02:03, 26/03/2020

Liên Hợp Quốc công bố "Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu" vì Covid-19

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, toàn thể nhân loại cần phải hành động,vì phản ứng riêng lẻ của mỗi quốc gia sẽ là không đủ.

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, toàn thể nhân loại cần phải hành động,vì phản ứng riêng lẻ của mỗi quốc gia sẽ là không đủ.
 
“Đại dịch Covid-19 đe dọa toàn nhân loại”, đây là khẳng định đưa ra hôm qua của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 đã lây lan ra gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Liên Hợp Quốc đã công bố “Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu” với lời kêu gọi ủng hộ hơn 2 tỷ USD cho những nước kém phát triển nhất thế giới.
 
 

 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: The Statesman
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: The Statesman
Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, toàn thể nhân loại cần phải hành động. Phản ứng riêng lẻ của mỗi quốc gia sẽ là không đủ. Hành động và tinh thần đoàn kết toàn cầu mang ý nghĩa sống còn trong cuộc chiến chống Covid-19.
 
“Thế giới đối mặt với một mối đe dọa chưa từng có. Đại dịch Covid-19 đã nhanh chóng bao trùm toàn cầu. Phản ứng riêng lẻ của từng quốc gia sẽ là không đủ. Các nước giàu có với hệ thống y tế mạnh đang phải chịu áp lực, nhưng bây giờ virus cũng đang lan đến các quốc gia vốn đang chịu khủng hoảng nhân đạo do xung đột, thiên tai và biến đổi khí hậu”, ông Gutterres nói.
 
“Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu” đối phó Covid-19 sẽ được triển khai từ tháng 4 đến tháng 12 tới. Tổng số tiền kêu gọi là hơn 2 tỷ USD, trong đó dự kiến 450 triệu USD cho Tổ chức Y tế thế giới, 405 triệu USD cho Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và 350 triệu USD cho Chương trình Lương thực thế giới (Pam). Mục tiêu của kế hoạch là nhằm giúp những nước nghèo nhất thế giới  đối phó với dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và những người mắc bệnh mãn tính.
 
Lời kêu gọi đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm hơn 20.000 người tử vong trên thế giới kể từ khi xuất hiện trường hợp đầu tiên hồi cuối năm 2019 vừa qua và hơn 450 nghìn người mắc bệnh. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại tại những nước đang bị khủng hoảng nhân đạo do chiến tranh, thiên tai hay biến đổi khí hậu. Theo Liên hợp quốc, hàng triệu người có nguy cơ tử vong nếu thế giới không chung tay chống lại virus SARS-CoV-2.
 
Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu hôm qua công bố một báo cáo cho thấy, ít có khả năng, virus SARS-CoV-2 biến mất vào mùa hè này. Điều hoàn toàn trái ngược với những nhận định ban đầu cho rằng cũng giống như 4 chủng virus corona khác, khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2chịu ảnh hưởng lớn của sự thay đổi nhiệt đội. Lo ngại không chỉ gia tăng với những nước “tâm dịch” như Italy hay Tây Ban Nha, mà còn đối với toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu. Các chuyên gia đã cảnh bao nguy cơ thiếu giường bệnh từ nay đến giữa tháng 4 nếu không có sự can thiệp nhanh chóng.
 
Bất chấp các biện pháp phòng chống quyết liệt như phong tỏa toàn quốc hay giảm tiếp xúc xã hội, song số ca mắc và tử vong do virus SARS-CoV-2 tại châu lục này vẫn tăng cao từng ngày và hiện chiếm tới 2/3 số nạn nhân trên toàn thế giới. Tỷ lệ tử vong do Covid- 19 tại Tây Ban Nha hôm qua đã vượt qua Trung Quốc đại lục và cả Italy hay Pháp.
 
Thủ tướng Pedro Sanchez đã phải kêu gọi Quốc hội gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 11/4: “Phong tỏa và cách ly là không thể thiếu để đối phó với virus và tôi yêu cầu Quốc hội gia hạn những biện pháp này. Bởi vì trong một xã hội tự do như Tây Ban Nha, quyết định đóng cửa các ngôi nhà không thể được ra lệnh hay áp đặt, nhưng được chính công dân chấp thuận thông qua các đại diện hợp pháp của họ như là minh chứng của dân chủ và trật tự hiến pháp”.
 
Không chỉ châu Âu, mức độ lây lan tại Mỹ cũng đang ngày một đáng báo động, với hơn 62 nghìn ca, trong đó gần 55 nghìn ca được phát hiện chỉ từ đầu tuần tới nay. Các chuyên gia y tế đã cảnh báo, Mỹ có nguy cơ trở thành “tâm dịch” tiếp theo của Covid-19.
 
Tại châu Phi, lo ngại ngày một tăng khi hôm qua xuất hiện những trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại những quốc gia xung đột như Mali và Libya. Hệ thống y tế yếu kém, cùng với tình trạng nghèo đói, xung đột, môi trường vệ sinh kém và mức độ tập trung dân số cao tại các vùng đô thị có thể khiến khu vực lâm vào một cuộc khủng hoảng y tế và nhân đạo tồi tệ.
 
Các chính phủ trên toàn thế giới đã triển khai những biện pháp quyết liệt, thậm chí là phong tỏa toàn quốc nhằm kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh bất chấp những ảnh hưởng không mong muốn về kinh tế và xã hội. Sau Ấn Độ, Ai Cập hôm qua hôm qua cũng bắt đầu áp đặt lệnh giới nghiêm và Phần Lan dự kiến vào ngày mai. Tổng cộng, hơn 1/3 dân số toàn cầu đã được các chính quyền kêu gọi tự cách ly. Và Iran, một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất, với hơn 2 nghìn người mắc bệnh cũng chuẩn bị thông qua lệnh cấm đi lại giữa các thành phố trên cả nước.
 
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi người dân bắt đầu từ tuần tới nên ở trong nhà. Cuộc trưng cầu ý dân dự kiến vào tháng 4 tới về cải cách hiến pháp cũng bị hoãn./.
 
Theo VOV