11:12, 26/12/2013

Các xã điểm cần được tiếp sức để về đích đúng hạn

Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Khánh Hòa ưu tiên đầu tư cho 20 xã điểm, phấn đấu để các xã này đạt chuẩn vào năm 2015. Tuy nhiên, thời hạn để các xã cán đích không còn nhiều, trong khi hiện nay nhiều xã vẫn gặp khó trong hoàn thiện các tiêu chí.

Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Khánh Hòa ưu tiên đầu tư cho 20 xã điểm, phấn đấu để các xã này đạt chuẩn vào năm 2015. Tuy nhiên, thời hạn để các xã cán đích không còn nhiều, trong khi hiện nay nhiều xã vẫn gặp khó trong hoàn thiện các tiêu chí.


Còn nhiều khó khăn


Huyện Cam Lâm có 12 xã xây dựng nông thôn mới, trong đó có 3 xã được ưu tiên đầu tư gồm: Cam Hải Tây, Cam Hiệp Nam và Cam Tân. 3 xã này đều có điểm chung là nghề nông giữ vai trò chủ đạo. Trong đó, xã Cam Hiệp Nam chủ yếu trồng mía với khoảng hơn 500ha. Xã Cam Hải Tây có thể mạnh về phát triển cây xoài với 930ha. Xã Cam Tân có lợi thế phát triển cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả. Ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết, các xã xây dựng nông thôn mới nói chung và các xã điểm nói riêng đều đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí vì cần có nguồn kinh phí lớn để đầu tư cho các lĩnh vực như: chợ nông thôn, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt văn hóa… Đặc biệt, tiêu chí về thu nhập rất khó thực hiện, bởi các xã này tuy có thế mạnh phát triển một số cây trồng nhưng do giá nông sản không ổn định nên thu nhập của người dân thất thường. Cùng với đó, những thay đổi của thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây trồng của người dân, trong khi các nghề phụ ít phát triển.

 

Thu nhập của người dân xã Cam Hiệp Nam (Cam Lâm) từ nghề đan giỏ cần xé vẫn còn bấp bênh.
Thu nhập của người dân xã Cam Hiệp Nam (Cam Lâm) từ nghề đan giỏ cần xé vẫn còn bấp bênh.

 

Huyện Diên Khánh cũng có 3 xã được ưu tiên đầu tư để xây dựng nông thôn mới gồm: Diên Lạc, Diên Sơn và Diên Phước. Đến thời điểm này, cả 3 xã đều đang gấp rút thực hiện các tiêu chí còn lại để đến năm 2015 đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tiêu chí đòi hỏi các xã phải nỗ lực hơn nữa. Trong 3 xã này, Diên Sơn có điểm xuất phát thấp nhất khi bắt tay xây dựng nông thôn mới. Với đặc thù là xã thuần nông, dân số đông nên Diên Sơn đang gặp khó khi thực hiện tiêu chí thu nhập. Theo tính toán, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã Diên Sơn mới chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm. Ông Lê Xuân Nhàn - Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ở xã Diên Sơn phải đạt 23 triệu đồng/người/năm mới đạt tiêu chí thu nhập. Xã hiện có gần 10.000 người, chủ yếu làm nông nghiệp. Như vậy, xã phải có tổng thu nhập xấp xỉ 230 tỷ đồng mới đạt được tiêu chí thu nhập.


Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường nguồn lực đầu tư cho 20 xã điểm. Theo đó, mỗi xã được phân bổ từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn lồng ghép nguồn vốn xây dựng nông thôn mới với các chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường, giao thông nông thôn… Tuy nhiên, các nguồn lực trên vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của 20 xã điểm, nhất là thực hiện các tiêu chí đòi hỏi kinh phí lớn như: Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, đường giao thông, chợ, thu nhập…


Cần điều chỉnh phù hợp với thực tế


Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của 20 xã điểm đều cho rằng: Ngoài việc tiếp tục ưu tiên đầu tư để thực hiện các tiêu chí còn lại, tỉnh nên điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp với thực tế vùng miền. Ở địa bàn miền núi, không nhất thiết xã nào cũng phải có chợ, trường học. Người dân vùng miền núi trao đổi hàng hóa hàng ngày thông qua tiểu thương vận chuyển bằng xe máy, ô tô đến tận thôn, bản. Ở những vùng ít dân cư, phân bố không đều thì nên xây dựng trường học nội trú để tập trung học sinh. Ở vùng đồng bằng nên quy hoạch nghĩa trang liên xã để tiết kiệm quỹ đất và kinh phí. Vùng miền núi, việc quy hoạch nghĩa trang cần gắn với phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số.   


Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh mới đây, ông Tào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần xem xét không thực hiện tiết kiệm đối với nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất; tăng nguồn vốn này để đẩy nhanh việc thực hiện nhóm tiêu chí kinh tế, tổ chức sản xuất và thu nhập. Trong điều kiện nguồn kinh phí có hạn, trước mắt cần quy hoạch diện tích các công trình phục vụ văn hóa, thể thao; từng bước đầu tư có trọng điểm để các xã về đích đúng hạn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần tiếp tục đề nghị Trung ương hỗ trợ thêm kinh phí để góp phần hoàn thành 19 tiêu chí tại 20 xã điểm vào năm 2015.


VĂN NGUYỄN