10:11, 21/11/2013

Phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao

Ba Cụm Nam là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa). Vì vậy, việc phát triển các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo luôn được địa phương đặt lên hàng đầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ba Cụm Nam là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa). Vì vậy, việc phát triển các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo luôn được địa phương đặt lên hàng đầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới.


Đến Ba Cụm Nam lần này, đi trong bóng mát của những vườn cây ăn trái, mía tím, rừng keo, ngắm những ngôi nhà mới xây kiên cố, chúng tôi cảm nhận mảnh đất này đang đổi thay từng ngày. Mời chúng tôi ghé thăm nhà, ông Võ Thành Toản (thôn Hòn Gầm), phấn khởi kể: “Hơn mười năm trước, gia đình tôi chủ yếu làm thuê, làm mướn, bắp, mì thu hoạch không được bao nhiêu nên thiếu đói thường xuyên. Mấy năm nay, nhờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi nhiều, không chỉ dư cái ăn, cái mặc mà tôi còn có tiền để lo cho con ăn học đến nơi đến chốn”. Được biết, hiện gia đình ông Toản có 10 con heo đen (được hỗ trợ từ kinh phí xây dựng nông thôn mới), đàn gà H’Mông hơn 400 con, 30 con ngan, 4,2ha keo; trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng.

 

Mô hình nuôi heo đen đang được nhân rộng tại xã Ba Cụm Nam.
Mô hình nuôi heo đen đang được nhân rộng tại xã Ba Cụm Nam.


Ở thôn Suối Me, gia đình bà Bo Bo Thị Hiền cũng vươn lên thoát nghèo nhờ tập trung sản xuất nông nghiệp. Trước đây, gia đình bà có hơn 2,8ha đất trồng bắp, mì nhưng năng suất, hiệu quả thấp. Nhận thấy hiệu quả của việc trồng cây ăn quả, cây công nghiệp so với các loại cây trồng khác, gia đình bà đã mạnh dạn trồng 1ha sầu riêng, 1ha cà phê, 4 sào mía tím, 4 sào keo. Trung bình mỗi năm, các loại cây trái này cho gia đình bà thu nhập hơn 150 triệu đồng. “Việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương đã giúp kinh tế gia đình tôi chuyển biến rõ nét. Từ hộ nghèo quanh năm khó khăn, đến nay cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định”, bà Hiền cho hay. Thấy được hiệu quả kinh tế của gia đình bà Bo Bo Thị Hiền, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ba Cụm Nam đã học tập, áp dụng để phát triển kinh tế gia đình mình.   

 

Hiện toàn xã có 357 hộ dân; trong đó có hơn 90% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như năm 2010, toàn xã có 150 hộ nghèo, thu nhập bình quân chưa đến 4 triệu đồng/người/năm thì nay, số hộ nghèo giảm còn 70 hộ; thu nhập bình quân được nâng lên gần 5 triệu đồng/người/năm.

Nếu như trước đây, người dân xã Ba Cụm Nam chủ yếu làm rẫy với các loại cây lương thực, cây lấy củ như: lúa, bắp, mì, sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên nên thu nhập không cao, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo lớn; thì nay, nhiều gia đình đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn xã có hơn 400ha keo; toàn xã có hơn 300ha các loại cây nông nghiệp như: 20ha mía tím, 12ha mía đường, hàng chục héc-ta cà phê, sầu riêng. Ngoài ra, người dân ở đây còn phát triển nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao khác như nuôi heo đen, gà H’Mông, cá nước ngọt, trâu, bò... Đây là những cây trồng, vật nuôi đã giúp bà con thoát nghèo bền vững. Ông Nguyễn Văn Cương - Chủ tịch HĐND xã lý giải: “Nhờ tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao nên thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể, cuộc sống ngày càng no đủ, nhiều hộ đã thoát nghèo. Chính quyền địa phương xác định, các loại cây trồng, vật nuôi này sẽ là chìa khóa cho bài toán nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới”.  


Tuy đạt được kết quả trên, nhưng tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của xã Ba Cụm Nam vẫn còn 20%; thu nhập trung bình của người dân tuy đã được nâng lên nhưng vẫn ở mức thấp. Việc phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn nước phục vụ sản xuất. Theo ông Mấu Uy - Chủ tịch Hội Nông dân xã, địa phương hiện có 5 khu vực sản xuất tập trung, thì chỉ có duy nhất khu vực Suối Me (hơn 20ha) là có nước phục vụ sản xuất; khu vực Đầu Bò (hơn 20ha), hiện đang được đầu tư đập suối Đầu Bò để lấy nước sản xuất; 3 khu vực còn lại gồm: Ka Tơ (hơn 15ha), Suối Lau (8ha), Suối Môn (14ha) hiện vẫn chưa có nước tưới. Ngoài ra, đường vào khu sản xuất Suối Môn (ngoài 14ha đất nông nghiệp còn có hàng chục héc-ta keo) chưa có cầu tràn qua suối nên khó khăn cho người dân khi vận chuyển nông sản, nhất là vào mùa mưa. Bên cạnh đó, tình trạng thương lái thu mua keo non, nông sản non, ép giá khiến thu nhập của nông dân không cao...


 Để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tập trung xây dựng, nhân rộng, hỗ trợ các mô hình sản xuất; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp cho bà con; hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân... Tuy nhiên, điều khiến người dân băn khoăn nhất hiện nay là việc tiêu thụ nông sản. Cần phải có biện pháp ổn định đầu ra cho nông sản, tránh tình trạng thương lái ép giá, thu mua nông sản non của bà con. Bên cạnh đó, việc đầu tư các công trình thủy lợi, đường vào khu sản xuất cũng cần sớm được triển khai....


B.L