Vượt qua tư tưởng lạc hậu, định kiến, chị Cao Thị Beng, Cao Thị Út và nhiều người Raglai ở huyện Khánh Vĩnh đều đặn tham gia hiến máu tình nguyện. Nghĩa cử cao đẹp của họ lan tỏa, thu hút nhiều người con của núi rừng học tập theo.
Vượt qua tư tưởng lạc hậu, định kiến, chị Cao Thị Beng, Cao Thị Út và nhiều người Raglai ở huyện Khánh Vĩnh đều đặn tham gia hiến máu tình nguyện (HMTN). Nghĩa cử cao đẹp của họ lan tỏa, thu hút nhiều người con của núi rừng học tập theo.
Vượt qua định kiến
Chúng tôi tìm đến nhà chị Cao Thị Beng (41 tuổi, thôn Suối Lách, xã Khánh Trung) - người đã hơn 20 lần tham gia HMTN khi chị vừa ở rẫy về. Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, những bằng khen, giấy khen về hoạt động HMTN của chị được treo ở nơi trang trọng nhất. Gạt đi những giọt mồ hôi, chị Beng xúc động nhớ lại lần đầu tiên tham gia phong trào HMTN. Hơn 10 năm trước, trong một lần thăm người thân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tình cờ chị chứng kiến trường hợp bị tai nạn giao thông nặng, mất nhiều máu phải mổ cấp cứu gấp. Nhưng thời điểm ấy, tại bệnh viện không có nhóm máu phù hợp với bệnh nhân. Thấy y, bác sĩ của bệnh viện vừa thông báo lên loa đài, vừa chạy đôn, chạy đáo tìm người cho máu, bản thân chị rất muốn hiến tặng máu cho bệnh nhân nhưng lại băn khoăn liệu khi cho đi máu sức khỏe của mình có bị ảnh hưởng, cho rồi có đủ sức để đi rẫy, làm mướn kiếm tiền nuôi con... Không tự giải đáp được những thắc mắc lại ngại hỏi, chị quyết định không hiến máu và ra về, nhưng hình ảnh bệnh nhân ấy cứ ám ảnh trong chị.
Năm 2016, với sự vận động của Hội Chữ thập đỏ xã Khánh Trung và được giải thích rõ về những cái lợi của HMTN, chị Beng quyết định giấu chồng con âm thầm đi HMTN. Biết với cân nặng 35kg lúc ấy sẽ không đủ điều kiện hiến máu, chị mặc thêm áo và khai tăng ký. “Khi nghe thông báo đủ điều kiện lấy máu tôi vui lắm. Tuy nhiên, lúc chuẩn bị lấy máu, tôi lại lo lắng. Nhưng cứ nghĩ những giọt máu của mình sẽ giúp cứu sống được ai đó là tôi quyết tâm và tự tin hơn”, chị Beng cười kể. Chị về nhà trong tâm trạng vừa vui, vừa lo lắng bởi trong tư tưởng của người dân ở bản làng khi ấy, đi HMTN đồng nghĩa với việc “đói quá nên đi bán máu lấy tiền”. Vui hơn là khi biết chuyện, chồng và các con chị rất ủng hộ.
Thấy sức khỏe tốt hơn sau những đợt HMTN, cùng với mong muốn phá bỏ tư tưởng lạc hậu, hiểu biết không đúng về HMTN, chị Beng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xã Khánh Trung tích cực tới từng nhà trong thôn vận động bà con tham gia HMTN. Đến nay, chị đã vận động được gần 20 người.
Chị Cao Thị Út cùng thôn Suối Lách cũng có thành tích hơn 20 lần tham gia HMTN. Cuộc sống của gia đình chị rất khó khăn, chồng mắc bệnh đục thủy tinh thể; gánh nặng gia đình đều do chị gánh vác. Thế nhưng, mỗi khi nhận được thông báo HMTN, chị sẵn sàng nghỉ làm để tham gia. Đến bây giờ chị Út vẫn không quên cảm giác hồi hộp xen lẫn chút lo sợ khi lần đầu tiên tham gia hiến máu. Khi đó, nhiều người chưa hiểu được ý nghĩa của việc HMTN nên chê trách và khuyên chị không nên bán máu kiếm tiền. Chị Út kể: “Hồi đó, tôi cũng sợ nên âm thầm hiến máu. Bây giờ nhiều người đã hiểu nên mỗi lần tham gia HMTN tôi thường giải thích cho bà con biết hiến máu không những giúp cứu người bệnh mà còn tốt cho sức khỏe bản thân. Mỗi khi có người đồng ý theo tôi tham gia hiến máu tôi vui lắm”.
Từ hành động đẹp của chị Beng, chị Út, hiện nay, phong trào HMTN tại xã Khánh Trung ngày càng lan rộng. Toàn xã vận động được 30 người, trong đó có 20 người thường xuyên tham gia phong trào.
Lan tỏa hành động đẹp
Hiện nay, huyện Khánh Vĩnh có nhiều gia đình người Raglai cùng tham gia HMTN. Theo lời giới thiệu của cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Khánh Thành, chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng anh Cao Phích và chị Cao Thị Ghịn ở thôn Gia Răng. Đây là cặp vợ chồng tiêu biểu của xã trong phong trào HMTN. Anh Phích kể, cách đây 7 năm, theo lời giới thiệu của người bạn, vợ chồng anh tham gia HMTN nhưng sau khi khám sàng lọc, cả hai đều không đủ sức khỏe để hiến máu. Chị Ghịn cân nặng không đủ quy định, còn anh Phích thì mỡ trong máu cao. “Sau lần đó, vợ chồng tôi chú ý sức khỏe, lo đi điều trị bệnh. Khi khỏi bệnh, tôi âm thầm đi đăng ký hiến máu. Lúc nhận được thông tin đủ điều kiện hiến máu tôi rất vui. Đến nay, tôi tham gia hiến máu 15 lần, vợ 6 lần. Nhờ có phong trào HMTN, tôi biết quý trọng sức khỏe hơn”, anh Phích khoe.
Vợ chồng anh Cao Văn Đức và chị Cao Thị Liễu (xã Khánh Trung) đã vượt qua định kiến tham gia HMTN 8 lần. Theo chị Liễu, khi mới tham gia HMTN, vợ chồng anh chị đều giấu người trong thôn, giấu gia đình vì ngại bị chê trách, xa lánh. Thời gian sau, khi biết nhiều người trong xã cũng tham gia hiến máu, vợ chồng anh chị mới thoải mái chia sẻ.
Theo bà Lê Thị Mỹ Linh - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Khánh Vĩnh, trên địa bàn huyện chủ yếu là người dân tộc thiểu số (DTTS), nhận thức về HMTN còn hạn chế. Cách đây 5 năm, khi nghe cán bộ về thôn, bản tuyên truyền, người dân sợ đau, sợ lấy máu ảnh hưởng đến sức khỏe không đi rẫy, đi làm được. Vì thế, mỗi lần đến đợt hiến máu, các địa phương lại mời những người DTTS hiến máu tiêu biểu để giải thích cho người dân hiểu, hiến máu không hại sức khỏe và hiến máu cứu người. Mưa dầm thấm lâu, phong trào HMTN ngày càng lan rộng thu hút nhiều người DTTS tham gia. Hiện nay, mỗi đợt HMTN, có từ 120 đến 150 người DTTS, hầu hết là người Raglai tham gia, chiếm hơn nửa số người hiến máu. Bà Linh kiến nghị: “Phong trào vận động HMTN ở huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người DTTS vẫn chưa vượt qua được rào cản của những tục lệ, quan điểm lạc hậu để tham gia phong trào. Do đời sống còn khó khăn nên nhiều người DTTS thường mắc bệnh, sức khỏe không đủ điều kiện hiến máu. Để phát triển phong trào, UBND tỉnh nên có chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hỗ trợ những người tham gia HMTN”.
Chia tay những người con của núi rừng, chúng tôi trở về với niềm tin trong thời gian tới, ở Khánh Vĩnh sẽ có thêm nhiều tấm gương đẹp trong phong trào HMTN.
VÂN - LY