Đến nay, gói hỗ trợ phát triển sản xuất trị giá 2 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương dành cho 20 xã điểm xây dựng nông thôn mới đã có mô hình đầu tư cụ thể.
Đến nay, gói hỗ trợ phát triển sản xuất trị giá 2 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương dành cho 20 xã điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã có mô hình đầu tư cụ thể.
Năm 2012, từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 2 tỷ đồng, tỉnh đã phân bổ cho 20 xã điểm, mỗi xã 100 triệu đồng. Do đây là lần đầu tiên Trung ương phân bổ kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất XDNTM nên nhiều xã khá lúng túng, đặc biệt khi việc giải ngân đúng vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, các xã điểm cũng đã nhanh chóng hình thành được danh mục đầu tư.
Hỗ trợ nhiều mô hình
Hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp là mô hình được nhiều xã điểm chọn lựa (ảnh chụp tại xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa). |
Ông Nguyễn Đình Bá - Chủ tịch UBND xã Diên Phước (Diên Khánh) cho biết, sau khi nhận thông báo của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM, xã rất lúng túng trong việc tìm kiếm mô hình sản xuất. Dự kiến ban đầu của Ban chỉ đạo xã là hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp, nhưng do nguồn vốn quá ít, chỉ có thể đầu tư cho 1 - 2 hộ nên chưa hợp lý. Vì thế, xã đã chuyển sang hỗ trợ mô hình nuôi nhím (10 hộ) và gà thả vườn (50 hộ). Tuy nhiên, sau khi lập phương án trình lên huyện, huyện đã đề nghị xã nên chọn mô hình có tính cộng đồng cao; một lần nữa, xã lại điều chỉnh, hỗ trợ giống lúa mới IR 17494 - giống có năng suất, chất lượng cao, thị trường ưa chuộng. Đến nay, xã đã triển khai phương án tại 2 cánh đồng Đồng Sậy và Xuân Đài với tổng diện tích 32ha, thu hút 172 hộ dân tham gia. Nhà nước hỗ trợ 70% giống, 30% vật tư, hướng dẫn quy trình chăm sóc thâm canh cây lúa. Hiện nay, cây lúa đã phát triển hơn 1 tháng.
Bà Nguyễn Thị Hải - Chủ tịch UBND xã Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa) cho biết, xã rất cân nhắc khi lựa chọn dự án, mô hình đầu tư. Với nguồn vốn ít, nếu bố trí nhiều mô hình nhỏ có thể dẫn đến mất vốn, người dân không phát huy được nội lực. Vì vậy, sau khi bàn bạc, tính toán, xã đã chọn mô hình hỗ trợ giống bò thịt để vừa phát huy được thế mạnh của địa phương, vừa tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên, đồng vốn cũng được bảo toàn. Sau 2 năm, mô hình có thể thu hồi vốn, tái đầu tư cho hộ khó khăn khác. Theo phương án, xã hỗ trợ cho 10 hộ khó khăn, đang thiếu vốn, mỗi hộ 10 triệu đồng mua bò giống (tổng kinh phí 130 triệu đồng, trong đó có 30 triệu đồng vốn đối ứng). Dự kiến sau 2 năm, doanh thu đạt 220 triệu đồng, lợi nhuận 90 triệu đồng. Nguồn vốn thu hồi chuyển sang đầu tư cho hộ khác. Xã đã chỉ đạo thôn, tổ khuyến nông giám sát chặt chẽ việc sử dụng đồng vốn, hướng dẫn hỗ trợ mua con giống, vật tư thú y, tham gia giải quyết các vướng mắc phát sinh...
Còn theo ông Trương Văn Hiến - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa), từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, xã đã chọn các mô hình hỗ trợ giống hoa màu (dưa leo, khổ qua...) cho những hộ có diện tích đất gần nhà có điều kiện nâng cao thu nhập (4 hộ); nuôi bồ câu Pháp (4 hộ) và nuôi ếch (5 hộ), mỗi hộ 9 - 14 triệu đồng...
Huy động được vốn đối ứng của nhân dân
Theo Nghị quyết số 24 ngày 4-12-2012 của HĐND tỉnh khóa V về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015, ngân sách tỉnh sẽ cấp 45 tỷ đồng/3 năm (riêng năm 2013 cấp 15 tỷ đồng) cho 94 xã XDNTM để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm tăng thu nhập, nâng tỷ lệ lao động vùng nông thôn có việc làm thường xuyên. |
Theo tổng hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM, đến nay, 20 xã điểm đã hình thành 47 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng vốn đầu tư gần 4,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách 2 tỷ đồng, vốn đối ứng gần 2,3 tỷ đồng. Các xã điểm đã chọn những mô hình có khả năng thu hồi vốn cao, có hiệu quả, sản phẩm được thị trường ưa chuộng như: nuôi heo thâm canh, cải tạo đàn bò, trồng tỏi sẻ, trồng nấm ăn, nuôi gà thả vườn, trồng hoa màu, sản xuất giống lúa chất lượng cao, hỗ trợ máy móc cơ giới hóa nông nghiệp, cải tạo, ghép giống xoài, nuôi tôm hùm xanh, trồng mít nghệ, mía tím... Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, các địa phương đã hỗ trợ và vận động người dân góp vốn đối ứng. Điển hình như các xã: Ninh Quang (Ninh Hòa), vốn đối ứng đạt hơn 300 triệu đồng; Vĩnh Phương (Nha Trang) 290 triệu đồng; Diên Lạc gần 150 triệu đồng, Diên Sơn (Diên Khánh) hơn 146 triệu đồng...
Ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình XDNTM cho biết: “Đây là gói hỗ trợ đầu tiên của Trung ương cho Khánh Hòa. Chúng tôi đã phân bổ cho 20 xã tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất. Gói kinh phí này đã được nhiều xã thực hiện rất tốt, hỗ trợ các mô hình có tính cộng đồng cao, thu hút phần lớn hộ tham gia. Các mô hình dễ thu hồi vốn, quay vòng nhanh để tái đầu tư cho hộ khác. Các xã đã phát huy được thế mạnh của địa phương, khuyến khích phát triển ngành nghề, lao động... Đặc biệt, các xã đã huy động được vốn đối ứng từ nhân dân. Tuy nhiên, do vốn ít, đưa về trúng những tháng cuối năm nên các xã rất lúng túng trong việc lựa chọn mô hình, áp lực thanh quyết toán cũng căng thẳng bởi chưa được Ban chỉ đạo cấp huyện hướng dẫn cụ thể...”.
Q.V