Nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng vẫn đang được xem là "nút thắt" đối với nhiều xã thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nguyên nhân là do nguồn vốn từ ngân sách không đáp ứng kịp, địa phương không có vốn đối ứng, trong khi nguồn lực huy động từ trong dân chỉ có hạn.
Nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng vẫn đang được xem là “nút thắt” đối với nhiều xã thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Nguyên nhân là do nguồn vốn từ ngân sách không đáp ứng kịp, địa phương không có vốn đối ứng, trong khi nguồn lực huy động từ trong dân chỉ có hạn.
Xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm là một trong 20 xã được tỉnh Khánh Hòa ưu tiên tập trung đầu tư để đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Đến nay, xã còn 6/19 tiêu chí chưa đạt được; trong đó chủ yếu ở nhóm tiêu chí về hạ tầng, như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao. Năm 2013, UBND xã Cam Hiệp Nam đã vận động người dân hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở đường giao thông từ 4m lên 8m. Mỗi hộ dân cũng đã tự nguyện đóng góp thêm 100.000 đồng để trải bê tông làm đường. Quỹ đất và một phần kinh phí đã có nhưng xã Cam Hiệp Nam vẫn chưa thể triển khai làm đường giao thông để đạt được tiêu chí này.
Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam Đỗ Minh Thạnh cho biết, để đạt được tiêu chí về giao thông cần phải có 15 tỷ đồng; trong đó xã đối ứng 30%, người dân góp 10%, còn lại từ ngân sách tỉnh. Người dân đã hoàn thành việc đóng góp, vốn đối ứng của xã là 4,5 tỷ đồng chưa biết huy động từ nguồn nào. Trong khi đó, ngân sách tỉnh phân bổ cho xã để làm đường giao thông trong 2 năm 2014 - 2015 chỉ hơn 2 tỷ đồng. Ngoài việc khó thực hiện tiêu chí giao thông, xã cũng phải huy động được nhiều tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà văn hóa, hệ thống thủy lợi...
Thực hiện tiêu chí giao thông không dễ đối với nhiều xã. |
Trong 3 năm từ 2011 - 2013, 20 xã xây dựng NTM ở thị xã Ninh Hòa đã được đầu tư gần 133 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: hơn 40km đường giao thông, kinh phí 56,2 tỷ đồng; hệ thống kênh mương dài 19,2km, kinh phí 15,4 tỷ đồng... Về tổng thể, nguồn vốn và cơ sở hạ tầng thực hiện được như trên là khá lớn. Nhưng khi chia bình quân cho mỗi xã thì nguồn vốn đầu tư, hạ tầng thực hiện được vẫn chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Lãnh đạo nhiều xã cho rằng, khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng là do nguồn vốn ngân sách không đủ khả năng theo kế hoạch đề ra, khó huy động vốn từ doanh nghiệp. Địa phương khó tìm được nguồn vốn đối ứng; trong khi nguồn lực trong dân cũng chỉ đóng góp ở mức 100.000 đồng/hộ, cùng với hiến đất và một số công trình.
Toàn tỉnh hiện có 94 xã thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trong đó có 20 xã điểm. Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh đang có những điều chỉnh phân bổ nguồn vốn, thực hiện các tiêu chí cơ sở hạ tầng sao cho phù hợp với đặc thù vùng miền. Theo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh, với tiêu chí thủy lợi cần căn cứ vào điều kiện đặc thù, ở những xã có địa hình đồi núi thì không nên xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng.
Do vậy, cần có hướng dẫn cụ thể thực hiện tiêu chí thủy lợi ở các xã vùng đồi núi. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao cần theo hướng chọn mô hình phù hợp với từng địa bàn, địa phương. Bên cạnh đó, cần tận dụng công trình văn hóa hiện có làm nhà văn hóa thôn hoặc nhà văn hóa liên thôn; không nhất thiết phải đầu tư mỗi thôn một nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn trong điều kiện nguồn ngân sách khó khăn như hiện nay. Mặt khác, phải xác định dự án trọng điểm theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở phân chia nguồn vốn ngân sách, vốn huy động được để triển khai kịp thời. Đồng thời tập trung xây dựng các công trình ở thôn, bản gắn bó trực tiếp với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân và lợi thế, nhu cầu thiết thực của từng xã.
Tràng Giang
Theo giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về “Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh”, đến nay mới chỉ có 15/94 xã đạt tiêu chí giao thông do tiêu chí này cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Chỉ tính riêng đầu tư cho 14 xã điểm để đến năm 2015 đạt được tiêu chí giao thông đã cần hơn 343 tỷ đồng. Và để 20 xã điểm đạt được tiêu chí trường học cũng đến 226 tỷ đồng. Các tiêu chí khác như: chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa... cũng không dễ thực hiện. Năm 2014, ngân sách tỉnh phân bổ 148 tỷ đồng cho Chương trình xây dựng NTM, trong đó dành 100 tỷ đồng để các xã thực hiện tiêu chí còn lại.