Ở xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, ông Lê Minh Chính được nhiều người biết đến là nông dân chịu khó học hỏi, tiên phong trong việc áp dụng các giải pháp tiên tiến để nuôi tôm có hiệu quả. Ông cho rằng, để con tôm "chịu ở" với mình, người nuôi phải kiểm soát được môi trường sống của tôm.
Ở xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, ông Lê Minh Chính được nhiều người biết đến là nông dân chịu khó học hỏi, tiên phong trong việc áp dụng các giải pháp tiên tiến để nuôi tôm có hiệu quả. Ông cho rằng, để con tôm “chịu ở” với mình, người nuôi phải kiểm soát được môi trường sống của tôm.
Kết quả của hành trình vượt khó học kinh nghiệm
Con đường Ninh Phú - Hòn Hèo đoạn qua thôn Hang Dơi, xã Ninh Phú ngăn đôi giữa một bên là núi Tiên Du xanh ngát và một bên là đầm Nha Phu trong lành. Nông dân trong xã bao năm qua đã chọn nơi đây để nuôi tôm. Những đìa tôm nằm san sát nhau, rộng đến hàng trăm héc-ta. Nơi đó, nhiều người biết đến trang trại nuôi trồng thủy sản Chính Mỹ rộng cả chục héc-ta của ông Lê Minh Chính.
Ông Chính kể, ông gắn bó với con tôm cũng đã 30 năm. Hồi đó, nghề nuôi tôm vùng này chủ yếu là quảng canh. Theo thời gian, hình thức nuôi tôm bán quảng canh ra đời; lúc này, người nuôi bắt đầu cho tôm ăn thức ăn bổ sung. Nhưng rồi dần dần, khi môi trường nuôi không còn đảm bảo, dịch bệnh cứ thế theo về, những đìa tôm cũng từ đó xơ xác dần. Đỉnh điểm cách đây hơn 10 năm, cả vùng nuôi tôm này như tan hoang, nhiều người bỏ không ao đìa vì cứ thả vụ nào thất bát vụ đó.
Không chấp nhận đầu hàng, ông Chính đã đến những vùng nuôi tôm sôi động ở Quảng Ngãi, Bình Định, hay vào tận miền Tây Nam Bộ gặp gỡ nhiều nông dân nuôi tôm vùng đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí còn sang tận Thái Lan, Đài Loan… để mục sở thị cách làm của họ. Trong tỉnh, hễ có lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm, ông lập tức tìm đến với tâm thế của một người “khát” học, muốn làm chủ kiến thức, kỹ thuật nuôi tôm sao cho hiệu quả.
Nhờ những gì học được, cùng với quá trình mày mò, sáng tạo không ngừng, những lứa tôm đã chịu “ở lại” với ông. Gần 10 năm qua, từ chỗ chỉ có vài ao đìa, nhờ những vụ tôm bội thu đã khẳng định được hướng đi đúng và giúp ông tích lũy vốn liếng, không ngừng mở rộng quy mô nuôi tôm. Cao điểm, năm 2019, trước khi dịch Covid-19 hoành hành, 10ha ao đìa nuôi tôm thẻ chân trắng của ông cho thu hơn 200 tấn tôm, doanh thu lên tới 20 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm 1/3. Gia đình ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. “Từ năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19, quy mô nuôi tôm buộc phải giảm xuống vì thị trường xuất khẩu tôm bị ảnh hưởng. Mỗi năm tôi chỉ thả 3-4 vụ, mật độ cũng thấp hơn. Điều đáng mừng là hầu hết các vụ tôm đều cho hiệu quả tốt” - ông Chính cho biết.
Chăm lo cho môi trường nuôi
“Yếu tố cốt lõi để con tôm “chịu ở” trước hết là phải giải quyết được vấn đề môi trường” - ông Chính bắt đầu câu chuyện khi chúng tôi nhắc đến bí quyết thành công. Rồi ông mang ra cho chúng tôi xem chiếc van lấy thải bán tự động do ông sáng tạo nên. Ông giải thích: “Ở đáy ao, người nuôi phải lắp đặt hệ thống thu hồi chất thải, vỏ tôm lột, thức ăn thừa của tôm. Đây là thiết bị cực kỳ quan trọng. Các van lấy thải thông thường, nếu dùng loại lưới lọc nhỏ quá sẽ thường xuyên bị tắc, nếu to quá thì tôm theo đó ra ngoài”. Vì vậy, ông Chính đã không ngừng tìm hiểu, độ chế và thử nghiệm nhiều mẫu van trong suốt 2 năm. Cuối cùng, chiếc van lấy thải bán tự động của ông điều chỉnh được kích cỡ lọc tùy vào từng giai đoạn nuôi, đảm bảo hút được chất thải đưa ra ngoài nhưng lại ngăn chặn được việc tôm thất thoát. Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân ở miền Tây Nam Bộ, các tỉnh Nam Trung Bộ đã tìm đến ông để tìm hiểu, học cách lắp đặt van xả này và áp dụng thành công ở các đìa nuôi của mình.
Năm 2014, trong một lớp tập huấn, ông Chính đã gặp được PGS.TS Hoàng Tùng và nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đến Khánh Hòa để tư vấn xây dựng mô hình khuyến ngư thực hành công nghệ Biofloc thuộc Dự án CRSD (Hợp phần B - phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững). Ông Chính cho biết, công nghệ Semi Biofloc là làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo. Còn Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước; đồng thời đây cũng là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho tôm, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh. Nhờ đó, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh. Tổng chi phí đầu tư cho 1ha nuôi tôm theo công nghệ này khoảng 1 tỷ đồng (bao gồm công trình và thiết bị). Đây là con số tương đối cao, nhưng đảm bảo hạn chế được dịch bệnh.
Không chỉ tiên phong trong việc làm chủ được công nghệ Semi Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Chính còn mày mò nghiên cứu và ứng dụng thành công một loại chế phẩm men vi sinh để tạo hạt floc và đặt tên là Chính Floc. Cho chúng tôi xem gói chế phẩm Chính Floc với những thành phần, hàm lượng tối ưu cho vùng nuôi tôm của mình, ông Chính rạng ngời nét tự hào: “Chế phẩm này được phân phối độc quyền bởi đại lý Chính Mỹ. Điều vui mừng là trong nhiều năm qua, người nuôi tôm đều có những phản hồi rất tích cực, đánh giá cao tính hiệu quả của chế phẩm Chính Floc”.
Tiên phong nuôi tôm 3 giai đoạn và bậc thang
Trên diện tích 10ha ao đìa, ông Chính đã đào rất nhiều ao nuôi có kích cỡ khác nhau để nuôi tôm 3 giai đoạn. Theo ông, một mô hình chuẩn của nuôi tôm 3 giai đoạn cần 6 ao đìa. Trong đó, có 4 ao để nuôi tôm và 2 ao để xử lý nước. Tại đây, tôm giống được ương nuôi ở ao nhỏ nhất (300m3) – giai đoạn 1. Sau khoảng 15-20 ngày, tôm đạt kích cỡ 600-800 con/kg thì đưa sang ao nuôi giai đoạn 2 có diện tích lớn hơn (800m3). Sau 30 ngày nuôi ở giai đoạn 2, tôm đạt kích cỡ 100-120 con/kg thì chuyển sang ao nuôi giai đoạn 3 gồm 2 ao (mỗi ao có thể tích 1.000m3) và tiếp tục nuôi khoảng 30 ngày để đạt kích cỡ thương phẩm 60-80 con/kg.
Quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn với quy mô như trên đã mang về cho ông Chính 7 tấn tôm, lợi nhuận có thể đạt đến 200 triệu đồng/vụ/mô hình (tùy vào thời giá). Điều quan trọng là hình thức nuôi này thuận lợi cho việc quản lý, kiểm soát và khống chế bệnh cho từng giai đoạn nuôi, tôm luôn được sống trong môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm chất thải.
“Cách đây ít năm, được sự hướng dẫn của ông Huỳnh Kim Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tôi đã đầu tư hệ thống ao nuôi bậc thang để nuôi tôm 3 giai đoạn theo công nghệ Semi Biofloc. Cách nuôi này cũng giống như cách nuôi 3 giai đoạn kể trên, nhưng các ao nuôi được xây dựng có cao độ khác nhau theo kiểu bậc thang, giúp cho việc sang tôm từ ao này qua ao khác được dễ dàng, thuận lợi, tôm ít bị suy hao hơn” - ông Chính chia sẻ. Hình thức nuôi này bước đầu mang lại hiệu quả cho gia đình ông.
Bằng tinh thần không ngừng học hỏi, lao động sáng tạo và biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm; đồng thời luôn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi với những nông dân khác nên ngôi nhà nhỏ nằm cạnh đìa nuôi tôm của ông thường xuyên đón tiếp nhiều người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu, chia sẻ với ông về kỹ thuật nuôi tôm sao cho đạt hiệu quả cao, bền vững.
Ông Huỳnh Kim Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Hoạt động nuôi tôm ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ thời tiết, môi trường. Ngoài ra, nuôi tôm mật độ quá cao khiến cho dịch bệnh trên tôm xảy ra thường xuyên, khó kiểm soát. Vì vậy, với những kết quả khả quan của phương pháp nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi Biofloc, nuôi nhiều giai đoạn và nuôi bậc thang tại hộ ông Lê Minh Chính ở xã Ninh Phú, trung tâm sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng phương pháp này trong thời gian tới nhằm mục tiêu nuôi tôm an toàn, bền vững, hạn chế được dịch bệnh. |
Hồng Đăng