Để đất nước được hòa bình, thống nhất, phát triển như hôm nay, rất nhiều người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Trở về với đời thường, những thương binh chúng tôi gặp đều nỗ lực vươn lên tạo lập cuộc sống mới, góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Đó là 4 người có công tiêu biểu, trọn một đời bền bỉ sắt son với cách mạng, được Đảng, Nhà nước biểu dương nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023).
Các ông: Trương Văn Phải, Cao Khắc Mỹ (thứ nhất, thứ hai bên trái) và Lê Đức Hảo, Lê Thành Nhân (thứ 2, 3 từ bên phải sang) tại hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023. |
Thời hoa lửa
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Cao Khắc Mỹ, thương binh 4/4 (sinh năm 1952, ở xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa) vào một chiều tháng 7. Bên hiên nhà đơn sơ, ông kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Năm 1971, lúc đó ông Mỹ 19 tuổi (quê Hà Tĩnh) tình nguyện tham gia cách mạng, chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi. “Tôi còn nhớ rõ, đầu năm 1975, đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ tiến đánh giải phóng Bình Khê, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh ở Bình Định và trên khắp chiến trường Khu V. Sau đó, đơn vị hòa vào đoàn quân nam tiến, thần tốc giải phóng các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Trong trận đánh giải phóng Bà Râu (tỉnh Ninh Thuận) năm 1975, quân địch chống trả quyết liệt, lại có pháo binh yểm trợ, tôi bị thương bởi một mảnh đạn pháo cắm vào vai. Sau đó, tôi được đồng đội đưa về hậu cứ điều trị”, ông Mỹ kể. Sau 2 tuần chữa trị, tuy vết thương chưa lành nhưng ông Mỹ vẫn tiếp tục hành quân cùng đơn vị, tham gia chiến đấu giải phóng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đất nước thống nhất, ông được đơn vị điều ra chốt giữ ở Dục Mỹ (Ninh Hòa). Tại đây, ông Mỹ vinh dự được kết nạp vào Đảng. Đến năm 1980, ông đi học đại học rồi về công tác ở Trạm Vật tư Nông nghiệp Ninh An (Ninh Hòa).
Tuy tuổi cao nhưng ông Cao Khắc Mỹ vẫn tham gia lao động, phát triển kinh tế gia đình. |
Ông Lê Đức Hảo, thương binh 3/4, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (sinh năm 1954, ở phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) tình nguyện tham gia cách mạng khi mới 17 tuổi. Sau vài tháng huấn luyện, ông được biên chế vào lính bộ binh, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ông Hảo kể: “Thời đó, chiến trường ác liệt lắm, bị sốt rét rừng như cơm bữa. Nhưng không vì thế làm anh em nhụt ý chí chiến đấu. Để đánh sào huyệt địch, ban đêm, chúng tôi âm thầm bơi qua sông Trà Khúc, bố trí trận địa. Bị đánh bất ngờ, địch không kịp trở tay. Cũng trong trận đánh đó, tôi bị trúng đạn pháo nên phải rút về hậu cứ điều trị. 2 tháng sau, vết thương hồi phục, tôi trở về đơn vị cũ tiếp tục chiến đấu cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước”. Năm 1984, vừa tốt nghiệp chuyên ngành y, ông được lệnh tham gia chiến đấu ở chiến trường K. Đến năm 1989, ông Hảo về công tác ở Bệnh viện Quân y 87 cho đến ngày nghỉ hưu.
Ông Lê Đức Hảo (bên trái) hướng dẫn người dân cài đặt VNeID. |
Đến bây giờ, ông Lê Thành Nhân, thương binh 2/4 (sinh năm 1960, ở xã Vĩnh Hiệp, Nha Trang) và ông Trương Văn Phải, thương binh 1/4 (sinh năm 1959, ở xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) vẫn không thể nào quên những năm tháng tham gia chiến đấu giúp nước bạn Campuchia đánh quân Pôn Pốt. Ông Phải kể: “Năm 1984, quân ta mở chiến dịch đánh vào ngã 3 biên giới Lào - Thái Lan - Campuchia. Trong lúc hành quân vào rừng, chúng tôi bị địch phục kích, cả trung đội chỉ còn 7 người sống sót. Vừa di chuyển chiến đấu, tôi đạp trúng mìn, mất đi chân phải và nát bàn chân trái. Ngay sau đó, tôi được đồng đội đưa về Đà Nẵng điều trị”. Còn ông Nhân nhớ lại: “Năm 1979, trong lúc truy quét quân Pôn Pốt, tôi bị trúng đạn cối hất tung người lên cao, bất động. Khi tỉnh dậy, tôi mới biết mình bị nát 1 quả thận, trong người hiện vẫn còn nhiều mảnh đạn chưa được lấy ra”…
Vượt khó, góp sức xây dựng quê hương
Về với đời thường, dù mang trên mình thương tích chiến tranh song những người lính Cụ Hồ năm xưa luôn nỗ lực vượt khó để xây dựng cuộc sống mới. Với ông Trương Văn Phải, dù mất đi chân phải, dị dạng bàn chân trái, nhưng ông không đầu hàng hoàn cảnh. Được địa phương cấp đất, ông bắt tay vào làm kinh tế gia đình. Ngày đầu, ông cùng vợ khai khẩn đất đồi trồng cây ăn quả và chăn nuôi gà, lợn. Thấy chợ Tân Đức hình thành đã lâu, nhưng chưa có bãi trông giữ xe, hàng ngày người dân đi chợ để xe không đúng nơi quy định dẫn đến kẻ gian dễ lấy cắp. Được địa phương đồng ý, ông Phải mở điểm trông giữ xe từ năm 1991 đến nay. Nhiều năm qua, người dân Vạn Ninh đi chợ Tân Đức đã quen với hình ảnh người đàn ông tập tễnh, dắt từng chiếc xe cho khách. Mỗi chiếc xe máy, ông chỉ thu 3.000 đồng, mỗi ngày cũng kiếm được 100.000 đồng. Ông Phải chia sẻ: “Tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho gia đình được trông giữ xe. Nhờ vậy, tôi mới có điều kiện nuôi các con ăn học”.
Công việc hàng ngày của ông Trương Văn Phải. |
Qua hồi ức của thương binh Cao Khắc Mỹ, chúng tôi cảm nhận được ý chí và nghị lực vươn lên của ông. Năm 1993, Trạm Vật tư Nông nghiệp Ninh An giải thể, được đơn vị điều về Đà Nẵng công tác nhưng ông từ chối, quyết tâm ở lại xã Ninh Thọ lập nghiệp. Ông dùng khoản tiền tích cóp và vay mượn mua khu đất ruộng rộng 10.000m2 trồng lúa, 3.000m2 đất vườn trồng cây ăn quả. Đồng thời, kết hợp nuôi gà mái đẻ ấp trứng bán gà giống. Cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giờ đây mô hình kinh tế của gia đình cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, vợ chồng ông mới có điều kiện nuôi các con ăn học, trưởng thành.
Ngoài ra, ông Mỹ còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, được người dân tin yêu. Trên cương vị Chi ủy viên Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Lạc An (xã Ninh Thọ), ông đã sáng tạo vận động xây dựng Quỹ “Giúp nhau làm kinh tế giỏi” được hơn 20 triệu đồng. Từ đó, cho hội viên vay vốn làm ăn, giúp 2 hộ thoát nghèo. Ông còn xây dựng Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” để kịp thời thăm hỏi hội viên khi đau ốm; vận động hội viên, người dân trồng hoa 2 bên tuyến đường chính của thôn và đứng ra chăm sóc, quét dọn vệ sinh, xây dựng tuyến đường văn minh, tự quản. Ông Mỹ còn kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí lắp đặt 12 camera dọc các tuyến đường để góp phần phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Gần một tháng nay, ngày nào ông Lê Đức Hảo cũng cùng cán bộ phường ráo riết “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để vận động người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 1, 2. Hôm chúng tôi đến thăm, gần 12 giờ ông mới về, người ướt đẫm mồ hôi. Ông Hảo nói: “Làm Tổ trưởng tổ dân phố cực, nhưng vui. Ngày nào cũng đi, hết việc an ninh, đến việc hòa giải, đủ các kiểu. Còn sống ngày nào, tôi còn cống hiến, chỉ mong góp sức xây dựng khu phố bình an, văn minh”. Được biết, sau khi nghỉ hưu, từ năm 1994 đến 1998, ông Hảo được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ 3, phường Lộc Thọ. Ông đã cùng với cấp ủy tích cực xây dựng khu phố vững mạnh toàn diện. Đến năm 2022, ông được người dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố. Đến nay, ông đã vận động được 80% người dân cài đặt VNeID, xây dựng được các mô hình tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy.
Hàng ngày, ông Lê Thành Nhân thường xuyên tới lau dọn đình Vĩnh Châu. |
Trở về địa phương, ông Lê Thành Nhân tham gia đảm nhận nhiều công việc, từ Chủ tịch UBND xã, Xã đội trưởng, Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã và giờ đây là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Hiệp. Ở cương vị nào, ông cũng hết mình vì công việc, cống hiến để xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Ông Nhân cho biết, đang quyết tâm xây dựng các câu lạc bộ, mô hình để tạo sân chơi vui khỏe, bổ ích cho hơn 800 người cao tuổi của xã. Đồng thời, với cương vị Trưởng ban Quản lý đình Vĩnh Châu, ông đang cố gắng lưu giữ, xây dựng thành điểm sinh hoạt bổ ích cho người dân địa phương.
Những việc làm bình dị của những người có công tiêu biểu đã và đang lan tỏa những điều tốt đẹp, ý nghĩa, góp sức xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp.
VĂN GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin