11:12, 07/12/2021

Tìm hạnh phúc trong im lặng

Do không nghe được nên hầu hết người khiếm thính không nói được. Với họ, mưu sinh giữa những người khỏe mạnh, kiếm tìm thanh âm hạnh phúc giữa cuộc đời vô thanh là cả hành trình chật vật.  

Do không nghe được nên hầu hết người khiếm thính không nói được. Với họ, mưu sinh giữa những người khỏe mạnh, kiếm tìm thanh âm hạnh phúc giữa cuộc đời vô thanh là cả hành trình chật vật.   


Vất vả khi cuộc sống vô thanh


Căn gác nhỏ gần chợ Đầm với nhiều giỏ hoa xinh xắn bên ban công là tổ ấm của anh chị Thái Thành Tân - Phạm Thị Tuyết Dung (cùng 36 tuổi). Trong tổ ấm này, chỉ duy nhất cậu con trai 8 tuổi Thái Thiện Nghĩa… biết nói! Nghĩa hồn nhiên: “Ba mẹ không nói được, nhưng con vẫn vui vì ba mẹ thương con. Con muốn mẹ sinh em bé nhưng mẹ sợ 2 đứa sẽ quậy banh nhà!”. Chị Dung cười tươi, ra hiệu anh chị rất vui vì có Nghĩa, nhưng cũng rất mệt vì cháu hiếu động, ham tìm hiểu, thích kết bạn… Để dạy Nghĩa tập nói, anh chị phải nhờ người cháu. Nghĩa học mầm non, anh chị nhờ cô giáo. 3 năm Nghĩa học tiểu học, 3 lần anh chị phải viết giấy xin vắng họp phụ huynh, nhờ cô ghi lại giùm nội dung họp. Con ngày một lớn, nỗi lo không thể theo sát con cũng lớn dần… Đã vậy, chuyện mưu sinh cũng khó khăn. Hồi anh chị bán bánh tráng gần siêu thị Go! Nha Trang, khi khách mua hàng, chủ quán trà đào bên cạnh sang mời mua trà. Do không nghe được, anh chị tưởng người này định giành khách nên ấm ức rồi gây lộn, bỏ bán. Người bán trà lại giận vì nghĩ anh chị không muốn bà bán cạnh. Tận khi được thông dịch, hai bên mới vỡ lẽ… Dịch bớt, anh chị bán lại ngay gần nhà để tiện coi con. Nhưng chỗ mới ế ẩm, thu nhập chỉ vài chục ngàn đồng/ngày. Trong khi đó, căn gác hơn 20m2 phải thuê 1,85 triệu đồng/tháng, chủ nhà còn nói hết dịch sẽ tăng lên 2,5 triệu đồng…

 

Tổ ấm của anh chị Tân - Dung.

Tổ ấm của anh chị Tân - Dung.


N.Đ.A.T (26 tuổi, phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) còn khó khăn hơn. T. được 3 tuổi thì mẹ qua đời, cha đi mất. T. ở với ông bà ngoại hơn chục năm thì ông bà mất, lại sang ở với cậu mợ. T. sống thu mình, ít giao tiếp nên hiểu biết càng hạn chế. Để rồi T. phạm tội vì giật điện thoại của người đi đường. Ra tù, T. càng lạc lõng giữa mọi người. T. bảo giờ đã biết cướp giật đồ là sai nên chỉ siêng năng làm khung tranh thuê, nhưng nhiều người vẫn coi em là người xấu, tránh tiếp xúc. Vừa qua, khi làm căn cước công dân, người hỗ trợ T. mới biết, ngoài đơn xin cấp lại chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu ghi nơi sinh tại TP. Hồ Chí Minh, T. không còn giấy tờ gì; muốn xin trích lục khai sinh nhưng người biết T. sinh ở quận nào chẳng còn. Vướng mắc còn chưa gỡ được thì dịch Covid-19 khiến T. mất việc, rồi thành F0…


Anh Võ Minh Bảo Ngọc (phường Phước Hải, TP. Nha Trang), người giúp thông dịch cho người khiếm thính chia sẻ, người khiếm thính và người khỏe mạnh không hiểu nhau nên rất khó giúp đỡ. Ngay người khiếm thính cũng không hiểu hết biểu đạt của nhau, bởi ngôn ngữ ký hiệu các vùng miền có khác biệt. Giao tiếp hạn chế khiến họ bị giảm cơ hội tương tác, từ đó hạn chế hiểu biết; ngôn ngữ thường rời rạc, đảo lộn cú pháp.


Nỗ lực vươn lên


Ở khu vực chợ Phương Sài (TP. Nha Trang), ít người để ý đến tiệm uốn tóc nhỏ Lộc Thanh nếu không biết 2 vợ chồng chủ tiệm cùng khiếm thính. Chị Phùng Thị Bích Thanh (33 tuổi) từng là chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Biển Xanh năm 2010, tập hợp nhiều người khuyết tật. Anh Đào Quang Lộc (36 tuổi) từng làm chủ nhiệm CLB người điếc Khánh Hòa với 60-70 thành viên từ năm 2012. CLB giúp các thành viên học ngôn ngữ ký hiệu, văn hóa ứng xử, thi thoảng chia sẻ quà tặng từ các tổ chức, mạnh thường quân.

 

Tiệm làm tóc, sửa móng của vợ chồng anh chị Lộc - Thanh.

Tiệm làm tóc, sửa móng của vợ chồng anh chị Lộc - Thanh.


7 năm trước, anh Lộc thuê nhà, mở tiệm làm tóc, còn chị Thanh làm may. Họ đã kết duyên vợ chồng 10 năm, có 3 con. Nhưng 10 năm chung sống không phải luôn bằng phẳng. Con lớn 7 tuổi nhiều lần khóc lóc, la hét vì ba mẹ… không chịu nói! “Những lúc đó, chúng tôi buồn lắm, nhưng bất lực, chỉ mong sau này con hiểu và thông cảm” - chị Thanh ra hiệu chia sẻ. Nuôi con vất vả, lại bị người ngoài xúc xiểm khiến tình cảm vợ chồng cũng có lúc lung lay. Nhưng đều từng là người đứng đầu nhóm, hiểu rõ giá trị của sự chia sẻ, tin tưởng, lại thêm sự kết nối thông dịch từ anh Ngọc, họ nỗ lực vun vén. Ông bà ngoại phụ dạy cháu. Đến nay, họ có thêm con trai thứ 3 hơn 1 tháng tuổi. Anh chị còn nhận chị Huỳnh Thị Yến Phượng vào học việc. “Tôi không được học ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính, nhưng làm lâu cũng hiểu được ý anh chị. Nếu vẫn không hiểu, chúng tôi nhắn tin. Chỉ cần muốn sẽ có cách hiểu nhau thôi”, chị Phượng giải thích.


Cần được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng


Anh Ngọc kể, vợ mang thai được 4 tháng thì bị Rubella. Sau khi bé sinh ra, thấy con ăn khỏe, ngủ say giấc, anh chị đã mừng. Bé 19 tháng, lần đầu tiên vô tình đứng phía sau gọi, con không quay lại, anh Ngọc thảng thốt. Từng học ngôn ngữ ký hiệu, có kinh nghiệm dạy trẻ khiếm thính, anh Ngọc vội đưa con đi kiểm tra thính lực. Kết quả buồn không ngoài dự đoán! Nhưng anh Ngọc không tắt hi vọng. Anh cho con đeo thiết bị trợ thính và từng ngày, từng ngày cảm nhận con quan tâm đến âm thanh. Gần 3 tuổi, cháu nghe được, nói được. Hiện nay, cháu đã 11 tuổi, chơi hòa đồng với bạn, nắm bài nhanh.


Bên cạnh hỗ trợ thành công cho con, anh Ngọc tự nguyện thông dịch, giúp kết nối cho khoảng 30-40 người khiếm thính có việc làm hoặc tham gia sinh hoạt ở Nhà Thiếu nhi tỉnh để học ngôn ngữ ký hiệu, học kỹ năng sống… “Người khiếm thính rất cần được giúp đỡ, tạo việc làm nhưng lại thiếu cầu nối ngôn ngữ. Ngôn ngữ ký hiệu tuy khó nhưng vẫn học được. Chỉ cần 8 tuần là có thể học được các từ cơ bản. Để giúp người khiếm thính, theo tôi trước tiên nên có những lớp dạy cho phụ huynh của họ”, anh Ngọc nói. Ông Cù Trung, ba của Cù Sỹ Trường (27 tuổi, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) chia sẻ, nuôi con từ nhỏ đến lớn nhưng ông không hiểu con nói gì, muốn gì, cho đến khi được anh Ngọc thông dịch. Giờ ông vui lắm! Trường cũng thấy sống bên cha mẹ thoải mái hơn, lại được làm việc cho một chủ tiệm biết cảm thông nên giờ chỉ mong được hỗ trợ cách ứng xử, hòa nhập cộng đồng.

 

Cù Sỹ Trường hiện làm việc tại một cơ sở rửa xe.

Cù Sỹ Trường hiện làm việc tại một cơ sở rửa xe.


Anh Lộc tâm sự, dịch bệnh khiến thu nhập của anh chị giảm rất nhiều so với trước đây nhưng anh vẫn tin tưởng sẽ nhận được sự giúp đỡ nếu mình mở lòng. Anh Lộc khoe, anh Ngọc vừa giúp trao đổi với chủ nhà chia sẻ khó khăn mùa dịch và được giảm 2 tháng tiền thuê cửa tiệm. Anh rất mong xã hội có nhiều người thông dịch giúp người khiếm thính để họ dễ dàng tương tác với xã hội, vươn lên trong cuộc sống.


Chia tay chúng tôi, bé Nghĩa cười tít, quả quyết: “Lớn lên con sẽ giúp ba mẹ hiểu mọi người nói gì!”. Ba mẹ Nghĩa nhìn con, ánh mắt rạng rỡ cho biết, khó mấy họ cũng gắng vượt qua, chỉ mong con thành người tốt, sống ổn định, tự lập là mãn nguyện. Nhìn cử chỉ của ba mẹ, Nghĩa có vẻ hiểu, cười giòn tan.

 

Ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Toàn tỉnh hiện có 24.121 người khuyết tật; trong đó có 2.409 người khuyết tật nghe, nói. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và cộng đồng luôn quan tâm trợ giúp người khuyết tật, trong đó có việc dạy nghề, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật theo đúng quy định, nhất là công tác dạy nghề.

 


TIỂU MAI - THANH TRÚC