AFP
 
Thời điểm này được cho là không thể tồi tệ hơn, khi ngành công nghiệp vận tải biển đang phải đối mặt với việc các nguồn cung cấp trì hoãn giao hàng quần áo và đồ chơi cho những ngày lễ cuối năm. Nó cũng diễn ra ngay khi Trung Quốc bắt đầu mùa thu hoạch, làm dấy lên lo ngại nông sản sẽ đội giá.
 
“Nếu tình trạng thiếu điện và cắt giảm sản lượng tiếp diễn, chúng có thể trở thành một nhân tố gây rắc rối cho nguồn cung toàn cầu, đặc biệt nếu chúng ảnh hưởng đến việc sản xuất các sản phẩm xuất khẩu”, ông Louis Kuijs, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Oxford Economics, cho biết.
 
Tăng trưởng chậm lại
 
Các nhà kinh tế đã cảnh báo về nguy cơ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Theo Citigroup, các nhà xuất khẩu và sản xuất hàng hóa đặc biệt có nguy cơ cao trước một nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu. Một số vùng lãnh thổ lân cận như Đài Loan và Hàn Quốc rất dễ bị tác động. Những nhà xuất khẩu kim loại như Australia và Chile và các đối tác thương mại chính như Đức cũng sẽ chịu ảnh hưởng phần nào.
 
Đối với người tiêu dùng, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà sản xuất có thể chịu đựng chi phí cao hơn hay sẽ áp lên giá thành sản phẩm. 
 
Nhà kinh tế học Craig Botham, Giám đốc kinh tế Trung Quốc của tổ chức tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics nhận xét điều này giống như một cú sốc lạm phát đình trệ đối với ngành sản xuất, không chỉ với Trung Quốc mà còn với thế giới. "Việc tăng giá hiện nay xảy ra trên diện khá rộng - hệ quả của việc Trung Quốc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Botham nói. 
 
Bắc Kinh đang tìm kiếm nguồn cung cấp điện năng để ổn định lại tình hình. Tác động đến nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào việc nỗ lực đó mang lại kết quả nhanh như thế nào. Nhiều nhà máy Trung Quốc đã giảm sản lượng cho kỳ nghỉ "Tuần lễ Vàng" trong tuần này và các nhà kinh tế đang theo dõi chặt chẽ liệu tình trạng thiếu điện có quay trở lại khi chúng tăng hoạt động trở lại hay không. Trên thực tế, một số ngành công nghiệp đang chịu sức ép nặng nề của cuộc khủng hoảng năng lượng và tổn thất này có thể nhanh chóng lan sang những lĩnh vực khác.
Bìa giấy
 
Việc sản xuất hộp các tông và vật liệu đóng gói vốn đã căng thẳng do nhu cầu tăng vọt trong thời kỳ đại dịch. Hiện tại, tình trạng ngừng hoạt động tạm thời ở Trung Quốc đã khiến sản lượng bìa giấy thiếu hụt nặng hơn nữa, dẫn đến nguồn cung có thể giảm từ 10% đến 15% trong tháng trước và tháng này. 
 

 

Thùng container xếp tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Thùng container xếp tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
 
Lương thực
 
Chuỗi cung ứng lượng thực cũng gặp rủi ro khi cuộc khủng hoảng năng lượng khiến mùa thu hoạch trở nên khó khăn hơn đối với Trung Quốc - nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới. Giá lương thực toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ. Giới quan sát lo ngại tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thu hoạch nông sản từ ngô, đậu nành đến lạc và bông.
 
Trong những tuần gần đây, một số nhà máy đã buộc phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng để tiết kiệm điện, chẳng hạn như các nhà máy chế biến đậu nành làm thức ăn gia súc và dầu thực vật. Giá phân bón, một trong những yếu tố quan trọng nhất của nông nghiệp, đang tăng chóng mặt.
 
Tuần qua, các nhà phân tích của công ty tài chính Rabobank (Hà Lan) đã viết trong báo cáo rằng ngành công nghiệp chế biến sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với các mặt hàng chủ lực như ngũ cốc và thịt. Trong ngành sữa, lệnh cắt điện có thể làm gián đoạn hoạt động của các máy vắt sữa, trong khi các nhà cung cấp thịt lợn sẽ phải đối mặt với áp lực về nguồn cung cấp kho lạnh bảo quản.
 
Ở bên ngoài Trung Quốc, các nông dân nuôi cừu để lấy lông ở Australia đang chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với sức mua yếu hơn. Kênh ABC đưa tin tuần trước, các xưởng dệt ở Trung Quốc giảm 40% sản lượng vì cắt điện.
 
Công nghệ
 
Thế giới công nghệ cũng có thể chứng kiến một cú tác động rõ rệt, khi Trung Quốc là cơ sở sản xuất linh kiện và thiết bị lớn nhất thế giới, từ điện thoại iPhone đến tay cầm trò chơi điện tử. Nơi đây cũng là trung tâm sản xuất chất bán dẫn dùng trong xe cộ và thiết bị.
 
Một số công ty cũng phải tạm ngừng hoạt động tại các cơ sở ở Trung Quốc để tuân thủ yêu cầu giảm tiêu thụ điện của địa phương. Pegatron, một đối tác quan trọng của Apple, cho biết tháng trước họ bắt đầu áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, trong khi ASE Technology, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã tạm dừng sản xuất trong vài ngày.
 
Tác động tổng thể đối với lĩnh vực công nghệ cho đến nay chưa được xác định rõ do ở Trung Quốc đang là thời gian nghỉ lễ dài. Nếu cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên tồi tệ hơn, nó có thể ảnh hưởng đến sản lượng cung cấp trước mùa mua sắm cuối năm quan trọng. Những “gã khổng lồ” trong ngành như Dell và Sony sẽ không thể chịu được thêm cú sốc này sau tình trạng hỗn loạn do đại dịch gây ra.
 
Sản xuất xe hơi
 
Bất kỳ sự suy thoái nào của thị trường bán dẫn cũng sẽ gây thêm đau đầu cho các nhà sản xuất xe hơi - những người đã chứng kiến sản xuất bị suy yếu vì thiếu chip. Ngành công nghiệp này vốn nằm trong danh sách các ngành được bảo vệ trong những thời điểm khó khăn như thế này, cho đến nay phần lớn đã không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng.
 
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp tách biệt. Toyota là công ty sản xuất hơn một triệu xe mỗi năm tại các nhà máy ở Thiên Tân và Quảng Châu thuộc Trung Quốc. Toyota cho biết một số hoạt động của họ đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện.
 
Theo TTXVN