Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 773 nhân viên cấp dưỡng ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập và 27 người trong các trường dân tộc nội trú. Nghề cấp dưỡng vất vả, nhọc nhằn, áp lực cao mà thu nhập từ nghề lại thấp.
Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 773 nhân viên cấp dưỡng ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập và 27 người trong các trường dân tộc nội trú. Nghề cấp dưỡng vất vả, nhọc nhằn, áp lực cao mà thu nhập từ nghề lại thấp.
Ngày làm việc từ 5 giờ sáng
5 giờ sáng, 6 nhân viên cấp dưỡng của Trường Mầm non Ninh Hưng (thị xã Ninh Hòa) đã bắt đầu công việc, từ đun nước đến kiểm tra từng bó rau, miếng thịt, con cá… xem còn đủ độ tươi ngon không. Nếu không đạt yêu cầu, họ đề nghị đơn vị cung cấp thực phẩm đổi ngay để còn kịp sơ chế, nấu bữa sáng cho hơn 350 trẻ. Bữa sáng hôm chúng tôi có mặt, các cháu ăn cháo bí đỏ thịt heo nên họ đến sớm để hầm xương, gọt bí, xay thịt, nấu cháo. Gần 7 giờ, món cháo đã chuẩn bị xong, được phân chia rồi đưa đến từng lớp. Sau khi trẻ ăn xong, nhân viên cấp dưỡng tới từng lớp thu dọn chén bát để rửa sạch.
Xong bữa sáng, các chị lại lo nấu bữa trưa. Trong gian nhà bếp rộng chừng 30m2, hơi nóng của nồi cơm, lò bếp làm cho không gian càng trở nên nóng nực. Các nhân viên thoăn thoắt không ngơi tay. Chị Võ Thị Hoài Xuân - nhân viên cấp dưỡng Trường Mầm non Ninh Hưng cho biết: “Bữa trưa, thực đơn cho các cháu gồm thịt bò xào, canh tôm nấu rau mồng tơi, tôm rang tỏi nên công đoạn chế biến nhiều hơn”. Đến 10 giờ, các món đã nấu xong và phân chia cho từng lớp học rồi lại tiếp tục việc dọn, rửa. Xong việc đã hơn 12 giờ, các cấp dưỡng mới ăn bữa trưa vội vàng. Tranh thủ nghỉ 15 phút, các chị lại bắt đầu nấu bữa xế cho các cháu ăn vào lúc 14 giờ 30. “Ngày nào cũng vậy, về tới nhà là người rã rời. Vất vả vậy nhưng sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, lương của tôi chỉ được 2,3 triệu đồng/tháng sau khi trừ bảo hiểm, không có khoản phụ cấp nào. Đã thế, hợp đồng lao động ký 2 năm/lần. Tuy nhiên, vì lòng yêu nghề, yêu trẻ nên tôi vẫn gắn bó với trường”, chị Xuân chia sẻ.
Tại Trường Mầm non Vĩnh Lương (TP. Nha Trang), cứ 5 giờ sáng hàng ngày, 6 cấp dưỡng đã có mặt ở trường để chuẩn bị nấu ăn cho hơn 360 trẻ. Chị Nguyễn Thị Mai Trâm - nhân viên cấp dưỡng của trường cho biết, khi nấu ăn phải bảo đảm thực phẩm luôn tươi ngon, thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, nấu đúng giờ và đặc biệt là bảo đảm an toàn thực phẩm. Gắn bó với nghề từ năm 2001 đến nay nhưng mức lương của chị Trâm chỉ được 2,5 triệu đồng/tháng sau khi trừ bảo hiểm. “Nhiều lần tôi tính kiếm việc khác, nhưng trường động viên tôi cố gắng gắn bó. Chỉ mong sao các cấp, ngành quan tâm đến chúng tôi”, chị Trâm tâm sự...
Lương chưa tới 3 triệu
Bà Phan Thị Thanh Chu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Hưng cho biết, để có được bữa ăn ngon, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ, các cô cấp dưỡng phải làm việc hơn 10 giờ gần như không nghỉ ngơi. Thế nhưng, mức thu nhập của họ lại quá thấp. Trong 6 nhân viên cấp dưỡng của trường, người lương cao nhất chỉ 2,3 triệu đồng/tháng, thấp nhất 1,7 triệu đồng/tháng. Mức lương đó còn chưa đủ lo cho sinh hoạt cá nhân họ chứ đừng nói đến chi tiêu cho gia đình. Lương thấp khiến trường rất khó giữ chân nhân viên. Mỗi lần có người xin nghỉ việc trường rất khó tuyển người mới vì lương thấp mà đòi hỏi có bằng cấp, chứng chỉ nghề nấu ăn. “Nhiều lần họp, có ý kiến vận động phụ huynh học sinh đóng góp để hỗ trợ thêm thu nhập cho nhân viên cấp dưỡng. Thế nhưng, điều này là sai quy định, vả lại điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nên họ sẽ không đồng ý. Do vậy, chúng tôi rất mong UBND tỉnh xem xét có chính sách ký hợp đồng dài hạn và áp dụng mức lương tối thiểu vùng hiện hành cho hưởng 12 tháng lương đối với nhân viên cấp dưỡng”, bà Chu kiến nghị.
Bà Lê Thị Thùy Linh - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Lương cũng đề nghị, các ngành chức năng cần có chính sách để các trường ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, áp dụng mức lương ít nhất cũng bằng mức lương tối thiểu vùng và cho hưởng đủ 12 tháng đối với nhân viên cấp dưỡng. Nếu cứ ký hợp đồng lao động 9 tháng/năm thì trường sẽ khó giữ được nhân viên cấp dưỡng. Bởi vì, sau 3 tháng hè, có thể họ sẽ kiếm việc làm khác khiến trường gặp khó về công tác tổ chức bán trú, ảnh hưởng đến việc kiểm định chất lượng giáo dục và tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia…
Tìm hướng giải quyết
Đầu tháng 4, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tham mưu xây dựng chính sách tiền lương cho nhân viên cấp dưỡng để trình HĐND tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo, đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn, các trường phổ thông dân tộc nội trú, tiền lương của nhân viên nấu ăn được ngân sách nhà nước hỗ trợ trong kinh phí hỗ trợ nấu ăn cho trẻ em theo quy định tại Nghị định số 105, ngày 8-9-2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non và Nghị quyết số 17 ngày 28-6-2012 của HĐND tỉnh quy định chế độ học bổng và khen thưởng học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông dân tộc nội trú không thuộc đối tượng áp dụng Nghị định 105. Còn theo Nghị quyết số 17, các em học sinh mầm non là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, các xã miền núi và các thôn miền núi thuộc huyện đồng bằng và học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo sống rải rác ở địa bàn các xã, phường, thị trấn không thuộc các xã miền núi được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn 290.000 đồng/trẻ/tháng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ chi cho suất ăn của trẻ, không thể lấy trong phần này chia thêm cho tiền công của nhân viên cấp dưỡng.
Đối với nhân viên nấu ăn tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập tại các địa bàn còn lại, UBND tỉnh thống nhất thực hiện hợp đồng lao động đối với nhân viên cấp dưỡng là 12 tháng (thay vì chỉ 9 tháng) và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; mức lương được hưởng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Nguồn kinh phí chi trả lương trong thời gian năm học (9 tháng) và các khoản trích nộp bảo hiểm được trả từ nguồn vận động tài trợ và kinh phí tự chủ của đơn vị sử dụng lao động. Trong thời gian nghỉ hè (3 tháng), ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhân viên cấp dưỡng; còn chế độ tiền lương được chi trả khi được HĐND tỉnh thông qua. Để có cơ sở chi trả lương trong 3 tháng nghỉ hè, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình, hoạt động cho nhân viên cấp dưỡng trong 3 tháng hè. Thế nhưng, qua rà soát chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho đối tượng này mỗi năm chỉ mất 1 tuần; thời gian còn lại không có nhiệm vụ nào phù hợp để phân công cho nhân viên cấp dưỡng làm việc. Vì vậy, việc xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho nhân viên cấp dưỡng kéo dài trong 3 tháng hè rất khó...
Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngày 7-5, sở đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh giải pháp áp dụng cho nhân viên cấp dưỡng. Đó là, đối với nhân viên cấp dưỡng tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, sở đề nghị UBND tỉnh cho phép các trường hàng năm căn cứ vào tình hình thực tế xây dựng dự toán kinh phí ngân sách gửi cơ quan tài chính thẩm định đưa vào dự toán chung của ngành để hỗ trợ chi trả tiền công theo mức lương hiện hưởng. Đối với nhân viên cấp dưỡng tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo… hàng năm căn cứ vào số trẻ em hiện có, cơ sở giáo dục dự toán theo quy định để thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với nhân viên cấp dưỡng tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các địa bàn còn lại nên cho phép các cơ sở giáo dục huy động nguồn xã hội hóa để chi trả tiền công trên cơ sở hợp đồng lao động khoán (theo thỏa thuận giữa phụ huynh và nhân viên nấu ăn); hỗ trợ chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong 3 tháng hè.
V.G - C.Đ