Đầu năm 2016, xã Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Là một xã ngoại thành, Vĩnh Thạnh có nhiều điều kiện thuận lợi để cán đích nông thôn mới với nhiều chỉ tiêu vượt chuẩn. Tuy nhiên, đặc trưng của một xã ven đô cũng đặt ra cho địa phương không ít thách thức.
Đầu năm 2016, xã Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Là một xã ngoại thành, Vĩnh Thạnh có nhiều điều kiện thuận lợi để cán đích nông thôn mới với nhiều chỉ tiêu vượt chuẩn. Tuy nhiên, đặc trưng của một xã ven đô cũng đặt ra cho địa phương không ít thách thức.
Điểm sáng
Đến nay, sau 5 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, xã Vĩnh Thạnh đã kéo giảm hộ nghèo xuống còn 1,97% (năm 2013 là 3,99%), đưa thu nhập bình quân đầu người lên gần 23,3 triệu đồng/tháng, hơn 97% số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên.
Với 2.802 hộ, 11.879 khẩu, các lĩnh vực như: nhà ở kiên cố, nước sạch, điện, đường, trường, trạm, chợ, khu thể thao, nhà văn hóa… không phải là vấn đề quá lớn đối với Vĩnh Thạnh. Bằng sự đồng thuận của nhân dân cùng sự đầu tư đồng bộ từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua, xã đã được đầu tư gần 40 tỷ đồng vào 23 công trình phục vụ dân sinh. Nhờ đó, xã có những con đường bê tông rộng rãi, hệ thống điện chiếu sáng công cộng được phủ khắp, các cơ sở văn hóa giáo dục, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao được xây dựng và nhanh chóng trở thành điểm sinh hoạt thường xuyên của nhân dân…
Theo lãnh đạo xã Vĩnh Thạnh, điểm sáng trong quá trình dựng xây nông thôn mới của xã đó là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và những phong trào thi đua đã huy động được tối đa nguồn lực của nhân dân. 5 năm qua, đã có gần 5.000m2 đất trị giá 2 tỷ đồng được người dân đóng góp để làm đường giao thông trên địa bàn.
Cũng như 22 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh, năm nay, xã Vĩnh Thạnh tiếp tục nỗ lực duy trì thành quả đạt được và hướng đến những mục tiêu cao hơn. Theo đó, đến năm 2020 xã sẽ không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/tháng. Từ nay đến năm 2020, xã cần khoảng 16,7 tỷ đồng để tiếp tục xây mới, nâng cấp các công trình công cộng, trong đó chủ yếu là các tuyến đường giao thông.
Những rào cản cần vượt qua
Để đạt được các mục tiêu đề ra, xã Vĩnh Thạnh hiện đang đối mặt với không ít khó khăn. Xã nằm ở hữu ngạn sông Cái nên luôn được đánh giá là có quỹ đất phù sa màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với xu thế chung của một xã ven đô, diện tích đất nông nghiệp của Vĩnh Thạnh ngày càng bị thu hẹp, cắt nhỏ. Tổng diện tích toàn xã chỉ vỏn vẹn khoảng 350ha không đủ để thực hiện những cánh đồng mẫu lớn hay các khu sản xuất quy mô - những yếu tố tiên quyết có thể giúp người dân làm giàu từ nông nghiệp. Không dồi dào về diện tích đất, người dân ở Vĩnh Thạnh chủ yếu chăn nuôi và trồng rau màu. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã: “Vĩnh Thạnh không khuyến khích phát triển đàn bò, heo vì vấn đề môi trường”. Đối với các loại cây rau màu, năm 2015, trong quá trình khảo sát để chọn địa điểm đầu tư trồng rau theo mô hình VietGAP giữa xã Vĩnh Thạnh và xã Vĩnh Phương, các cơ quan chức năng đã chọn Vĩnh Phương do diện tích đất của Vĩnh Thạnh quá nhỏ lẻ.
Thực tế trên cho thấy, ở các xã ven đô nói chung và Vĩnh Thạnh nói riêng, hoạt động sản xuất nông nghiệp dường như không còn phù hợp. Lãnh đạo xã cũng thừa nhận nguồn nhu nhập chính của người dân không xuất phát từ nông nghiệp. Để có được con số thu nhập trên 23 triệu đồng/người/tháng như hiện nay, đa số người dân Vĩnh Thạnh có nguồn thu từ buôn bán nhỏ, công nhân, viên chức và một số dịch vụ. Bởi thế, theo ông Trịnh Quang Tuấn, xã một mặt đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm cải thiện vấn đề môi trường, an ninh, xã hội, mặt khác hướng đến cơ cấu kinh doanh, dịch vụ, du lịch. Do xã có vị trí đẹp bên bờ sông Cái nên phù hợp mở các tour du lịch dã ngoại. 2 điểm du lịch đã và đang thu hút khách đó là nhà cổ ở Phú Vinh và Đình Phú Vinh thuộc di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Trong điều kiện hoạt động du lịch chưa phải là điểm nhấn, hoạt động buôn bán chưa phát triển mạnh, xã cũng không có các cơ sở sản xuất quy mô lớn, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người trong khi hoạt động nông nghiệp không phải là hướng đi chính… Tất cả những điều đó đang là rào cản mà Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Thạnh cần vượt qua trên con đường xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2.
H. Đ