Cải cách hành chính (CCHC) tới đâu? Đó là câu hỏi được ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đặt ra cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tại cuộc họp Ban chỉ đạo CCHC tỉnh về công tác CCHC 6 tháng đầu năm.
Cải cách hành chính (CCHC) tới đâu? Đó là câu hỏi được ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đặt ra cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tại cuộc họp Ban chỉ đạo CCHC tỉnh về công tác CCHC 6 tháng đầu năm. Ông Lê Đức Vinh bày tỏ sự không hài lòng vì nhiều chỉ số CCHC đạt thấp và đã có những chỉ đạo quyết liệt…
Còn phiền hà, nhũng nhiễu
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, nhiều nhiệm vụ trọng tâm về CCHC 6 tháng đầu năm đã được triển khai khá kịp thời, nhất là về cải thiện môi trường kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; một số nội dung quan trọng về hiện đại hóa hành chính… Tuy nhiên, kết quả của công tác này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Các chỉ số về CCHC của tỉnh năm 2016 tăng từ 3 đến 5 bậc, song vẫn còn ở mức thấp và tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 24/63 tỉnh, thành; hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 54/63; CCHC (PARI) xếp thứ 12/63. Trong 10 chỉ số thành phần PCI, có 2 chỉ số tụt giảm cả về điểm số và thứ bậc là: tiếp cận đất đai, tính minh bạch.
Ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, theo khảo sát, chỉ có gần 11% doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh; hơn 33% DN thực hiện các TTHC về đất đai trong vòng 2 năm qua không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục. Phần lớn DN cho rằng, họ phải trả thêm nhiều khoản chi phí không chính thức để công việc đạt kết quả; và thường xuyên gặp hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục. Có tới 72,5% DN cho rằng phải có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh; gần 45% DN cho rằng thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh; 92% DN phải chờ hơn một tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động.
Mặc dù đã quyết tâm hơn so với năm 2016, thể hiện qua việc ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC, song khả năng kiểm soát việc thực hiện tại một số đơn vị vẫn còn yếu, chưa có tính hệ thống. Ông Lê Đức Vinh đã bày tỏ sự không hài lòng với con số thống kê 6 tháng qua. Bởi số lượng hồ sơ trễ hạn, quá hạn còn rất cao tại 19 cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, thời gian chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh trung bình mất 45 ngày, tăng hơn 15 ngày so với năm 2015. Chỉ tiêu này rất thấp so với cả nước, chỉ hơn Thanh Hóa và Cao Bằng (60 ngày); trong khi đó An Giang chỉ mất 7 ngày.
Cần công khai, minh bạch
Tại cuộc họp, ông Lê Đức Vinh đặt câu hỏi: “Vì sao các địa phương khác thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian ngắn, còn chúng ta không làm được? Ai là người theo dõi, đôn đốc, kiểm soát? Cần phân công rõ ràng trách nhiệm”. Ông Lê Đức Vinh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần thông tin rõ để người dân, DN được tiếp cận hồ sơ quy hoạch; có địa chỉ cụ thể để liên hệ nếu tiếp cận không được. Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương… cần xem xét lại tình trạng gây khó, nhũng nhiễu của cán bộ, chuyên viên với người dân, DN khi thực hiện TTHC.
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu thực trạng, trong tổng số 1.596 TTHC ở 3 cấp hiện nay, cấp xã ít nhất với 124 thủ tục, tiếp đến cấp huyện với 246 thủ tục, cấp tỉnh 1.266 thủ tục. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, số lượng hồ sơ tiếp nhận ở khối UBND cấp xã lại nhiều nhất với gần 120.300 hồ sơ, cấp huyện gần 54.700 hồ sơ, khối cơ quan sở hơn 33.000 hồ sơ. Đây là vấn đề bất cập, cần có giải pháp để giải quyết. Ông Trần Sơn Hải cũng yêu cầu, Sở Nội vụ nêu rõ danh sách những cơ quan chưa xây dựng kế hoạch CCHC chi tiết giai đoạn 2016 - 2020 và hàng năm, nếu không chỉ rõ, đôn đốc thì cuối năm sẽ tiếp tục điệp khúc “chưa thực hiện”…
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến nhận định, công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC hiện nay còn nhiều hạn chế. Nhiều người dân, DN muốn nắm rõ những chủ trương, chính sách về CCHC nhưng lại thiếu thông tin. Về vấn đề này, ông Lê Đức Vinh yêu cầu, đến ngày 30-7, các ngành, đơn vị phải thực hiện công bố đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử để người dân được biết. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường hoạt động trao đổi văn bản điện tử, cập nhật thông tin thường xuyên trên trang thông tin điện tử theo quy định; đồng thời phân công người có trách nhiệm làm việc với cơ quan báo chí để trao đổi về nghiệp vụ, nhằm nâng cao chất lượng thông tin trên trang web và cung cấp thông tin cho báo chí tuyên truyền về CCHC...
“Vấn đề quan trọng là CCHC tới đâu, đã làm được những gì để phục vụ việc điều hành mang tính hệ thống. Ban chỉ đạo CCHC từ cấp huyện đến xã cần phải cung cấp thông tin, chỉ rõ những vấn đề yếu, tồn đọng, những đơn vị triển khai còn bất cập để làm cơ sở so sánh, kiểm tra, ban chỉ đạo cấp tỉnh góp ý giải quyết,” ông Lê Đức Vinh nhấn mạnh.
K.D