Năm 2022, Sở Tư pháp Khánh Hòa có nhiều nỗ lực trong công tác thẩm định đề nghị xây dựng và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, giúp việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật luôn đảm bảo tuân thủ đúng quy định.
Năm 2022, Sở Tư pháp có nhiều nỗ lực trong công tác thẩm định đề nghị xây dựng và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), giúp việc soạn thảo, ban hành VBQPPL luôn đảm bảo tuân thủ đúng quy định.
Lực lượng pháp chế còn ít, hoạt động kiêm nhiệm
Ông Trần Văn Dũng - Trưởng phòng VBQPPL và Theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp) cho biết, công tác thẩm định văn bản gồm thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản và dự thảo VBQPPL. Việc thẩm định hồ sơ gồm lập đề nghị xây dựng VBQPPL, hoặc quy định pháp luật và thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL (ở tỉnh, hoạt động này chỉ thực hiện đối với các nghị quyết của HĐND tỉnh có quy định chính sách theo khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành VBQPPL). Trong thẩm định dự thảo VBQPPL có lập hồ sơ đề nghị thẩm định và thẩm định dự thảo VBQPPL.
Thời gian qua, Sở Tư pháp đã hướng dẫn các cơ quan, đảm bảo hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết theo khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành VBQPPL. Sở chủ trì, phối hợp thẩm định trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trình Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận, từ đó soạn thảo, góp ý, thẩm định, thông qua. Sở cũng phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời trong việc soạn thảo dự thảo VBQPPL theo đúng chủ trương của Thường trực HĐND tỉnh và quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh. Các trường hợp đề nghị thẩm định chưa đủ thành phần hồ sơ và trình tự, thủ tục luật định đều được sở đề nghị bổ sung. Sở cũng phân tích, đánh giá, đưa ra căn cứ thuyết trình nội dung thẩm định để cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý.
Tuy nhiên, Phòng VBQPPL và Theo dõi thi hành pháp luật chỉ có 3 công chức giúp việc cho lãnh đạo phòng, ngoài thẩm định còn làm nhiều nhiệm vụ chuyên môn, như: Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính... Chuyên viên Đinh Thị Minh Thanh cho biết: “Khi được lãnh đạo phòng giao thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết theo khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành VBQPPL, chúng tôi phải kiểm tra, yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu thiếu. Trong 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, phòng phải hoàn thành thẩm định nhiều nội dung, nhưng đôi khi, cơ quan chủ trì soạn thảo gửi 3-4 hồ sơ/lần. Tại các sở, ngành, việc lập hồ sơ đề nghị thẩm định cũng gặp khó do thiếu cán bộ pháp chế chuyên trách. Cán bộ, công chức tham mưu xây dựng văn bản ở các sở, ngành còn kiêm nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn về tham mưu xây dựng văn bản còn hạn chế…
Tiếp tục nâng cao hiệu quả
Trong công tác cải cách hành chính, một trong các nhiệm vụ cải cách thể chế là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản, bảo đảm tính minh bạch, nhất quán, ổn định và khả thi. Nếu làm tốt công tác thẩm định VBQPPL thì sẽ đảm bảo các nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND tỉnh được ban hành đúng tiến độ, đạt chất lượng và khả thi, góp phần thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp các chương trình kinh tế lớn của tỉnh và thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Để nâng cao chất lượng thẩm định, theo ông Trần Văn Dũng, tỉnh kiến nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản về xây dựng VBQPPL; có giải pháp để tỉnh kiện toàn lực lượng pháp chế, trước tiên là thành lập phòng pháp chế tại một số cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành văn bản về tài chính, đầu tư, tài nguyên, xây dựng. Đồng thời, có chính sách động viên cán bộ pháp chế tại các sở, ngành; cán bộ làm công tác xây dựng văn bản tại Sở Tư pháp, UBND cấp huyện. Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công tác pháp chế, xây dựng VBQPPL.
Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo quyết định của UBND tỉnh, nghị quyết của HĐND tỉnh trong quá trình tham mưu xây dựng, ban hành văn bản. Các cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục ban hành văn bản; lập hồ sơ đề nghị xây dựng chính sách; lấy ý kiến đơn vị liên quan và đối tượng chịu tác động của văn bản; gửi đầy đủ hồ sơ thẩm định; phối hợp giải trình và tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đã được thẩm định; nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh theo phân công, phân cấp của Trung ương về chế độ, chính sách đối với cán bộ pháp chế; từng bước kiện toàn bộ máy pháp chế; chú trọng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ công chức làm công tác thẩm định của Sở Tư pháp và cán bộ pháp chế của các sở, ngành…
Năm 2022, Sở Tư pháp hoàn thành thẩm định 4 hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết, 29 dự thảo nghị quyết, 28 dự thảo quyết định. Thông qua thẩm định, các VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh bước đầu được triển khai và phát huy tác dụng ở nhiều lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng, tài nguyên và môi trường, tài chính... Cũng qua thẩm định, việc kiểm tra, rà soát văn bản của các sở, ban, ngành từng bước được củng cố, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, thứ hạng và điểm số trong các bộ chỉ số đo lường năng lực điều hành, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. |
NGUYỄN VŨ