12:03, 07/03/2014

Từng bước cơ giới hóa nông nghiệp

Những năm gần đây, việc từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; nâng cao thu nhập và lợi nhuận cho nông dân.

Những năm gần đây, việc từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; nâng cao thu nhập và lợi nhuận cho nông dân.


Hiệu quả cao


Vạn Lương là xã thuần nông với hơn 80% dân số làm nông nghiệp. 3 năm gần đây, người dân của xã đã mạnh dạn đưa máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân. Hiện tại, toàn xã có 11 máy gặt đập liên hợp, hơn 100 máy cày tay, máy cày có công suất lớn và vừa. Phần lớn các loại máy này đều được nhập khẩu. Ông Võ Ngọc Sơn - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Vạn Lương 1 cho biết, xã có hơn 400ha đất trồng lúa được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu canh tác. Các khâu làm đất, thu hoạch gần như 100% diện tích được thực hiện bằng máy. Cơ giới hóa mang lại hiệu quả cao, giảm 50% chi phí so với sản xuất nông nghiệp thô sơ.


Việc đưa cơ giới vào sản xuất còn làm tăng đáng kể năng suất lao động thông qua chuyển dịch cơ cấu và nâng cao trình độ kỹ thuật của người lao động; đồng thời giúp nông dân hoàn thành sớm việc thu hoạch lúa. Thực tế cho thấy, nếu như trước đây, để thu hoạch 3 sào lúa phải mất một buổi sáng với 10 nhân công gặt; còn khi sử dụng máy gặt đập liên hợp, thu hoạch diện tích lúa này chỉ mất khoảng 30 phút nên chi phí giảm đi rất nhiều. Đơn cử như việc gặt tay và đưa lúa về tuốt mất khoảng 350.000 đồng/sào, nay sử dụng máy chỉ tốn 100.000 đồng/sào. Ông Nguyễn Cần (thôn Hiền Lương) cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 5ha trồng lúa. Hơn 2 năm nay, sau khi gia đình đầu tư máy gặt và máy cày cỡ lớn, việc sản xuất gặp nhiều thuận lợi. Trừ chi phí, hàng năm, gia đình tôi thu được hơn 50 triệu đồng (trước đây chỉ 25 triệu đồng). Sử dụng máy móc làm lợi công rất nhiều, 1 máy cày cỡ lớn có thể làm được 6ha đất/ngày; máy gặt đại gặt 5ha/ngày…”.  

 

Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại xã Vạn Lương đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại xã Vạn Lương đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.


Cần có hướng đi hợp lý


Ông Nguyễn Hồng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vạn Ninh cho rằng, áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm cường độ lao động nặng nhọc cho nông dân. Từ đó, làm tăng hiệu quả sử dụng đất đai và lao động; đồng thời mở rộng được diện tích canh tác, đáp ứng yêu cầu sản xuất; tiết kiệm giống, phân bón, nước; kịp thời mùa vụ, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết... Tuy nhiên hiện tại, trên địa bàn huyện, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa đồng bộ, chỉ có xã Vạn Lương là địa phương mạnh dạn đầu tư và đã thành công…


Tuy mang lại hiệu quả cao nhưng các điều kiện cần thiết cho phát triển cơ giới hóa trên địa bàn huyện Vạn Ninh vẫn còn nhiều hạn chế như: ruộng đất manh mún, hạ tầng giao thông đồng ruộng chưa phù hợp, nông dân thiếu vốn, tính hợp tác chưa cao... Bên cạnh đó, máy móc nhập từ nước ngoài thường đắt tiền, chưa phù hợp với quy mô sản xuất manh mún và khả năng tài chính của nông dân. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp cũng là một trong những trở ngại khi ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Được biết, thời gian tới, xã Vạn Lương sẽ đẩy tiến độ thực hiện xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” để đáp ứng với yêu cầu sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.


Thiết nghĩ, thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho nông dân đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, đẩy mạnh xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”. Đây là phương tiện để đạt được mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp. Có như vậy, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mới đi vào chiều sâu.


Thành Nam