Thời gian qua, cùng với tình trạng sốt đất ở các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa là tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng với thủ đoạn ngày càng tinh vi…
Thời gian qua, cùng với tình trạng sốt đất ở các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa là tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng với thủ đoạn ngày càng tinh vi…
Từ những cơn sốt đất…
Nói chuyện với các hộ lấn chiếm đất rừng ở huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và thị xã Ninh Hòa, điệp khúc mà chúng tôi nghe mãi là: Gia đình thuộc hộ nghèo, thiếu đất sản xuất nên lấn chiếm; đất rừng này trước đây thuộc về cha ông chúng tôi canh tác, nay chúng tôi lấy lại để làm… Tuy nhiên, đó chỉ là cái cớ của họ. Như trường hợp bà C.L.Ch. (xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh) mặc dù đã có 1 rẫy trồng điều khoảng 1ha ở gần nhà, nhưng sau khi Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa khai thác rừng xong, chưa kịp trồng lại rừng thì bà Ch. đã đến phát dọn, lấn chiếm gần 1ha tại Tiểu khu 170 (xã Khánh Thượng). Bà Ch. cho rằng đất này là đất của cha mẹ bà trước đây, công ty trồng rừng, khai thác xong, bà phải vào phát dọn lại để trồng lúa.
Những ngày tìm hiểu tình trạng lấn chiếm đất rừng ở các địa phương miền núi, chúng tôi được biết, cơn sốt mua bán, sang nhượng đất ở các địa phương thời gian qua là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất rừng. Tại xã Ninh Tây, cách đây 2-3 năm, 1ha đất rừng căm xe được giao dịch với giá hơn 100 triệu đồng thì nay lên đến 300-400 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Trong cơn sốt đất, rất nhiều hộ dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã bán đất canh tác của mình, rồi quay sang lấn chiếm đất rừng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cho biết, hiện nay, trên địa bàn các huyện: Khánh Sơn, Cam Lâm giá đất tăng sau khi xuất hiện thông tin các dự án chuẩn bị đầu tư tại đây nên tình trạng sang nhượng đất đai tại các địa phương diễn ra rất nóng, kéo theo tình trạng người dân vào phá rừng, lấn chiếm rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Ngoài ra, trong cơn sốt đất lập vườn cây ăn quả, đất làm du lịch sinh thái, nhiều người đã tìm đến các địa phương miền núi để mua đất; thấy giá cao, trên dưới 1 tỷ đồng/ha nên không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã bán tư liệu sản xuất của mình, rồi quay sang phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác. Tình trạng này ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn.
Đến lấn chiếm khắp nơi
Không chỉ gồng mình chống chọi với nạn khai thác rừng trái phép tại các khu vực: Dốc Mỏ - Suối Hương, Hóc Chim (huyện Vạn Ninh), Đá Bàn (xã Ninh Sơn), rừng căm xe Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa)…, thời gian gần đây, BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa còn phải tập trung lực lượng để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng tại khu vực rừng căm xe Ninh Tây. Từ đầu năm đến nay, tại khu vực này đã xảy ra 13 vụ lấn chiếm đất rừng căm xe trái pháp luật, với tổng diện tích bị lấn chiếm gần 2,3ha. “Mặc dù tình trạng khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng căm xe đã giảm rất nhiều so với 2-3 năm trước, nhưng vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Chúng tôi phải tập trung lực lượng, chia ca tuần tra ngày đêm”, ông Đặng Tiến Dũng - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Ninh Tây (BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa) cho hay.
Trong năm 2021, BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa đã lập biên bản, chuyển hồ sơ cho UBND xã Ninh Tây tiếp tục xử lý 48 vụ lấn chiếm đất rừng căm xe Ninh Tây, với tổng diện tích vi phạm gần 14ha. Rừng căm xe ngày càng thưa thớt, xen lẫn là những gốc căm xe đường kính khá lớn đã bị cưa hạ từ lâu. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng căm xe Ninh Tây được các đối tượng tổ chức rất bài bản, theo kiểu lâm tặc đi trước cưa hạ cây, lấy gỗ, một số đối tượng khác vào phát dọn, đốt để chiếm đất, nếu không có nhu cầu sản xuất thì bán đất. Ngoài ra, rừng căm xe Ninh Tây còn bị lấn chiếm theo kiểu vệt dầu loang, diện tích rẫy của người dân ngày càng mở rộng thì diện tích rừng căm xe ngày càng thu hẹp.
Lâm phận của BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cũng liên tục đặt trong tình trạng báo động. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã lập biên bản 32 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tất cả đều xảy ra trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Trong đó, 5 vụ phá rừng, với tổng diện tích thiệt hại hơn 4,78ha; 19 vụ ken, hủy hoại tổng cộng 385 cây thông; 8 vụ lấn chiếm đất rừng với tổng diện tích 2,47ha. Theo lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp, tinh vi, tăng cả số vụ lẫn tính chất vụ việc. Các đối tượng vi phạm ngày càng manh động, liều lĩnh, thường xuyên đe dọa, chửi bới lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của đơn vị. Một số nương rẫy cũ không canh tác lâu nay bị một số hộ dân quay lại lấn chiếm, không phối hợp với BQL cũng như các cơ quan chức năng trong quá trình lập hồ sơ ban đầu và xử lý.
Tương tự, lâm phận của Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cũng thường xuyên bị các đối tượng lấn chiếm, không chỉ đất rừng sản xuất sau khai thác mà nhiều diện tích rừng tự nhiên cũng bị lấn chiếm. Ông Lê Xuân Lý - Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho hay: “Tình trạng chặt phá rừng tự nhiên, chiếm đất rừng trồng để làm nương rẫy trên lâm phần công ty quản lý diễn biến rất phức tạp. 6 tháng đầu năm nay, các đội bảo vệ rừng của công ty đã lập 14 biên bản liên quan đến phá rừng trồng để lấn chiếm đất, với tổng diện tích hơn 4ha; lập 14 biên bản liên quan đến phá rừng tự nhiên trái pháp luật, với tổng diện tích 3,1ha. Các vụ việc xảy ra ở các địa phương: Khánh Thượng, Giang Ly, Khánh Thành, Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh)”.
Cần xử lý quyết liệt
Qua trao đổi với các đơn vị chủ rừng, để bảo vệ diện tích rừng, đất rừng được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ, các đơn vị đã củng cố lại lực lượng, hợp đồng thêm nhân lực tuần tra, bảo vệ rừng; tổ chức thêm các chốt chặn ở những khu vực trọng điểm có nguy cơ lấn chiếm cao; phối hợp với lực lượng kiểm lâm, UBND cấp xã để phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại các địa phương trong tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, các đơn vị chủ rừng rất khó xử lý. Các đơn vị chủ rừng kiến nghị các cấp có thẩm quyền tăng cường các giải pháp tuyên truyền, chỉ đạo, phối hợp xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng; việc xử lý phải đủ mạnh để đủ sức răn đe đối tượng vi phạm và kiên quyết thu hồi các diện tích đã bị lấn chiếm.
Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, trong khi vấn đề về đất sản xuất đang tạo sức ép rất lớn đối với rừng, đất rừng thì các chủ rừng vẫn rất khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng được Nhà nước giao. Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ rừng để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng được giao; kiên quyết thu hồi các diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.
Gần đây, UBND tỉnh liên tục có các công văn yêu cầu các đơn vị chủ rừng làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng; tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, tăng cường tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, đất rừng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng… Đối với UBND cấp huyện, UBND tỉnh yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các địa phương có liên quan; tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vụ việc; chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không phá rừng, tiếp tay cho các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết thu hồi các diện tích rừng, đất rừng bị người dân lấn chiếm, sử dụng sai mục đích… |
HẢI LĂNG