07:11, 29/11/2013

Cần cụ thể các khoản đóng góp của dân

Tuy đã được Trung ương hướng dẫn việc xác định nguồn vốn đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, nhưng các địa phương vẫn thực hiện theo cách cũ khiến việc huy động sức dân còn nhiều hạn chế.

Tuy đã được Trung ương hướng dẫn việc xác định nguồn vốn đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhưng các địa phương vẫn thực hiện theo cách cũ khiến việc huy động sức dân còn nhiều hạn chế.


Cách làm cũ


Các khoản đóng góp, ủng hộ của người dân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn không chỉ thể hiện vai trò chủ thể của người dân mà còn là trách nhiệm, vinh dự của các tổ chức, cá nhân đóng góp cho công cuộc XDNTM. Tuy nhiên, lâu nay việc ghi nhận này tại nhiều địa phương chưa cụ thể, rõ ràng dù đã có hướng dẫn từ các bộ, ngành Trung ương khiến việc phân tích nguồn vốn, phát huy sức mạnh nội lực cộng đồng gặp nhiều khó khăn.


Lãnh đạo UBND xã Vạn Phú (Vạn Ninh, Khánh Hòa) chia sẻ: Lâu nay, xã vận động người dân đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng NTM thông qua Quy chế dân chủ cơ sở. Các khoản đóng góp của người dân dưới nhiều hình thức (tiền mặt, hiện vật, đất đai…) sẽ được quy ra tiền và đưa vào ngân sách xã xem như là vốn đối ứng để thực hiện các công trình tại địa phương. Việc phân tích cụ thể nguồn vốn đóng góp vẫn còn nhiều lúng túng nên chưa đề cao được vai trò của chủ thể đóng góp…


Tương tự, ông Lê Văn Thành - Bí thư Đảng ủy xã Diên Sơn (Diên Khánh) cho biết: Theo Nghị quyết 21 của HĐND tỉnh, việc phân cấp, hỗ trợ vốn đối với các công trình giao thông nông thôn là tỉnh 60%, xã 40% (trong đó người dân góp 10%). Sau khi xã, thôn vận động người dân thống nhất mở đường, quy đổi các khoản đóng góp thông qua hiến đất, vật kiến trúc ra tiền sẽ hợp cùng vốn đối ứng của xã triển khai thi công công trình mà chưa quan tâm làm rõ cụ thể các khoản đóng góp…


Với kiểu làm gượng ép, sơ sài nên các khoản đóng góp của người dân và các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho Chương trình XDNTM chưa được thể hiện rõ, vô tình làm mờ nhạt tính tiên phong gương mẫu của cộng đồng dân cư cũng như việc vận động các mạnh thường quân. Theo quy định, việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là các công trình giao thông chủ yếu dựa vào việc vận động, tự giác của người dân là chính nên nếu một con đường nào đó chỉ cần một hộ không đồng tình là công trình đó không thể triển khai nhưng chính quyền cũng không thể cưỡng chế. Đây là lý do tại sao đến nay ở nông thôn vẫn còn nhiều con đường ngoằn nghèo, “né” nhà dân mà chưa được chỉnh trang, nắn tuyến, bảo đảm mỹ quan và an toàn…

 

Thi công đường giao thông nông thôn tại xã Vạn Khánh (Vạn Ninh).
Thi công đường giao thông nông thôn tại xã Vạn Khánh (Vạn Ninh).


Thừa nhận thực tế này, ông Tống Trân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho rằng, lâu nay các địa phương vẫn còn nhiều lúng túng khi áp dụng các văn bản của Trung ương nên vẫn làm theo cách cũ, chưa tách bạch cụ thể các khoản đóng góp của nhân dân trong xây dựng các công trình NTM.


Sẽ làm theo hướng dẫn


Theo Sở Tài chính, việc xác định các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân và các khoản đóng góp tự nguyện, viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình XDNTM đã được liên bộ hướng dẫn cụ thể tại: Thông tư 28/2012 của Bộ Tài chính quy định quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn; Thông tư Liên tịch 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2010-2020; Thông tư 03/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 498 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2010 - 2020. Tuy nhiên, thời gian qua, các địa phương thực hiện thiếu đồng bộ, chưa phản ánh đầy đủ các khoản đóng góp của người dân và tổ chức, cá nhân vào giá trị các công trình XDNTM, vì thế Sở Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể tại văn bản số 4245/STC-NS. Theo đó, quy định cụ thể cách ghi, thu nộp, hạch toán của kế toán ngân sách xã đối với các khoản thu bằng tiền mặt hay trách nhiệm thẩm định, xác định giá trị của hiện vật của Ban Tài chính xã hay Hội đồng xác định giá trị hiện vật của xã đối với các khoản thu bằng hiện vật.  


Ông Lê Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, Chương trình XDNTM triển khai vào thời điểm mà nhiều cơ chế, chính sách về NTM còn chưa cụ thể, rõ ràng, hơn nữa việc triển khai tại Khánh Hòa thực chất mới hơn một năm nay nên các xã vẫn còn nhiều lúng túng khi vận dụng các văn bản của Trung ương. Hiện Sở Tài chính đã có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác định nguồn vốn đóng góp của người dân, tổ chức, cá nhân trong XDNTM. Hy vọng các xã XDNTM sẽ thực hiện tốt công tác này nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra, phát huy được nội lực của quần chúng trong  XDNTM.


P.L