Năm 2013, UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) được Sở Nội vụ đánh giá là một trong những địa phương đã chủ động nghiên cứu mô hình, cách làm mới để tăng cường chất lượng cải cách hành chính, hướng cải cách hành chính vào thực tiễn quản lý.
Năm 2013, UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) được Sở Nội vụ đánh giá là một trong những địa phương đã chủ động nghiên cứu mô hình, cách làm mới để tăng cường chất lượng cải cách hành chính (CCHC), hướng CCHC vào thực tiễn quản lý.
Đầu tư cơ sở vật chất
Đến tòa nhà của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) của huyện Vạn Ninh, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi sự khang trang, tiện lợi. Tòa nhà có diện tích gần 250m2, trong đó, diện tích đón tiếp, ngồi chờ của công dân chiếm 50%, được trang bị ghế ngồi, nước uống, máy điều hòa nhiệt độ, máy tra cứu thủ tục… để phục vụ nhân dân. Ngoài việc niêm yết công khai các TTHC, đường dây nóng, ở đây còn lắp đặt nhiều camera để giám sát cán bộ, công chức làm việc. Tại đây, có 6 cán bộ, công chức, viên chức đến từ Văn phòng HĐND và UBND huyện, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội luôn trực làm việc với dân. Ông Nguyễn Hùng Tín từ TP. Nha Trang ra làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất tại huyện Vạn Ninh kể, ông đã đến giao dịch nhiều nơi, nhưng trụ sở khang trang cùng với thái độ ân cần, hòa nhã của cán bộ, công chức huyện Vạn Ninh làm ông cảm thấy rất ấn tượng, dễ chịu.
|
Người dân đến giao dịch tại bộ phận “một cửa” huyện Vạn Ninh. |
Ông Lê Hữu Trí - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, tuy điều kiện còn gặp nhiều khó khăn nhưng UBND huyện vẫn ưu tiên đầu tư cho bộ phận “một cửa” để phục vụ tốt nhu cầu liên hệ giải quyết công việc của nhân dân. “Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, việc tự nâng cao nghiệp vụ, rèn luyện thái độ của cán bộ, công chức, viên chức cũng cần phải có sự giám sát, kiểm tra. Vì vậy, ở đây đã lắp đặt một số camera giám sát thường xuyên” - ông Trí nói.
Nhờ được đầu tư mà bộ phận “một cửa” đã góp phần đáng kể vào công tác giải quyết TTHC. Năm 2013, huyện tiếp nhận 10.196 hồ sơ, đã giải quyết được 10.191 hồ sơ. Trong 11 lĩnh vực, có đến 9 lĩnh vực hồ sơ được giải quyết đúng hạn 100%. Riêng lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tỷ lệ trễ hạn là 3,4%; xây dựng, giao thông trễ hạn 6%.
Đến nay, việc triển khai mô hình “một cửa liên thông” theo hướng hiện đại của huyện đã hoàn thiện và đưa vào vận hành tại UBND thị trấn Vạn Giã và UBND xã Vạn Bình. 4 xã: Vạn Thắng, Vạn Phú, Vạn Phước, Đại Lãnh đã xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện bộ phận “một cửa” đạt chuẩn theo quy định.
Ứng dụng công nghệ thông tin
Báo cáo kết quả kiểm tra công tác CCHC năm 2013 của Sở Nội vụ đánh giá, huyện Vạn Ninh là một trong số các địa phương đã chủ động nghiên cứu mô hình, cách làm mới để tăng cường chất lượng CCHC, hướng CCHC vào thực tiễn quản lý, tiêu biểu nhất là ứng dụng phần mềm E-office từ cấp huyện đến cấp xã, nối kết hệ thống.
Từ năm 2013 trở về trước, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị, địa phương vẫn phải cập nhật, tác nghiệp, chuyển văn bản bằng cách photo tài liệu nên rất tốn kém, ít bảo mật; lưu trữ văn bản bằng tay vào sổ thủ công..., một thời gian lâu sẽ gây trở ngại trong tìm kiếm, dễ thất lạc. Mặt khác, việc quản lý, điều hành của lãnh đạo các đơn vị vẫn còn thể hiện trên giấy hoặc khẩu lệnh, khi xảy ra sai xót, khó quy trách nhiệm. Trong khi đó, nhiều đơn vị đã được trang bị máy tính chỉ để đánh máy, người sử dụng “ngại” mở mail, các văn bản phải in ra giấy nên gây lãng phí rất lớn cho ngân sách… Địa bàn huyện Vạn Ninh tương đối rộng, có nhiều xã như: Đại Lãnh, Vạn Thạnh, Xuân Sơn cách trung tâm huyện từ 20 đến 30km; vì vậy, để công văn đi - đến phục vụ việc chỉ đạo, điều hành có khi mất đến cả tuần, gây lãng phí thời gian, kinh phí không cần thiết.
Hiện nay, nhờ giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng Hệ thống văn phòng điện tử E-office nên đã giải quyết các vấn đề tồn tại trên. Ông Võ Thành Sơn - Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Vạn Ninh cho biết: Đối với các văn bản “mềm”, bộ phận văn thư sẽ phân loại và chuyển file điện tử tới lãnh đạo để chờ ý kiến chỉ đạo, sau đó tiếp tục chuyển hồ sơ đến cơ quan tham mưu xử lý. Đối với các văn bản, công văn bằng giấy, văn thư sẽ scan để đưa vào hệ thống E-office. Sau đó, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các cơ quan chủ yếu đều được thực hiện trên E-office. Thế nên, công việc được giải quyết nhanh chóng và kịp thời, không còn phải photo giấy. Mặt khác, thông qua hệ thống E-office, lãnh đạo có thể kiểm tra nội dung, theo dõi, kiểm soát tiến độ, kết quả công việc các phòng, ban mọi lúc mọi nơi. Qua đó, có thể đôn đốc, sắp xếp nhân sự và phân công công việc hợp lý hơn.
Đến nay, văn phòng điện tử E-office đã được triển khai áp dụng đồng bộ từ UBND huyện đến 12 phòng chuyên môn, 6 đơn vị sự nghiệp và 13 xã, thị trấn. 100% cán bộ, công chức, viên chức tham gia hệ thống E-office đều ứng dụng được phần mềm này khi thực hiện công vụ. 90% số văn bản điện tử thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện, 50% văn bản điện tử thuộc các đơn vị được quản lý, điều hành, tác nghiệp trên E-office, không cần văn bản giấy. Các đơn vị đã chuyển và nhận 7 loại văn bản như: Bản sao, lịch tuần, giấy mời, các loại báo cáo, thông báo qua E-office, không cần văn bản giấy.
Ông Lê Hữu Trí cho biết, E-office đã giúp việc quản lý, điều hành của lãnh đạo UBND huyện; tác nghiệp của cán bộ, công chức khi thực hiện công vụ nhanh chóng, hiệu quả, ít sai sót, tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, làm tiền đề để tiến tới chính quyền điện tử ở địa phương trong những năm tiếp theo.
L.K