Theo kế hoạch, năm 2018, xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đến nay xã mới đạt 13/19 tiêu chí, trong đó có 2 tiêu chí không bền vững.
Theo kế hoạch, năm 2018, xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, đến nay xã mới đạt 13/19 tiêu chí, trong đó có 2 tiêu chí không bền vững.
Khả năng “vỡ” 2 tiêu chí
Ông Nguyễn Tấn Duy, Chủ tịch UBND xã Ninh Thân cho biết, 2 tiêu chí không bền vững và có khả năng phải đánh giá lại vào cuối năm là tiêu chí trường học và hình thức tổ chức sản xuất.
Người dân Ninh Thân cải tạo ruộng để chuẩn bị cho mùa vụ mới |
Theo ông Duy, về hình thức tổ chức sản xuất, hiện xã vẫn có một số mô hình, hợp tác sản xuất, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ… có sự tham gia của người dân nhưng đa số đều nhỏ lẻ hoặc hoạt động mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Cụ thể, trước đây xã có 2 hợp tác xã (HTX) chuyên tổ chức các dịch vụ tưới tiêu, kinh doanh phân bón, giống, nhưng trong quá trình hoạt động, các HTX này gặp nhiều khó khăn dẫn đến nợ đọng kéo dài và không còn khả năng hoạt động nên lần lượt giải thể. Về mô hình sản xuất, xã duy trì 2 mô hình nuôi heo rừng tại thôn Đại Mỹ với 2 - 3 hộ nuôi, số lượng hơn 20 con; 1 mô hình đan mây thủ công, số lượng 5 người ở thôn Mỹ Hoán; 1 tổ hợp tác trồng cây mía đường với 11 người tham gia tại thôn Đại Mỹ, nhưng nhìn chung hiệu quả các mô hình này không cao.
Đối với tiêu chí trường học, ông Nguyễn Quốc Anh, cán bộ địa chính - xây dựng xã cho biết, năm 2015, qua báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã, tiêu chí trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất, nhưng với hình thức cho nợ. Tuy nhiên trên thực tế, tiêu chí này đã vấp phải sự phản ứng của hiệu trưởng các trường với lý do hiện các trường chưa có đầy đủ phòng chức năng nên không thể coi là đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chính vì thế, qua xem xét, rà soát, sắp tới xã sẽ đưa tiêu chí này ra khỏi danh mục các tiêu chí đạt được và tiếp tục chỉ đạo, tập trung đầu tư để phấn đấu đạt vào những năm tiếp theo. Được biết, xã Ninh Thân hiện có 3 trường gồm: 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS; cơ sở vật chất trường học cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học.
Còn nhiều khó khăn
Khó khăn lớn nhất của xã Ninh Thân hiện nay trong xây dựng NTM là thiếu vốn. Được biết, từ năm 2014 đến nay, xã không được phân bổ nguồn vốn nào từ ngân sách nên việc xây dựng một số công trình hạ tầng, giao thông trên địa bàn gặp khó khăn. Xã hầu như không có nguồn thu nào do địa bàn không có doanh nghiệp lớn nào hoạt động; nguồn thu chính là cho thuê đất 5%, nhưng 3 năm nay tình hình hạn hán kéo dài nên xã không thu được và phải gia hạn thuê đất cho nông dân đến năm 2018. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo ở xã cũng gặp không ít trở ngại. Hiện nay, toàn xã có 2.136 hộ với hơn 11.000 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chiếm 7,8%. Đời sống người dân địa phương chủ yếu phụ thuộc vào trồng lúa và cây hoa màu, lại chưa có mô hình phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, dịch vụ gắn với liên kết đảm bảo tiêu thụ sản phẩm mang tính bền vững nên mức thu nhập khá thấp, chỉ đạt từ 15 đến 17 triệu đồng/người/năm, cách khá xa với con số 23 triệu đồng theo chuẩn NTM.
Mới đây, trong buổi làm việc với xã Ninh Thân về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng chí Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo xã cần tập trung thực hiện các tiêu chí NTM theo hướng bền vững; nghiên cứu các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thời tiết, thổ nhưỡng; tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình tổ liên kết hiện có, tích cực đẩy mạnh việc thành lập các HTX chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao đời sống người dân. |
Trước những khó khăn trên, Đảng ủy, UBND, các tổ chức đoàn thể xã Ninh Thân đã nhiều lần họp tìm giải pháp tháo gỡ. Theo đó, UBND xã chỉ đạo các thôn và cán bộ phụ trách địa phương thành lập tổ liên kết dùng nước với hoạt động chính là trông coi, quản lý hệ thống kênh mương trên địa bàn xã, tổ chức lịch tưới tiêu, đảm bảo việc nạo vét kênh mương…, phục vụ người dân sản xuất. Tổ liên kết được thành lập đầu năm 2015 với 8 thành viên, chủ yếu là các trưởng thôn. Nhờ duy trì hoạt động của tổ liên kết dùng nước nên từ đầu năm đến nay, tuy thời tiết khô hạn gây khó khăn trong quá trình sản xuất, nhưng người dân xã Ninh Thân vẫn chủ động được nước tưới, việc gieo trồng đạt năng suất khá. Vụ lúa đông xuân, xã sản xuất 440ha, năng suất đạt 58 tạ/ha, sản lượng đạt 2.553 tấn; vụ hè thu sản xuất 298ha, hiện một số diện tích đã cho thu hoạch. Từ đây đến cuối năm, xã sẽ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình sản xuất mới, phấn đấu thành lập 2 HTX chuyên hỗ trợ giống, phân bón giúp người dân chuyển đổi phương thức sản xuất từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả, hoa màu cho thu nhập cao như: bí đỏ, bưởi da xanh... Thời gian tới, nếu được các cấp, ngành quan tâm đầu tư các hạng mục về trường học, đường giao thông nông thôn, thủy lợi… thì hy vọng đến năm 2018, xã có thể đạt được 80% các tiêu chí đề ra.
AN NHIÊN