CIA cáo buộc Trung Quốc từng đe dọa chấm dứt hợp tác điều tra về Covid-19 với WHO nếu tổ chức này tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
CIA cáo buộc Trung Quốc từng đe dọa chấm dứt hợp tác điều tra về Covid-19 với WHO nếu tổ chức này tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng Trung Quốc đã cố gắng ngăn cản Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo phù hợp về dịch Covid-19 hồi tháng 1/2020, thời điểm mà Bắc Kinh bị cáo buộc là đang tích trữ thiết bị y tế từ khắp nơi trên thế giới. Báo cáo của CIA cho biết Trung Quốc đã đe dọa WHO rằng, quốc gia này sẽ chấm dứt hợp tác điều tra về Covid-19 với WHO nếu tổ chức này tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Đây là lần thứ 2 một báo cáo từ cơ quan tình báo phương Tây có thể sẽ tiếp thêm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong đại dịch Covid-19, hiện đã khiến hơn 4,3 triệu người mắc bệnh và gần 293.000 người tử vong.
Báo cáo đầu tiên là một đánh giá của cơ quan tình báo Đức do Der Spiegel công bố hồi tuần trước, cáo buộc lãnh đạo Trung Quốc đã gây sức ép với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 21/1.
WHO đã bác bỏ cáo buộc về sự can thiệp, song từ chối trả lời cụ thể câu hỏi liệu các quan chức Trung Quốc có thực hiện bất kỳ nỗ lực nào nhằm trì hoãn hoặc thay đổi thông báo về Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) hay không.
"Chúng tôi không có bình luận gì về những cuộc thảo luận cụ thể với các nước thành viên nhưng chúng tôi có thể nói rằng vào mọi thời điểm trong đại dịch, WHO đã hành động phù hợp với nhiệm vụ của một tổ chức kỹ thuật dựa trên các bằng chứng tập trung vào việc bảo vệ tất cả mọi người ở mọi nơi", người phát ngôn WHO Christian Lindmeier nhận định với Newsweek.
"WHO dựa trên những khuyến nghị về khoa học, các hoạt động y tế công cộng tốt nhất, các bằng chứng, dữ liệu và lời khuyên của các chuyên gia độc lập".
Người phát ngôn WHO cũng khẳng định: "Ông Tedros đã không trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 20, 21 và 22/1. Ông Tedros và đội ngũ cấp cao của ông ấy chỉ gặp ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh ngày 28/1. Vấn đề về PHEIC đã không được đưa ra tại cuộc họp này".
Các quan chức tình báo Mỹ nhận định họ không thể khẳng định chắc chắn liệu lãnh đạo Trung Quốc có đóng vai trò gì trong việc gây sức ép với WHO hay không.
Khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngày 30/1, tổ chức này đã khẳng định Trung Quốc không làm gì sai, một tuyên bố làm dấy lên sự giận dữ ở phương Tây và khiến Tổng thống Trump chỉ trích WHO là "thiên vị Trung Quốc", trước khi dừng tài trợ cho tổ chức này hồi tháng 3.
"Hãy để tôi làm rõ rằng: Tuyên bố này không phải một lá phiếu bất tín nhiệm với Trung Quốc. Trái lại, WHO tiếp tục tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của quốc gia này", Tổng giám đốc WHO Tedros nhận định vào thời điểm đó.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa phản hồi về yêu cầu bình luận của Newsweek nhưng trong một cuộc họp báo vào 11/5, cơ quan này khẳng định: "Nhà lãnh đạo Trung Quốc không có một cuộc điện đàm như vậy với người đứng đầu WHO vào ngày 21/1 theo như bài báo của Der Spiegel”.
Người phát ngôn của WHO Lindmeier cũng bình luận với Newsweek rằng: "Điều lệ của WHO nói rằng mỗi nước thành viên phải "tôn trọng vai trò quốc tế riêng biệt của Tổng giám đốc và các nhân viên, cũng như không tìm cách gây ảnh hưởng đến họ (Điều 37). Chúng tôi biết mỗi quốc gia đều hiểu nghĩa vụ này là quan trọng đối với sự công bằng và trung lập của WHO trong các hoạt động y tế toàn cầu"./.
Theo VOV