Theo cờ Tổ quốc vươn khơi |
Cuối tháng 6, đầu tháng 7 này, tôi có dịp theo tàu lưới rê KH 90127 TS của ông Nguyễn Đức Thắng (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) vươn khơi cùng ngư dân. Đây là chuyến đi tôi ấp ủ bấy lâu...
Ra khơi
- Nhà báo sẵn sàng ra khơi chưa?
Hôm nhận được cuộc gọi của ông Nguyễn Đức Thắng - chủ tàu lưới rê KH 90127 TS, tôi lập tức đáp lời:
- Tôi sẵn sàng cho chuyến đi này từ rất lâu rồi.
Nghề báo đã cho tôi nhiều lần ra công tác ở huyện đảo Trường Sa, đến thềm lục địa phía nam của Tổ quốc… Trên những hành trình đã qua, mỗi khi gặp tàu cá của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ vượt muôn trùng sóng gió, bám biển ngày đêm, tôi luôn ao ước được một lần ra khơi cùng ngư dân khai thác hải sản.
Tàu cá KH 90127 TS rời cảng Hòn Rớ, rẽ sóng ra khơi khai thác hải sản. |
Gần đây, khi Báo Khánh Hòa phối hợp với doanh nghiệp tặng hàng nghìn lá cờ Tổ quốc cho ngư dân bám biển, tôi đã muốn theo những lá cờ đỏ sao vàng vượt sóng ra khơi. Ngày tàu chuẩn bị ra khơi, tôi háo hức đến cảng Hòn Rớ (Nha Trang) từ rất sớm. Lập tức, tôi bị cuốn vào việc tất bật lo “tổn” (nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm…) của ông Thắng để kịp cho chuyến biển.
- “Alô, đưa gấp 250 cây đá xuống tàu KH 90127 TS nhé”;
- “Alô, bơm thêm cho tàu tôi 1.000 lít dầu”;
- “Alô, rau, dưa, gạo, mắm… đưa xuống gấp để tàu xuất bến nhé”...
Liên tục những cuộc điện thoại rộn ràng, nhưng không kém phần gấp rút. Sau khi tạm yên tâm các thứ “tổn”, ông Thắng quay sang dặn dò thuyền trưởng Võ Đông Sang (51 tuổi, ở phường Vĩnh Phước) về chuyện “bạn tàu” (lao động nghề biển). “Chuyến này đã chắc 8 bạn tàu, đều ở chung xóm; 2 bạn tàu mới là người ngoài tỉnh, tôi tìm đỏ mắt mới có. Tôi đã ứng trước cho mỗi người 5 triệu đồng để lo việc nhà, nhưng vẫn lo họ không đi" - ông Thắng lo lắng.
Tàu lưới rê này của ông Thắng dài hơn 15m, lưới lỡ (270 tấm lưới), mỗi chuyến ra khơi cần 10 lao động. Ngoài các vị trí thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy phải có bằng cấp phù hợp thì tàu cần thêm 7 lao động phổ thông để phụ trách hậu cần, bủa lưới, thu lưới, gỡ cá…
Hơn 1 giờ trước khi tàu xuất bến, bạn tàu đã có mặt đủ. Chúng tôi đến Ban Quản lý cảng Hòn Rớ để thông báo kế hoạch tàu ra khơi, danh sách thuyền viên… Các cơ quan chức năng: Ban Quản lý cảng Hòn Rớ, Văn phòng đại diện Thanh tra kiểm soát nghề cá tại Hòn Rớ, Bộ đội Biên phòng cũng hoàn tất việc kiểm tra các quy định chống khai thác IUU, cho phép tàu vươn khơi. Thuyền trưởng Sang lập tức nổ máy, đưa tàu rời cảng.
Tôi hân hoan cùng các bạn tàu ra khơi trong tiếng loa phát đi lời chúc ân tình của nhân viên cảng Hòn Rớ: “Chúc tàu KH 90127 TS thuận buồm xuôi gió; tuân thủ các quy định chống khai thác IUU”.
Phóng viên Báo Khánh Hòa theo tàu lưới rê KH 90127 TS bám biển cùng ngư dân. |
Vững tin dưới cờ Tổ quốc
Lênh đênh trên biển, trong ánh trăng non đầu tháng, con tàu vỏ gỗ dập dềnh trên sóng nước. Tôi chợt mường tượng về thuở những hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên những con thuyền đơn sơ, vượt muôn trùng sóng gió ra Hoàng Sa - Trường Sa đo đạc thủy trình, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật hàng trăm năm trước. Tôi nhớ lại lần ra đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cách đây 2 năm, đúng dịp được chứng kiến lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, được trò chuyện với những người dân miền biển, tôi càng thêm hiểu về niềm tự hào của ngư dân trên đảo, khi hàng trăm năm trước, người Lý Sơn đã vâng mệnh triều đình dong thuyền ra Hoàng Sa - Trường Sa thực thi chủ quyền, giữ gìn biển đảo.
Ra khơi cùng ngư dân, nghĩ về Hoàng Sa - Trường Sa, phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, tôi chợt nhớ đến cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá ngang ngược và phi lý mà Trung Quốc đơn phương áp đặt từ ngày 1-5 đến 16-8, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Trò chuyện cùng tôi trên boong tàu, ngư dân Nguyễn Dện (phường Vĩnh Phước) đanh giọng: “Hoàng Sa - Trường Sa bao đời nay là vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam; là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Hà cớ gì họ lại cấm chúng tôi đánh bắt cá trên các ngư trường cha ông ta để lại?". Ông Dện kể, trong những lần Biển Đông “dậy sóng”, khi đi khai thác hải sản ngoài khơi, ông và nhiều ngư dân khác liên tục đối mặt với sự hung hăng của tàu nước ngoài. Tuy nhiên, chẳng chút e dè, sợ hãi, ngư dân vẫn vươn khơi bám biển bình thường.
Cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay giữa biển trời. |
Sau hơn một ngày đêm chạy liên tục trên biển, tàu KH 90127 TS đã ra đến ngư trường cách đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) tầm 50 hải lý về phía đông. Dừng tàu ở tọa độ đánh mẻ lưới đầu tiên, thấy lá Quốc kỳ đã ngả màu vì sóng gió biển khơi, thuyền trưởng Sang yêu cầu: “Thay mới cờ Tổ quốc”. “Giữa muôn trùng biển khơi, chỉ cần nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước mũi con tàu là ngư dân thêm vững tin”, ông Sang nói. Xa xa, trên khắp ngư trường, tôi thấy thấp thoáng những lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên những con tàu càng khẳng định rõ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
Kịp thời tương trợ khi gặp khó khăn, hoạn nạn
Ông Sang bấm máy định vị. Trên màn hình xuất hiện khá nhiều tàu đang hoạt động trên ngư trường. Ông nói, Biển Đông là tuyến hàng hải tấp nập nên ngoài tàu cá, tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển, tàu vận tải của Việt Nam, còn có tàu hàng của các nước di chuyển nhiều. Chỉ cần kích vào con tàu hiển thị trên màn hình, thấy cờ đỏ sao vàng là biết tàu Việt Nam. Vậy nên quanh năm chịu sóng gió, đối mặt với bão tố, khi bị đâm va, khi hỏng máy, phá nước, ngư dân đều dễ dàng liên lạc với các tàu chấp pháp của Việt Nam đến ứng cứu, hoặc được các tàu cá cùng tổ đội, nghiệp đoàn khai thác chung ngư trường kịp thời hỗ trợ.
Bật bộ đàm, ông Sang để tôi trò chuyện với ông Văn Đức Tuấn - chủ tàu, thuyền trưởng tàu KH 94177 TS, chung Nghiệp đoàn nghề cá Vĩnh Phước đang trên ngư trường. Nghe tôi hỏi chuyện ứng cứu tàu cá KH 91054 TS của ông Nguyễn Thiện (phường Vĩnh Phước) bị tàu chở hàng của nước ngoài đâm chìm ngoài khơi vào ngày 14-6. Ông Tuấn kể lại: “Tàu tôi thả lưới cách tàu ông Thiện bị nạn chừng 3 hải lý, qua bộ đàm nghe ông Thiện kêu: “Cứu, cứu, cứu, tàu hàng đâm chìm”. Tôi vội vàng xem máy định vị để xác định vị trí tàu bị nạn, rồi bẻ lái, tăng ga chạy đến ứng cứu. Thấy cờ đỏ sao vàng trên tàu cá từ xa, 10 thuyền viên bấu víu vào thân tàu đang chìm rất mừng rỡ. Sau đó, tàu của “sói biển” Cao Văn Thơ (phường Vĩnh Trường, Nha Trang) tức tốc từ cảng Hòn Rớ ra ứng cứu, lai dắt tàu bị nạn về bờ. Anh em trong nghiệp đoàn hẹn nhau, sau chuyến biển sẽ họp mặt, đóng góp hỗ trợ tàu bị nạn”.
Thuyền trưởng Võ Đông Sang đã mấy chục năm dẫn dắt tàu cá đi khai thác hải sản ngoài khơi xa |
Qua chuyện các tàu cá giúp nhau trong hoạn nạn, tôi nhớ có lần ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nói rất tâm đắc khi Khánh Hòa là địa phương tiên phong trong việc xây dựng các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, xây dựng mô hình “tàu mẹ - tàu con” để tổ chức sản xuất dài ngày trên biển an toàn. Chính các tổ đội, nghiệp đoàn là nơi ngư dân tập hợp sức mạnh, đoàn kết, kịp thời giúp đỡ lẫn nhau khi đi khai thác; giúp việc quản lý tàu cá chặt chẽ hơn. Đây cũng là cơ sở để xây dựng các chuỗi liên kết trong khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản giữa ngư dân với doanh nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả khai thác, thu nhập cho ngư dân.
Giữa trời biển bao la, dưới cờ Tổ quốc tung bay trước mũi con tàu, lòng tôi chợt ngân lên câu hát trong bài hát "Cờ Tổ quốc trên Biển Đông" của nhạc sĩ Khánh Vinh: “Lá cờ đỏ sao vàng bay trên lãnh hải của ta/Lá cờ đỏ sao vàng bay trên lãnh thổ của ta.../Kiêu hãnh hiên ngang trên biển xanh...".
Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 3.200 tàu cá, trong đó đội tàu khai thác xa bờ có 673 tàu, với hơn 10.000 lao động. Toàn bộ tàu cá xa bờ của tỉnh tham gia vào 8 nghiệp đoàn nghề cá và hơn 80 tổ hợp tác đoàn kết sản xuất trên biển.
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin