Những tảng đá nặng trịch, thô kệch, tưởng như vô nghĩa, qua bàn tay khéo léo của người chế tác, bỗng trở nên ý nghĩa và có duyên lạ.
Những tảng đá nặng trịch, thô kệch, tưởng như vô nghĩa, qua bàn tay khéo léo của người chế tác, bỗng trở nên ý nghĩa và có duyên lạ.
Phát triển nghề truyền thống
Ngày cuối năm, tại xưởng đá mỹ nghệ Thành Tâm (tổ dân phố Phong Phú 1, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa), cái lành lạnh của tiết trời như bị khỏa lấp bởi không khí làm việc nhộn nhịp, khẩn trương. Chỗ này tập trung cắt phôi, tạo hình khối ban đầu; chỗ kia chế tác, mài gọt; rồi đánh thô, đánh mịn, đánh bóng. Tiếng máy cắt chạy xè xè. Bụi đá phủ trắng đôi tay người thợ…
Ông Trần Phương - chủ cơ sở cho biết, mỗi công đoạn chế tác đá đều có yêu cầu riêng, đòi hỏi tâm huyết của người thợ. Ngoài con mắt thẩm mỹ, người thợ phải có đôi tay cứng cáp để tác động dứt khoát vào viên đá, đủ để tạo hình nhưng không làm nứt vỡ và thể hiện được mọi đường nét, từ nếp gấp tà áo, đến đôi mắt có hồn… “Đá là chất liệu rất cứng, nặng và dễ bể. Nhưng nếu có tay nghề, không ngại vất vả và ham sáng tạo, có thể làm được mọi thứ từ đá”, ông Trần Phương khẳng định.
Quả vậy, xưởng có đủ sản phẩm đá granite, từ tượng người, tượng Phật, phù điêu, đến tượng con vật, đồ trưng bày, những đồ vật quen thuộc như: Bộ bàn ghế, bồn rửa mặt, đèn trang trí sân vườn, lư hương… Những bức tượng được tạo hình khá chân thực; vật dụng bằng đá chuẩn xác về tỷ lệ, công năng, tỉ mỉ trong từng hoa văn trang trí. Với truyền thống 3 đời làm cối đá thủ công, ông Trần Phương luôn khao khát không chỉ làm được cối đá. Sau 4 năm học nghề điêu khắc mỹ nghệ tại TP. Hồ Chí Minh, ông về quê, miệt mài làm và đã có vài trăm sản phẩm đá chế tác trong 30 năm. Sản phẩm của ông có mặt ở Khánh Hòa, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
Ngoài ông, vùng đất Phong Phú 1 còn có hàng trăm thợ làm đá. Năm 2017, bộ sản phẩm chủ đề “Gia đình” của Tổ liên kết đá mỹ nghệ phường Ninh Giang đã được UBND tỉnh trao bằng chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Ông Trần Phương mong được góp sức phát triển nghề truyền thống của quê mình lên tầm cao mới.
Mê… đá
Hồi nhỏ, đi chơi, hễ thấy viên đá lạ, ông Võ Trần Xuân Thìn (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) lại lượm về, ngắm nghía, tưởng tượng ra các dáng vẻ, rồi loay hoay mài giũa thêm, tạo chân đế và đặt đá lên ngắm. Vậy là mãn nguyện! Lớn lên, niềm đam mê đá trong ông càng lớn. Ông thường xuyên leo rừng, lội suối tìm đá. Những viên đá có hình dạng, màu sắc độc đáo do sự bào mòn của nước đã mê hoặc ông. “Vẻ đẹp của đá phụ thuộc nhiều vào sự liên tưởng, cảm nhận của mỗi người. Ngoài ra, khi thay đổi ánh sáng, không gian sắp đặt, vẻ đẹp đó cũng biến đổi, rất hấp dẫn”, ông Thìn tâm sự.
17 năm lội suối lượm đá về chơi, dần dà, ông Thìn tự ngộ ra vẻ đẹp ẩn giấu bên trong những hình khối đó. Cầm viên đá suối, ngắm nghía một hồi, ông bắt đầu đục, mài, chả mấy chốc đã thấy thấp thoáng dáng lão tiều phu trên non. Hòn đá vuông với nhiều ngấn bào mòn, vào tay ông, thành con rùa đội chồng sách. Bộ đồ trang sức ốc bạch ngọc độc đáo của người vợ cũng từ tâm huyết và sự khéo léo của ông. Nơi ở của ông là địa chỉ quen thuộc của một số người chơi đá phía bắc tìm đến. Có người từ Hà Nội không quản mưa gió lặn lội tìm vào chỉ bởi nghe tin ông có sản phẩm mới, hoặc để được ngồi nghe ông thuyết minh về sản phẩm vừa hoàn thành và… ngắm cho đã!
Để đá… biết nói
Trên căn gác nhỏ ở xã Vĩnh Hiệp, (Nha Trang), ông Vũ Ngọc Phương giới thiệu “gia sản” đá chế tác choán hết một góc phòng và tâm sự về cơ duyên với đá.
Là thợ cơ khí tinh xảo, ông Ngọc Phương không ngờ có ngày lại bén duyên với đá; mà duyên lại bắt đầu từ việc đẽo chơi một bức tượng… gỗ! Hai chục năm sau, tình cờ thấy lại bức tượng cũ, ông còn băn khoăn tự hỏi, sao hồi đó làm được? Câu hỏi đeo đuổi tới khi ông lượm được khúc xà cừ vứt ven đường và hì hụi đục đẽo hơn 3 tháng để hoàn thành bức tượng rắn săn mồi. Bạn bè tới chơi, người trầm trồ, người nghi hoặc. Một người tiện tay lượm hòn đá lên “đặt hàng” ông. Ngắm một lát, ông lấy máy cắt ra. Sau hơn 2 giờ, ông đã hoàn thành bức tượng mỹ nhân ngư, sản phẩm đá đầu tay của mình. Ông chợt nhận ra sức cuốn hút của đá: “Sản phẩm đá gợi suy ngẫm về thời gian, về sự nhẫn nại, bền gan của con người. Chất liệu gỗ quá mềm, lỡ đục lố có thể dán thêm vào; còn với đá, đục lố là bỏ cả viên đá. Nhưng đá càng cứng càng thích, không gì thú vị bằng tự tay làm ra những sản phẩm độc đáo của riêng mình”, ông Ngọc Phương chia sẻ.
Bộ sưu tập đá tự chế tác của ông cho thấy sức sáng tạo không giới hạn của người chơi. Viên đá có những đường vân xéo gợi ông ý tưởng tạo thành đức Đạt Lai Lạt Ma. Viên đá suối chẳng mấy chốc thành ngôi chùa vùng Tây Tạng. Viên đá cuội vuông vức đục lỗ ở giữa với con thuyền bé tẻo teo là cách ông tái hiện lại cảnh đi thuyền qua vùng Tràng An… Trước mắt chúng tôi, mỗi lần ông xoay tay, lại một bất ngờ phát lộ: Căn nhà nhỏ có tán cây xanh mát phủ bóng trên đỉnh đồi, bỗng thành chiếc núm mở nắp hộp đựng đồ trang sức. Ngôi chùa tĩnh tại trên núi cao lại là nắp đậy gạt tàn thuốc lá. Viên đá suối bỗng hóa thành chiếc Vespa nhỏ xinh… Rất nhiều sản phẩm của ông đã theo bạn bè sang Pháp, Đức, Mỹ… Hơn 10 năm qua, ông Ngọc Phương có khoảng 300 - 400 sản phẩm đá, nhưng chưa khi nào bày bán, mà chỉ để chơi và tặng bạn bè.
Nhìn người đàn ông gần 60 tuổi cẩn trọng lau chùi, ngắm nghía say sưa từng sản phẩm có thể thấy sự đam mê thầm lặng của một người trót yêu đá. Niềm đam mê mãnh liệt và sức sáng tạo không giới hạn của những người như các ông đã biến những khối đá vô tri thành các sản phẩm đá chế tác đầy cảm xúc, cất “tiếng nói” với đời.
NGUYỄN VŨ - MINH TÂM