Cách đây gần 10 năm, Bộ Chính trị có Kết luận số 53 đồng ý chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030...
Cách đây gần 10 năm, Bộ Chính trị có Kết luận số 53 đồng ý chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đến thời điểm hiện tại, tuy còn nhiều mục tiêu chưa đạt được, song với quyết tâm và định hướng mà Bộ Chính trị và Đảng bộ tỉnh đề ra, “con tàu” Khánh Hòa vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình “vươn khơi”.
Kỳ 1: 10 năm nỗ lực không ngừng
Với bờ biển dài hơn 200km, là đầu mối giao thông thuận lợi về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, Khánh Hòa có nhiều cơ hội để phát triển thành trung tâm của khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Thực tế, gần 10 năm qua, tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc nhờ định hướng đúng đắn, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, linh hoạt của Đảng bộ và chính quyền các cấp.
Đánh thức tiềm năng
Cuối năm 2012, Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án “Phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Bộ Chính trị đã thảo luận và đồng ý chủ trương phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Trong đó, TP. Nha Trang là hạt nhân, trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và của cả nước. Bộ Chính trị yêu cầu Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển tỉnh theo hướng đô thị hóa với cơ sở hạ tầng văn minh, hiện đại, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và dịch vụ ngang tầm khu vực Đông Nam Á; quy hoạch và phát triển các đô thị trong tỉnh bảo đảm đầy đủ và đồng bộ; phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng phát triển của tỉnh, nhất là du lịch và kinh tế biển; tập trung huy động các nguồn lực của địa phương và Trung ương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhớ lại, thời điểm đó, Bộ Chính trị đã yêu cầu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng sớm xem xét, giải quyết các kiến nghị của Khánh Hòa để tỉnh có điều kiện phát huy tốt nhất các lợi thế sẵn có, đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra vào năm 2020. Chẳng hạn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng thực hiện sớm việc chuyển đổi chức năng của các cảng biển tại khu vực TP. Nha Trang, bảo đảm tại Nha Trang chỉ có cảng phục vụ tham quan, du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án đặc thù, quan trọng của tỉnh, nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển đô thị hóa tỉnh Khánh Hòa. Tất cả vì mục đích đánh thức tiềm năng, thế mạnh của Khánh Hòa, xứng tầm trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực.
Làm nên những trái ngọt
Nhìn lại chặng đường phát triển, ông Trần Nam Bình - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, từ năm 2012 đến nay, tỉnh luôn xác định tập trung đầu tư phát triển đô thị hướng tới mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2030, trong đó TP. Nha Trang là hạt nhân phát triển. Khoảng 5 năm nay, toàn tỉnh có 356 dự án, trong đó đã hoàn thành và đang thực hiện 211 dự án. Tổng kinh phí đã thực hiện khoảng 49.848/113.157 tỷ đồng. Về khu đô thị mới, khu tái định cư và nhà ở, theo chương trình được duyệt, toàn tỉnh có 98 dự án; đến nay, đã hoàn thành và đang triển khai thực hiện 77 dự án; tổng kinh phí thực hiện khoảng 16.437/22.611 tỷ đồng. Nhìn chung, nhiều con đường huyết mạch được xây mới, nhiều khu đô thị hình thành, bộ mặt TP. Nha Trang nói riêng và toàn tỉnh nói chung thay đổi rõ rệt.
Tại khu vực vịnh Cam Ranh, quá trình đô thị hóa, đầu tư phát triển hạ tầng tiếp tục được đẩy nhanh, đồng bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã từng bước trở thành một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh. Báo cáo của Ban Quản lý Khu du lịch Bán đảo Cam Ranh cho thấy, hiện nay, hạ tầng kỹ thuật và các dự án trong khu du lịch này đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại hơn rất nhiều so với thời điểm năm 2012. Hiện đã có 40 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn khoảng 29.051 tỷ đồng. Trong số 11 dự án đi vào hoạt động, có 6 dự án đã hoàn thành toàn bộ và đưa vào khai thác, 2 dự án đi vào khai thác giai đoạn 1 và đang xây dựng giai đoạn 2.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho biết, chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, khu kinh tế đã thu hút 41 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án với tổng số vốn đăng ký 64.167 tỷ đồng, vốn giải ngân đạt 16.464 tỷ đồng. Đến nay, đã có 91 dự án đi vào hoạt động, trong đó 67 dự án có vốn đầu tư trong nước và 24 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Một số dự án trọng điểm đã được tích cực đẩy nhanh tiến độ, trong đó có sự kiện khởi công dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 với tổng vốn đầu tư lên đến 2,58 tỷ USD. Hiện nay, khu kinh tế đóng góp vào ngân sách của tỉnh 20.950 tỷ đồng, chiếm khoảng 26,6% thu ngân sách trên địa bàn, giải quyết việc làm cho 6.251 lao động.
Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận số 53 của Bộ Chính trị, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; từng bước khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, nhất là phát triển du lịch và kinh tế biển. Về sản xuất công nghiệp, giai đoạn 2013 - 2020, bình quân tăng 6%/năm, trong đó duy trì sự phát triển các sản phẩm chủ lực như: Thủy sản đông lạnh, đóng tàu biển, nước yến và các sản phẩm từ yến sào... Một số dự án, khu, cụm công nghiệp được hoàn thành và đưa vào hoạt động như: Cụm Công nghiệp Diên Phú - VCN, Cụm Công nghiệp Trảng É 1, Cụm Công nghiệp Sông Cầu, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, Nhà máy Nước giải khát cao cấp yến sào... đã góp phần tạo thêm năng lực mới phát triển của ngành công nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.
Động lực phát triển của vùng
Không chỉ tạo nên đổi thay cho địa phương, trong 10 năm qua, Khánh Hòa đã bắt đầu mang dáng dấp đầu tàu kinh tế của khu vực. Khánh Hòa đang chủ động liên kết với các tỉnh lân cận để khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, bảo đảm thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong đó Khánh Hòa giữ vai trò động lực. Trong năm 2017 - 2018, Khánh Hòa đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tại Đà Lạt; phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh và Lâm Đồng nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng tuyến đường nối huyện Khánh Sơn với huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh và quốc tế của Khánh Hòa tương đối phát triển. Quốc lộ 26 nối thị xã Ninh Hòa với tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên; Quốc lộ 27B nối TP. Cam Ranh với tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên; Quốc lộ 27C nối TP. Nha Trang với TP. Đà Lạt.
Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, Khánh Hòa có cảng Cam Ranh, cảng Nha Trang, Sân bay quốc tế Cam Ranh là cửa ngõ giao thông đường hàng không, đường biển quan trọng cho cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh mở rộng giao lưu kinh tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm, thu hút vốn đầu tư, chất xám nguồn nhân lực. Với truyền thống là vùng đất cách mạng, năng động trong phát triển kinh tế, Khánh Hòa đang dần trở thành một trong những tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào; có hệ thống các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nhiều ngành, nghề; từng bước khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo nhân lực cho khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2013 - 2020 đạt 4,7%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 64,62 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2013. Giai đoạn 2013 - 2020, toàn tỉnh đã thu hút được 425 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 232.968,8 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 279.302,5 tỷ đồng, tăng bình quân 13,3%/năm; trong đó, năm 2020 đạt 50.821,5 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2013. Đối với mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, tỉnh đã đạt 66,18 điểm/75-100 điểm, còn thiếu 8,82 điểm so với mức điểm tối thiểu.