11:12, 05/12/2013

Thiếu vốn đối ứng

Là một trong ba xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Cam Lâm, đến nay xã Cam Tân đã đạt 14/19 tiêu chí của Bộ Tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, những tiêu chí còn lại sẽ khó đạt được bởi xã đang gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn đối ứng.

Là một trong ba xã điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của huyện Cam Lâm, đến nay xã Cam Tân đã đạt 14/19 tiêu chí của Bộ Tiêu chí Quốc gia XDNTM. Tuy nhiên, những tiêu chí còn lại sẽ khó đạt được bởi xã đang gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn đối ứng.


Ban chỉ đạo Chương trình XDNTM xã Cam Tân cho biết, thời gian qua xã đã có nhiều nỗ lực trong việc chỉ đạo thực hiện các tiêu chí của Bộ Tiêu chí Quốc gia XDNTM. Đến nay, xã đã đạt 14/19 tiêu chí. 5 tiêu chí chưa đạt là: Giao thông, thu nhập, môi trường, y tế và nhà ở dân cư. Đây là các tiêu chí rất khó thực hiện. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo xã cũng đã đưa vào lộ trình phấn đấu thực hiện trong những năm tới. Năm 2014, phấn đấu thực hiện các tiêu chí: thu nhập, y tế, môi trường; năm 2015, thực hiện các tiêu chí còn lại là giao thông và nhà ở dân cư.

 

 Tuyến đường đi Suối Gỗ (thôn Vinh Bình) đã được kiên cố hóa.
Tuyến đường đi Suối Gỗ (thôn Vinh Bình) đã được kiên cố hóa.

 

Theo bà Trần Thị Lệ Huyền - Chủ tịch UBND xã Cam Tân: Về tiêu chí giao thông, các tuyến đường liên xã, trục chính của xã, liên thôn, xóm đã được cứng hóa từ 88% trở lên. Tuy nhiên, đường ngõ xóm, đường nội đồng đến nay việc cứng hóa còn thấp (đường ngõ xóm mới đạt 53%, đường nội đồng 27,5%). Về môi trường, tuy xã đã quy hoạch nghĩa trang nhưng chưa có kinh phí để san ủi, chỉnh trang, đồng thời việc thu gom, xử lý chất thải rắn vẫn chưa thực hiện được, người dân vẫn xử lý theo cách cũ: chôn, đốt, thậm chí đổ bừa bãi ra môi trường... Về y tế, xã thiếu bác sĩ tăng cường, mặc dù theo yêu cầu, bác sĩ tăng cường chỉ cần về trạm y tế 2 lần/tuần. Việc thống kê số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) gặp khó khăn, bởi xã mới chỉ xác định được số người tham gia BHYT do huyện quản lý là 46%, riêng số người tham gia ngoài huyện chưa có số liệu cụ thể. Về thu nhập, theo số liệu thống kê của xã, thu nhập bình quân đầu người là 14 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, đây là số liệu điều tra sơ bộ, xã đang tiến hành điều tra theo quy định của Thông tư 41. Là xã điểm nhưng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất chỉ được phân bổ ở mức 160 triệu đồng/năm, khó xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả cao, phát huy được đồng vốn, thu hút nhiều hộ tham gia. Về nhà ở dân cư, hiện xã còn 17 nhà tạm cần sửa chữa, xây mới, nguồn vốn còn chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh và các doanh nghiệp.

 


Cũng theo bà Huyền, cái khó lớn nhất của xã hiện nay là thiếu vốn đối ứng để thực hiện các tiêu chí còn lại, nhất là theo phân cấp vốn theo Nghị quyết 21 của HĐND tỉnh. Theo quy định của Nghị quyết này, các tuyến đường ngõ xóm huyện lo 50%, xã 50%; trục nội đồng tỉnh 60%, xã 40%; xử lý chất thải, thoát nước khu dân cư huyện 70%, xã 30%; nghĩa trang thì do xã lo 100%... Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, hiện nay, các nhà văn hóa - thể thao của xã và các thôn đã được đầu tư xây mới nhưng theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhà văn hóa phải có cán bộ có chuyên môn quản lý, có đầy đủ trang thiết bị cần thiết, tổ chức hoạt động thường xuyên nhưng thực chất tại các cơ sở này chỉ có “vỏ” mà thiếu “ruột” nên không thể hoạt động theo quy định.

 


Trong khi đó, nguồn kinh phí của huyện còn khó khăn, nguồn vốn của xã được phân bổ chủ yếu từ cấp trên nên việc tổ chức vốn đối ứng rất khó. Vốn đối ứng của xã được lấy từ các nguồn: thu thuế từ các cơ sở ngoài quốc doanh, thu phí, lệ phí, thu từ chuyển quyền sử dụng đất và nguồn nhân dân đóng góp. Tuy nhiên, trên địa bàn xã, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, cơ sở kinh doanh ít, thu phí hạn chế, quỹ đất không nhiều. Thu ngân sách một năm khoảng 500 triệu đồng, số thu này chỉ đủ bù đắp cho các hoạt động chi thường xuyên của xã nên không còn kinh phí để đối ứng. Xã rất mong các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí để xã thực hiện các chỉ tiêu còn lại.

 


P.L