Nông nghiệp hữu cơ được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho xã hội. Tuy nhiên, cách làm này hiện nay chưa giải được bài toán lãi lỗ nên khó phát triển. Vậy đâu là hướng đi mới?
Nông nghiệp hữu cơ được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho xã hội. Tuy nhiên, cách làm này hiện nay chưa giải được bài toán lãi lỗ nên khó phát triển. Vậy đâu là hướng đi mới?
Những mô hình đầu tiên
Từ điểm cao nhất trang trại của anh Nguyễn Phi Trường (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) phóng tầm mắt ra xung quanh, chúng tôi nhìn thấy một màu xanh ngát của dừa, ổi, mãng cầu, mít, thanh long ruột đỏ, đu đủ… đan xen những thảm hoa, đường hoa nhiều màu sắc. Tuy mới đưa vào khai thác được 1 năm, nhưng Phượng Hoàng farm đã có bước khởi sắc. Lý giải vì sao trồng hoa, anh Trường cho biết, đây là hàng rào sinh học để bảo vệ cây trồng trước sự tấn công của côn trùng phá hoại. Biết được điều này nên mọi người không còn bỡ ngỡ khi trang trại xuất hiện các loài hoa sim, hoa mua, hướng dương, mười giờ, sao nhái, hoàng yến, mào gà, xuyến chi, ngũ sắc… Đây cũng là tiền đề để anh Trường làm du lịch sinh thái trong thời gian tới.
Anh Trường cho biết, làm nông nghiệp hữu cơ trải qua 4 bước: Bước 1 là trả lại đất hoang, tức là quá trình làm sạch đất từ việc canh tác trước đây; bước 2 chọn giống thuần để trồng theo quy hoạch; bước 3 tuyệt đối nói không với hóa chất, thuốc trừ sâu, kết hợp các biện pháp sinh học để cải tạo đất, tăng dinh dưỡng như trồng cỏ lạc, trồng hoa dại để bảo vệ mùa màng; bước 4 chăm sóc, bảo quản, đóng gói sản phẩm theo nhu cầu. Hiện nay, anh Trường vẫn sử dụng một loại phân hữu cơ nhập từ Nhật Bản để chăm sóc cây trồng trong trang trại. Đến nay, trang trại đã cho những lứa quả đầu tiên như ổi, đu đủ… với sản lượng vài trăm ký mỗi tuần. Chúng tôi an tâm thưởng thức quả ổi thu hái trực tiếp từ vườn, nhấp ngụm nước vối trong không gian trong lành.
Mới đưa vào khai thác 2 năm nhưng làng nông nghiệp The Moshav farm tại xã Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa) của nhóm bạn trẻ cũng khiến mọi người phải trầm trồ. Vườn xoài bạt ngàn, khu dược liệu xanh mát, xen lẫn vườn hoa hướng dương, cánh bướm, mười giờ... khoe sắc, thấp thoáng bóng những chú cừu non... Nguyễn Tá Đông - 1 trong 4 thành viên sáng lập The Moshav farm đều từng tu nghiệp tại Israel - đất nước có nền nông nghiệp phát triển, giới thiệu cách làm nông nghiệp hữu cơ rất đơn giản: Cỏ dại chỉ phát dọn 3 - 4 lần/năm nhưng giữ lại để tạo độ ẩm và nguồn phân xanh tại chỗ; ủ phân hữu cơ từ phân bò, gà, bã rơm có trong khu vực để bón cho cây; không lạm dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các dòng sinh học nhằm tối ưu hóa sự cân bằng tự nhiên…
Băng qua con đường đất ngoằn ngoèo của thôn Lương Sơn, chúng tôi đến vườn rau của chị Phạm Thị Ái Nhân - một phụ nữ đam mê làm nông nghiệp hữu cơ ở xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang). Cái duyên đến với nông nghiệp hữu cơ của chị sau khi trải qua một lớp huấn luyện của Hội Nông dân xã. Nhận thức được tác hại của hóa chất, thuốc trừ sâu đối với sức khỏe con người, chị mạnh dạn từ bỏ cách làm cũ. Chị học cách ủ phân, mua phân bò về ủ, phối hợp với vôi, men vi sinh... Giai đoạn cây còn nhỏ chị vẫn còn phải xịt thuốc trừ sâu sinh học nhưng khi cây đơm hoa kết trái chị tuyệt đối không dùng. Do vậy, sản phẩm của chị không có giai đoạn cách ly. Tuy thu nhập còn thấp, bình quân 25 - 30 triệu đồng/vụ (3 tháng) và trực tiếp đem bán sản phẩm tại chợ Vĩnh Lương nhưng mang lại cho chị niềm vui khi mọi người đều thích mua hàng của chị. Chị Nhân cho biết, vào vụ rộ, gia đình thu hoạch 300 - 400kg/ngày các loại dưa leo, bầu bí, khổ qua…
Quan trọng là cách làm
Chúng tôi từng trăn trở với cách làm nông nghiệp hữu cơ cách đây mấy năm khi viết về một mô hình trồng rau hữu cơ tại phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh). Chủ trang trại lúc ấy cho biết, làm nông nghiệp hữu cơ rất khó, đó là bài toán lãi lỗ; chi phí bỏ ra gấp 3, nhưng năng suất chỉ bằng 1/3, còn giá bán bằng sản phẩm cùng loại giá thị trường nên rất khó nuôi dưỡng niềm đam mê với nông nghiệp hữu cơ. Nhưng lần này, khi chúng tôi tiếp xúc với những người đam mê nông nghiệp hữu cơ thì tình hình đã khác.
Anh Trường cho biết, nếu phát triển nông nghiệp hữu cơ chỉ bằng cây ngắn ngày sẽ không kham nổi bởi chi phí đầu tư cao, giá thành thấp, thu sẽ không bù nổi chi. Làm nông nghiệp hữu cơ phải biết kết hợp các loại cây trồng, ưu tiên hướng đi cho cây dài ngày. Chính vì vậy, trang trại của anh đang phát triển các loại cây trồng trung và dài ngày như dừa, ổi, mít, mãng cầu… và sắp tới sẽ kết hợp làm du lịch sinh thái để tận thu. “Hiện nay, tôi phải gồng mình gánh lỗ cho trang trại từ nguồn thu khác. Bởi thu nhập từ ổi và một số cây trồng ngắn ngày chưa thể đáp ứng”, anh Trường chia sẻ. Hiện nay, sản lượng nông sản chưa đủ để cung ứng nên khách hàng đặt trước 2 tuần mới có hàng. Vì vậy, anh Trường rất nhiệt tình tham gia các group nông nghiệp sạch trên mạng. Đồng thời, lập fanpage Phượng Hoàng farm để quảng bá sản phẩm.
Nhóm bạn trẻ ở The Moshav farm cũng có cách làm hay trong việc tăng thu nhập, nuôi dưỡng niềm đam mê như trồng các loại cây lấy ngắn nuôi dài, kết hợp sản xuất các mặt hàng thân thiện môi trường như: Đậu hạt các loại; nước rửa chén, nước lau sàn từ trái bồ hòn; dầu gió bạc hà; bột gừng sấy lạnh; gói lá xông giải cảm… Ngoài ra, các thành viên cũng quảng bá qua những trang cá nhân thu hút hàng chục ngàn lượt like, hàng ngàn lượt chia sẻ…
Cần một cú hích
Dù khởi sắc nhưng nông nghiệp hữu cơ tại Khánh Hòa chỉ mới đi những bước đầu tiên. Số người làm nông nghiệp hữu cơ trong tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một thời gian dài, những người làm nông nghiệp hữu cơ không tìm được tiếng nói chung với cộng đồng. Cộng đồng có yêu cầu cao về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhưng khi có sản phẩm hữu cơ thì họ quay lưng, khó chấp nhận, phần vì giá thành cao, phần chưa tin tưởng… Và như thế, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhanh chóng chết yểu.
Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh - Phó Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Nha Trang, một người tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ khẳng định: Sở dĩ nông nghiệp hữu cơ còn mong manh là do chưa có sự vào cuộc tích cực của chính quyền và các ngành chức năng địa phương. “Tháng 8-2020, chính tôi đã tích cực kết nối thông tin với Tổ chức Seed to Table (Nhật Bản), mời chuyên gia Nhật về triển khai chương trình nông nghiệp hữu cơ tại Khánh Hòa. Hội thảo mời đông đủ các ngành, địa phương liên quan. Rất tiếc, sau đó chưa được nhiều người quan tâm”, Tiến sĩ Hạnh bày tỏ.
Theo Tiến sĩ Hạnh, hội thảo là bước dẫn đường, tiền đề để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Khánh Hòa. Các tỉnh như Bến Tre, Đồng Tháp, Quảng Nam… được Tổ chức Seed to Table tài trợ hiện có phong trào nông nghiệp hữu cơ rất mạnh, hình thành được chuỗi PGS (Participatory Guarantee System - hệ thống chứng nhận hữu cơ), có cơ quan chức năng giám sát khiến việc tiêu thụ sản phẩm hữu cơ thuận lợi. Từ đó, khuyến khích nông nghiệp hữu cơ phát triển ở nhiều loại hình như hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp… Khánh Hòa là tỉnh còn tỷ trọng nông nghiệp khá lớn trong cơ cấu kinh tế, có nguồn phụ phẩm nông nghiệp khá dồi dào, là tiềm năng, thế mạnh, cơ hội để phát triển nông nghiệp hữu cơ nếu được định hướng đúng. Tiến sĩ Hạnh mong muốn, tỉnh quan tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ, định hướng phát triển hệ sinh thái hữu cơ; tác động làm thay đổi tập quán sản xuất, định hình sử dụng sản phẩm sạch làm nền tảng cho tiêu dùng an toàn.
Vĩnh Lạc