00:02, 19/07/2023

Theo cờ Tổ quốc vươn khơi
Kỳ 2: Làm giàu từ biển

 HẢI LĂNG

Trắng đêm trên ngư trường 

Tàu chúng tôi đi trong gió mùa Tây Nam cấp 4, cấp 5. Những cơn sóng dữ chực chờ khi thì muốn hất ngược con tàu lên không trung, khi thì muốn nuốt chửng con tàu. Qua hơn một ngày đêm lênh đênh trên biển, thuyền trưởng tàu KH 90127 TS Võ Đông Sang liên tục bẻ lái, khéo léo đưa chúng tôi ra đến ngư trường ngoài khơi Nam Trung Bộ. Đứng trên mũi tàu, đốt nén nhang thơm, thuyền trưởng Sang khẩn cầu cho một chuyến biển cá nặng đầy khoang, rồi giục bạn tàu đảo lưới. Đây là nghi thức không thể thiếu của mỗi tàu lưới rê trước khi bủa mẻ lưới đầu tiên của chuyến biển.

Chập tối, tàu nổ máy, di chuyển chậm với tốc độ chừng 2 hải lý/giờ. Trên boong, các bạn tàu vào vị trí công việc: Người bốc, người chuyền, người ngồi sát mạn tàu, từ từ thả lưới xuống mặt biển. Liên tục như vậy, người này mệt sẽ có người khác thay. Sau khoảng 3 giờ, toàn bộ 270 tấm lưới dài khoảng 10km, nặng hàng tấn đã được bủa xong.

Trời càng về khuya, thuyền trưởng Sang liên tục nhìn trăng, rồi than: “Trăng sáng quá!”. Ông giải thích: “Tàu lưới rê, đánh cá nổi bằng cách giăng đường lưới dài, cá di chuyển thì sẽ mắc lưới. Trăng càng sáng, lưới càng "ngời", cá sẽ thấy lưới mà tránh. Bởi vậy, trời càng tối càng tốt”.

Ngư dân thức trắng đêm để kéo lưới
Ngư dân thức trắng đêm để kéo lưới

23 giờ, thuyền trưởng quyết định thu lưới. Toàn bộ thuyền viên đã vào vị trí, 2 máy tời hoạt động liên tục đưa lưới lên boong. Những tấm lưới trống trơn lần lượt được xếp vào khoang chứa; thi thoảng chỉ có vài con cá cờ, cá sọc (cá ngừ sọc dưa) dính lưới. Bỗng có tiếng thuyền viên hét lớn: “Tàu càn qua lưới, dừng, dừng!”. Thấy con tàu chồm lên như con ngựa bất kham, ông Sang nhoài người ra hỏi: “Dính chân vịt không?” – “Có”, tiếng trả lời át cả tiếng sóng.

Tàu dừng, tắt máy, ngư dân trẻ Võ Trường Tân mang bình dưỡng khí, cố định 1 đầu dây thừng vào mạn tàu, 1 đầu thắt ngang bụng. Cầm theo con dao, Tân nhảy ùm xuống biển đêm để gỡ lưới ra khỏi chân vịt. Hơn 20 phút sau mới thấy anh ngoi lên khỏi mặt nước, bảo: “Sạch rồi, lưới đứt đôi”.

Xuyên đêm, đến tận 4 giờ sáng hôm sau, 270 tấm lưới được máy tời và các bạn tàu thay nhau kéo lên, xếp gọn gàng trong ngăn chứa ở sát mũi tàu. Ngư dân Trần Văn Hải thở hổn hển, đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm, buồn so nói: “Thu nhập bạn tàu trông vào từng mẻ lưới. Vậy mà mẻ này chỉ được có vài con”. Thấy tôi chưa hiểu lắm, ông giải thích: "Mỗi chuyến biển, sau khi trừ tổn phí, phần lời chủ tàu được chia 60%; 40% còn lại chia đều cho 10 người đi bạn, vậy nên phải đánh được nhiều cá, bạn tàu mới hăng hái".

Đêm trắng. Mẻ lưới đầu tiên cũng trắng tay. Thuyền trưởng Sang không nuốt nổi cơm sáng. Tay cầm bộ đàm, ông liên tục hỏi thăm các tàu cá khác cùng ngư trường và được biết: Mẻ lưới này biển đói!.

Biển không phụ công người

Cuộc điện đàm với các thuyền trưởng khác kết thúc là lúc thuyền trưởng Sang quyết định cho tàu xuôi về phía Đông Nam, cách vị trí thả lưới cũ hơn 45 hải lý. Nhập xong tọa độ trên máy định vị, ông nhấn ga rồi bẻ lái, đưa tàu đến điểm chọn. Vừa đi ông vừa thảo luận với thuyền trưởng các tàu cá khác để xác định cụ thể vị trí thả lưới, tránh giàn lưới tàu mình bị chồng lấn với tàu khác.

Sau 7 giờ chạy liên tục, tàu chúng tôi đến điểm đánh mẻ lưới thứ 2. Thả neo dù, tắt máy, thuyền trưởng Sang thiếp đi một lúc. Các bạn tàu tranh thủ vá lại những mảnh lưới bị rách, đứt do vướng chân vịt. Nối lại triêng lưới, ngư dân Nguyễn Cư chia sẻ: “Biển giã mà, lúc này, lúc nọ. Nhưng chúng tôi tin, mấy chục năm dẫn dắt con tàu này, anh Sang sẽ đưa anh em đến đúng luồng cá”.

Những khay cá được đưa ngay xuống hầm bảo quản để giữ độ tươi.

Niềm tin của ông Cư được đáp lại khi biển không phụ công người. Ngay khi phát hiện ra luồng cá, thuyền trưởng Sang kéo bộ đàm thảo luận với thuyền trưởng các tàu cá khác, quyết định đuổi theo đàn cá này. Trong mẻ lưới thứ 2, tàu KH 90127 TS đã bủa trúng đàn cá ngừ vằn, cá ngừ chù, cá thu, cá cờ… với sản lượng khoảng 1 tấn.

Vậy là sau 12 ngày lênh đênh trên biển, tàu KH 90127 TS cập cảng Hòn Rớ, đem theo khoảng 6 tấn cá về bờ sau khi đã đánh 8 mẻ lưới.

Ngư dân trên tàu KH 90127 TS đảo lưới để bủa mẻ lưới đầu tiên.

Đón tàu tại cảng, chủ tàu Nguyễn Đức Thắng nhanh tay chụp sợi dây neo, vừa ríu rít hỏi bạn tàu về chuyến biển. Nở nụ cười tươi vì chuyến biển thắng lợi, ông Thắng nhẩm tính sơ sơ về giá: cá sọc giá hơn 42.000 đồng/kg, cá ngừ chù 22.000 đồng/kg... Vậy là chuyến biển này, tàu KH 90127 TS thu về khoảng 180 triệu đồng. Cộng với chuyến biển trước cũng đạt sản lượng tương tự, “trăng” (các chuyến biển trong tháng) này, tàu thu được hơn 350 triệu đồng. Sau khi trừ tổn phí khoảng 140 triệu đồng, lãi được 210 triệu đồng. Ông Thắng có lãi khoảng 120 triệu đồng và mỗi bạn tàu có khoảng 10 triệu đồng.

Thuyền trưởng Võ Đông Sang xác định vị trí trên máy định vị để đưa tàu đến khu vực khai thác hải sản.

Cùng cập cảng Hòn Rớ trong chuyến biển này còn có 10 tàu lưới rê của ngư dân Khánh Hòa, một số tỉnh Nam Trung Bộ. Ai nấy đều vui vì chuyến biển lưới nặng, cá đầy. Cũng từ những chuyến biển thắng lợi này, nhiều ngư dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, mua thêm tàu để vươn khơi khai thác hải sản. Nhiều người sở hữu 2 - 3 tàu đánh bắt xa bờ.

Giàu, mạnh từ biển

Với những chủ tàu như ông Thắng, hay những người bạn tàu mà tôi đã gặp, mỗi chuyến biển có lãi cao chính là động lực giúp họ vượt gian nan, quyết tâm bám ngư trường để làm giàu từ biển. Quyết tâm ấy còn được tiếp thêm động lực khi các nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều khẳng định xuyên suốt vai trò nền tảng của kinh tế biển trong xây dựng và phát triển tỉnh. Mới đây nhất, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định: “Đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước”.

Ngư dân thức trắng đêm để kéo lưới.

Không chỉ ở Khánh Hòa, kinh tế biển, trong đó có ngành thủy sản có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ được tổ chức tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đầu năm nay. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh trong vùng tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển thủy sản thành ngành sản xuất chiến lược, hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển; hình thành các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá…

Niềm vui của ngư dân Võ Trường Tân khi cá liên tục dính lưới
Niềm vui của ngư dân Võ Trường Tân khi cá liên tục dính lưới

Trở lại đất liền, nhìn những con tàu rẽ sóng ra khơi, tôi nhớ lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Người dân miền Trung cần cù, năng động, sáng tạo, chịu thương, chịu khó, giàu ý chí, nghị lực, khát vọng, sẽ vươn lên làm giàu trên chính vùng đất, vùng biển quê hương mình”. Đó chính là sự tin tưởng, gửi gắm của người đứng đầu Chính phủ với người dân miền Trung nói chung và cộng đồng ngư dân nói riêng.

 

Chia sẻ về định hướng phát triển ngành Thủy sản trong bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế biển của tỉnh thời gian tới, ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Thủy sản là một trong những ngành kinh tế biển quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Khánh Hòa sẽ phát triển ngành này theo hướng bền vững, mang lại giá trị cao, đồng bộ với các ngành, lĩnh vực phụ trợ, như: Khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực… Tỉnh sẽ phát huy vai trò của các trung tâm nghề cá lớn được đầu tư, xây dựng trên địa bàn để phát triển mũi nhọn đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm nghề cá lớn của cả vùng, cả nước. Cùng với đó, tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân; hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ để nâng cao hiệu quả khai thác, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…”.

Liên tục những năm qua, thủy sản (chủ yếu là hải sản khai thác) và tàu biển là 2 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 276 triệu USD, chiếm 34,98% trong tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh.

 

 HẢI LĂNG

Kỳ 1: Cùng ngư dân bám biển

Kỳ 3: Phải quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU

Kỳ cuối: Trường Sa - điểm tựa giữa trùng khơi