Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) xác định tập trung phát triển những cây trồng có thế mạnh của địa phương, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản.
Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) xác định tập trung phát triển những cây trồng có thế mạnh của địa phương, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản. Đây được kỳ vọng là chìa khóa để giải bài toán khó về xóa đói, giảm nghèo cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.
Xã Sơn Bình hiện có 731 hộ dân, với hơn 2.800 nhân khẩu; trong đó hơn 75% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Nếu như trước đây, người dân trong xã chủ yếu làm rẫy với các loại cây lương thực, cây lấy củ như: lúa, bắp, mì...; sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên nên thu nhập không cao, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo lớn, thì nay, nhiều gia đình đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. “Mấy năm nay, nhờ cây cà phê mà cuộc sống gia đình tôi đổi thay rất nhiều, không chỉ dư cái ăn, cái mặc mà còn có tiền để dành” - ông Mấu Dia (thôn Liên Bình) chia sẻ. Được biết, từ vườn cà phê 0,5ha, mỗi năm, gia đình ông Mấu Dia thu nhập gần 40 triệu đồng. Ông dự định trong năm nay sẽ tiếp tục đầu tư trồng mới 0,5ha cà phê để nâng cao thu nhập.
Tương tự, trên diện tích đất sản xuất 2ha, gia đình bà Cao Thị Giáo (thôn Liên Hòa) chỉ trồng lúa rẫy, bắp. Thấy cuộc sống nhiều gia đình trong xã khấm khá nhờ trồng cà phê, bà quyết định trồng thử 0,5ha. Khi thấy hiệu quả từ cây cà phê mang lại cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác, bà mạnh dạn chia đất cho 4 người con, động viên các con trồng cà phê. “Tính trung bình mỗi vụ, cà phê cho thu hoạch khoảng 65 - 70 triệu đồng/ha. Mỗi năm, tôi và các con có nguồn thu ổn định hơn 130 triệu đồng. Không những thế, tôi còn trồng xen thêm hàng trăm gốc sầu riêng, hồ tiêu nên thu nhập còn cao hơn”, bà Giáo chia sẻ.
Trên địa bàn xã hiện có hơn 110ha cà phê, 90ha sầu riêng, 80ha mít nghệ, 40ha mía tím... Ngoài ra, người dân địa phương còn phát triển nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: gà H’Mông, cá nước ngọt, khoai môn tím... Đây là những cây trồng, vật nuôi đã giúp bà con thoát nghèo bền vững. Năm 2012, địa phương đã giảm được 52 hộ nghèo, 58 hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 13,8%, hộ cận nghèo là 27,2%. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của địa phương chỉ đạt chưa đến 4 triệu đồng/người/năm, thì nay đã tăng lên hơn 7,8 triệu đồng/người/năm.
Cây cà phê đã mang lại cuộc sống no đủ cho gia đình bà Cao Thị Giáo. |
Năm 2013, địa phương đặt mục tiêu giảm thêm 29 hộ nghèo, 31 hộ cận nghèo, đồng thời nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên gần 9 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều hộ ĐBDTTS đầu tư cho cây cà phê, sầu riêng, hồ tiêu; quá trình sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, vì vậy thu nhập chưa cao. Ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết: “Để giải quyết những tồn tại này, thời gian đến, xã sẽ sử dụng các nguồn hỗ trợ của huyện, của tỉnh để người dân phát triển các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, tập trung vào các cây trồng chủ lực gồm: cà phê, sầu riêng, mía tím, mít nghệ... Cùng với đó, vận động, hướng dẫn người dân, đặc biệt là các hộ ĐBDTTS tham gia các lớp tập huấn, áp dụng khoa kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở các thương hiệu nông sản của Khánh Sơn, chúng tôi sẽ định hướng cho người dân phát triển mạnh nền nông nghiệp hàng hóa”.
BÍCH LA