Đến cao nguyên Khánh Sơn, đâu đâu cũng thấy những nương chuối bạt ngàn xanh tốt. Từ trái chuối chín mọng, ngọt đậm của núi rừng, người nông dân Nguyễn Tất Tứ (thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp) đã mày mò chưng cất thành công những dòng mật chuối ngọt ngào…
Đến cao nguyên Khánh Sơn (Khánh Hòa), đâu đâu cũng thấy những nương chuối bạt ngàn xanh tốt. Từ trái chuối chín mọng, ngọt đậm của núi rừng, người nông dân Nguyễn Tất Tứ (thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp) đã mày mò chưng cất thành công những dòng mật chuối ngọt ngào…
Gặp ông Tứ “chuối”
Lần theo thông tin in trên nhãn sản phẩm mật chuối Tabai của cơ sở An Hòa, đang phổ biến trên mạng Internet, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất An Hòa tại thị trấn Tô Hạp. Đón tiếp chúng tôi giữa khu vườn đồi rộng 3ha phủ một màu xanh của cà phê, sầu riêng và chuối, chủ cơ sở Nguyến Tất Tứ cho biết việc chào bán, giới thiệu sản phẩm mật chuối trên mạng là do các con của ông thực hiện, còn vợ chồng ông chỉ biết làm ra các sản phẩm từ những trái chuối ngon ngọt của núi rừng Khánh Sơn như chuối sấy dẻo, nước chuối lên men, dấm chuối và đặc biệt là mật chuối.
Câu chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi nhiều người dân mang chuối đến bán. Dù ít, dù nhiều, ai cũng được gia đình ông mua giá cao hơn giá thị trường. Đặt 2 buồng chuối mốc mới chặt lên bàn cân, bà Mấu Thị Thịnh được vợ chồng ông Tứ mời ly nước mật chuối để giải khát. Bà Thịnh bảo: “Gia đình ông Tứ tốt bụng lắm, luôn thu mua chuối cho người dân ở đây với giá cao. Bán chuối cho ông Tứ vừa đỡ mất công gùi đi xa lại có tiền ngay”. Không chỉ bà, nhiều người dân ở thôn Tà Lương rất quý ông Tứ. Ông không chỉ đứng ra bao tiêu nông sản cho người dân mà còn chỉ cho họ cách trồng chuối theo hướng nông sản sạch. Những trái chuối bán cho gia đình ông phải đủ già, trồng theo phương thức tự nhiên, không được sử dụng thuốc sâu, phân hóa học. Trong thôn, gia đình nào gặp chuyện khó khăn đều được vợ chồng ông nhiệt tình giúp đỡ. Có lẽ thế nên ông được người dân nơi đây đặt cho biệt danh thân thương: ông Tứ “chuối”.
Khởi nghiệp ở tuổi… lục tuần
Quê ở Hà Tĩnh, sau một lần vào thăm đồng đội ở Khánh Sơn, ông Tứ đã bén duyên với mảnh đất này. Năm 2016, gia đình ông chính thức trở thành người dân của Khánh Sơn và coi đây như quê hương thứ hai của mình. Rời quê hương khi tuổi đã 60 để đi theo con đường sản xuất, chế biến nông sản có lẽ là quyết định mạo hiểm của ông Tứ. “Lúc đầu, mấy mẹ con cũng nghĩ vào đây trồng trọt, chăn nuôi bình thường để tận hưởng cuộc sống điền viên. Nào ngờ, chỉ được một thời gian thì ông ấy chuyển qua mở xưởng chế biến chuối. Ban đầu tôi phản đối, nhưng thấy chồng quyết tâm nên dần ủng hộ”, bà Nguyễn Thị Xuân - vợ ông Tứ chia sẻ.
Đưa chúng tôi đi xem một lượt quanh khu vực nhà xưởng, ông Tứ dí dỏm bảo, người ta khởi nghiệp ở tuổi thanh niên, còn mình hơn 60 tuổi mới bắt tay khởi nghiệp chế biến chuối. Trong không gian chừng 300m2, cơ sở chế biến chuối của ông Tứ có hệ thống máy sấy, khu vực đóng gói hút chân không, hệ thống nấu và chưng cất mật chuối… Từ nơi đây, những sản phẩm chế biến từ chuối đã ra đời và lan tỏa đến tay người tiêu dùng. “Việc bắt tay vào chế biến sản phẩm từ chuối là điều hoàn toàn mới với tôi, nhưng tôi tin sẽ thành công. Bởi qua tiếp xúc, tìm hiểu từ chính người dân nơi đây và một số chuyên gia, tôi nhận thấy giá trị cũng như tiềm năng từ quả chuối Khánh Sơn. Chuối là loại quả rất tốt cho sức khỏe với hàm lượng các vitamin, chất xơ cao. Tuy nhiên, đa phần người dân chưa có thói quen ăn chuối mỗi ngày. Vì vậy, những sản phẩm chế biến từ chuối, nhất là mật chuối là cách đơn giản, tiện lợi giúp mỗi người bổ sung chất dinh dưỡng. Đặc biệt, những sản phẩm từ cơ sở chúng tôi hoàn toàn được chế biến theo phương thức thủ công và không sử dụng chất bảo quản”, ông Tứ cho biết.
Nói vậy, nhưng chặng đường khởi nghiệp của ông Tứ cũng không hề đơn giản, bởi từ ý tưởng đến khi cho ra đời những sản phẩm đến tay người tiêu dùng là cả chặng đường. Tự mày mò, học hỏi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm đó là cách để ông Tứ thực hiện quyết tâm của mình. Động lực cho ông là những lời động viên của người thân, bạn bè sau mỗi lần sản phẩm làm ra chưa được như ý muốn. Mất 2 năm như thế, không biết bao nhiêu tấn chuối đã được ông sử dụng cho việc thử nghiệm, nghiên cứu của mình. Để rồi, những sản phẩm từ trái chuối, trong đó, có sản phẩm mật chuối Tabai được ông hoàn thiện quy trình, công thức sản xuất. Từ những buồng chuối được mang từ rẫy về, qua các công đoạn lựa chọn quả chín, tách vỏ, xay nhuyễn, ủ kín trong chum, chắt nước, nấu sôi trong nhiều giờ, rồi lại tiếp tục ủ...
Cứ như thế, để có được một chai mật chuối đến tay người dùng phải mất từ hơn 8 đến 10 tháng. Nỗ lực của ông được đền đáp xứng đáng, khi vào tháng 10-2017, sản phẩm nước ép chuối hiệu Tabai (mật chuối Tabai) của ông đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh xác nhận phù hợp với quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm mật chuối Tabai thuần tự nhiên, không chất bảo quản và có màu rất đẹp. Uống ly nước có pha mật chuối Tabai có vị ngọt dịu, mùi thơm thoang thoảng như mùi mật ong. “Gia đình tôi ăn chay trường, nên dùng thức uống này cũng có thể thay cho mật ong. Để phát triển sản phẩm, con gái tôi đã thành lập công ty ở TP. Hồ Chí Minh, giới thiệu mật chuối như một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe đến tay nhiều người tiêu dùng”, ông Tứ thổ lộ.
Hướng mở cho nông sản Khánh Sơn
Vùng đất Khánh Sơn được thiên nhiên ưu đãi cho điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt nên nông sản ở đây có giá trị kinh tế cao. Từ những loại đặc sản như sầu riêng, mía tím, đến các loại trái cây khác như chôm chôm, măng cụt, bơ, quýt đường, bưởi da xanh, chuối… được trồng ở Khánh Sơn đều cho chất lượng ngon ngọt, thơm hơn so với những vùng khác. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, thủ phủ trái cây Khánh Sơn vẫn đang loay hoay với bài toán muôn thuở là làm sao để nâng cao giá trị và vấn đề đầu ra cho nông sản. Ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Hàng năm, nông dân huyện sản xuất và cho ra thị trường hàng nghìn tấn nông sản các loại. Trong đó, có những loại trái cây đã mang thương hiệu đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, nông sản tiêu thụ chủ yếu chưa qua chế biến nên chưa nâng cao được giá trị sản phẩm. Ngay cả việc bao tiêu sản phẩm cũng đang phụ thuộc nhiều vào thương lái. Thời gian qua, huyện cũng đang cố gắng tìm hướng để tháo gỡ vấn đề này”.
Lâu nay, chuối được đồng bào Raglai ở Khánh Sơn trồng nhiều bởi loại cây này phù hợp với tập quán canh tác của họ và điều kiện đất đồi núi. Mỗi buồng chuối được đồng bào chặt từ rẫy và gùi đi bán cho thương lái thường rất vất vả, giá thấp. Trăn trở trước điều đó, ông Tứ càng quyết tâm tìm cách nâng giá mua chuối cho người dân và chế biến chúng thành những sản phẩm có chất lượng. “Trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, mỗi ngày chúng tôi thu mua của bà con khoảng 1 tấn chuối để chế biến. Nhưng từ hồi tháng 3 đến nay, lượng chuối thu mua đã giảm một nửa. Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cơ sở cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong các cơ quan nhà nước có sự quan tâm, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để những cơ sở như chúng tôi có cơ hội phát triển bền vững”, ông Tứ bày tỏ.
Từ mô hình thu mua, chế biến chuối của gia đình ông Tứ, có thể thấy, đây là một gợi ý hay cho việc nâng cao giá trị cho nông sản Khánh Sơn. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Đông cho biết, ông đã nghe về mô hình này. Theo ông, đây là mô hình do người dân tự hình thành, nhưng đã góp phần giới thiệu, nâng tầm một loại nông sản phổ biến của địa phương. Huyện sẽ sớm tìm hiểu, đánh giá cụ thể về mô hình này để kêu gọi các nguồn kinh phí khuyến công, khuyến nông hỗ trợ phát triển mô hình của người dân.
Chia tay ông Nguyễn Tất Tứ, đọng lại trong chúng tôi là vị ngọt thơm của những giọt mật chuối đậm hương núi rừng, cùng niềm mong mỏi được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm, hỗ trợ để tiếp sức cho mô hình này có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển. Để hương vị của những trái chuối từ núi rừng Khánh Sơn có thể đi xa hơn đến tay người tiêu dùng trong toàn quốc.
Vĩnh Thành - Giang Đình