Sau nhiều năm bén rễ trên vùng cao Khánh Sơn, sầu riêng đã trở thành "thương hiệu vàng" nông sản Việt Nam, "chìa khóa" mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân địa phương, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Để phát huy thế mạnh của cây sầu riêng, huyện Khánh Sơn đã có những định hướng phát triển mới.
Kỳ 2: “Chìa khóa” xóa nghèo
Sau nhiều năm bén rễ trên vùng cao Khánh Sơn, sầu riêng đã trở thành “thương hiệu vàng” nông sản Việt Nam, “chìa khóa” mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân địa phương, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Để phát huy thế mạnh của cây sầu riêng, huyện Khánh Sơn đã có những định hướng phát triển mới.
Mở cánh cửa thoát nghèo
Nhắc đến chuyện sầu riêng Khánh Sơn, ông Nguyễn Trọng Lâm - nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhớ lại: “Sau khi chính thức trình làng tại Hội chợ Hàng nông sản tỉnh năm 2007, sầu riêng Khánh Sơn ngay lập tức đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Chính những người sành ăn sầu riêng, đến từ xứ sở sầu riêng nổi tiếng Tây Nam Bộ đều ngỡ ngàng về độ thơm ngon khi ăn thử sầu riêng Khánh Sơn. Khi ấy, trong suy nghĩ của chúng tôi đã lóe lên ý tưởng đưa sầu riêng trở thành thứ “quả vàng”, là “chìa khóa” cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại huyện nghèo Khánh Sơn”.
Thực tế đã chứng minh, qua mấy chục năm, kể từ khi những cây sầu riêng đầu tiên được ông Nguyễn Văn Đính (thôn Suối Đá, xã Ba Cụm Bắc) đưa về trồng, đến nay, nhờ lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, sầu riêng đã trở thành loại cây đặc sản của Khánh Sơn. Nhắc đến Khánh Sơn, khách phương xa lại nhớ đến loại quả ngon nức tiếng này. Cũng nhờ cây sầu riêng mà Khánh Sơn ngày càng có nhiều tỷ phú, triệu phú sầu riêng như: Đậu Dương Trần Nguyễn, Cao Văn Sang, Đào Văn Yến (xã Sơn Bình), Đặng Tài Hổ (thị trấn Tô Hạp), Lê Văn Bi (xã Ba Cụm Bắc)…
Tìm đến vườn sầu riêng 9,5ha của ông Lê Văn Bi, ở thôn Dốc Trầu (xã Ba Cụm Bắc), chúng tôi được biết, nhờ có cây sầu riêng mà vợ chồng ông có cuộc sống sung túc như ngày hôm nay. Đến nay, vườn sầu riêng của ông có trị giá 17 - 18 tỷ đồng, mỗi mùa sầu riêng đều thu về tiền tỷ. “Mỗi loại sầu riêng có từng giai đoạn hưng thịnh và thoái trào, trung bình 10 - 15 năm. Hiện nay, ở Khánh Sơn và nhiều địa phương khác trong cả nước đều đồng loạt trồng các giống cơ bản như: Monthong, Chín Hoá, Ri 6. Tôi đang nghiên cứu để thử nghiệm giống sầu riêng mới của Malaysia, bởi giống trong nước thì trôi nổi, chất lượng không đảm bảo nên tôi đã qua Malaysia tìm hiểu giống sầu riêng này để đưa về trồng”, ông Bi chia sẻ.
Không chỉ giúp nhiều nhà vườn trở nên giàu có, cây sầu riêng cũng mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Ông Tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho hay: “Liên tục những năm gần đây, không chỉ người Kinh mà những hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng trở nên khá giả, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hộ khác cũng vươn lên thoát nghèo nhờ trồng sầu riêng. Năm 2019, toàn xã đã xóa được 100 hộ nghèo. Năm nay, dự kiến sẽ có thêm 76 hộ thoát nghèo nhờ sầu riêng trồng cách nay 6 - 7 năm đã bắt đầu cho thu hoạch ổn định. Trong năm 2020, toàn xã có thêm 72 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia các mô hình chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là sầu riêng, cơ hội thoát nghèo cho các hộ này rất lớn. Chúng tôi đang tuyên truyền để người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, trồng sầu riêng ở những khu vực phù hợp để giải bài toán “xóa nghèo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Để minh chứng điều mình nói, ông Phong đưa chúng tôi đến thăm vườn sầu riêng của hộ ông Cao Đảm đã thoát nghèo, vươn lên khá giả ở Xóm Cỏ (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình). Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Đảm nhớ lại: “Cách đây chừng 15 năm, gia đình mình chỉ trồng mì, bắp; quẩn quanh chỉ lo cái ăn, cái mặc chưa đủ, không thoát được nghèo. Cuộc sống của gia đình bắt đầu thay đổi khi cây sầu riêng “bén rễ” ở Xóm Cỏ này, mình cũng tham gia tập huấn, học hỏi kinh nghiệm, rồi mạnh dạn đăng ký trồng thử. Hiện nay, gia đình mình đã gầy dựng được hơn 2ha sầu riêng, mỗi năm thu không dưới 500 triệu đồng”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: Nhờ cây sầu riêng, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nhanh, bình quân mỗi năm giảm 305 hộ nghèo; nếu như năm 2018, toàn huyện có 3.235 hộ nghèo thì đến nay còn 2.320 hộ. Những năm tới, khi các diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu hoạch thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện sẽ giảm nhanh hơn nữa.
Phát huy lợi thế
Để sớm đưa Khánh Sơn sớm thoát khỏi huyện nghèo, địa phương xác định một trong những mũi nhọn đột phá chính là phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó sầu riêng là cây trồng chủ lực; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch. Cụ thể, trong những năm tới, huyện sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch cũng như phát triển các cơ sở dịch vụ, du lịch; hình thành các trang trại trồng cây ăn quả, xây dựng các nhà vườn kiểu mẫu, các tour du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tham quan miệt vườn; quảng bá thương hiệu nông sản để thúc đẩy phát triển du lịch địa phương… Đây cũng là cách mà Khánh Sơn xác định để tiêu thụ nông sản ngay tại địa phương mình, tránh phụ thuộc vào thương lái như những năm qua.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho hay: “Để phát huy lợi thế riêng về sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đang tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng cây sầu riêng, qua 3 năm chuyển đổi gần đây, toàn huyện đã có hơn 1.500ha, trong đó hơn 420ha cho thu hoạch với sản lượng khoảng 3.380 tấn; kế hoạch trong 5 năm tới sẽ tiếp tục chuyển đổi, nâng diện tích sầu riêng lên khoảng 3.500ha. Cùng với chuyển đổi cây trồng, để nâng cao chất lượng sản phẩm, địa phương đang tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nhà nông, hướng các nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trong số hơn 420ha sầu riêng thời kỳ kinh doanh của huyện đã có 250ha đạt chuẩn VietGAP”.
Người trồng sầu riêng Khánh Sơn cũng đang lo lắng về giá trị loại nông sản này. “Trong lần sang Malaysia để tìm hiểu về giống sầu riêng của họ, tôi thực sự ngạc nhiên khi sầu riêng của mình chỉ 50 - 60 nghìn đồng/kg, trong khi của họ giá cao gấp 10 lần mình. Hỏi ra mới biết, sở dĩ giá cao như vậy là nhờ chất lượng đảm bảo, sầu riêng xuất khẩu đi nhiều nước. Ước gì sầu riêng Khánh Sơn có thể “đàng hoàng” xuất ngoại theo đường chính ngạch, thay vì trông chờ vào thương lái tiêu thụ nội địa và một phần xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch như hiện nay”, ông Lê Văn Bi bày tỏ. Mong muốn của ông Bi cũng chính là mong muốn chung của nhiều nhà vườn trồng sầu riêng và của lãnh đạo huyện.
Những ngày ở Khánh Sơn tìm hiểu chuyện cây sầu riêng, chúng tôi được lãnh đạo và người trồng sầu riêng chia sẻ rằng, muốn cây ăn quả trở thành chìa khóa cho công cuộc xóa nghèo trên địa bàn, ngoài chuyện ổn định đầu ra cho nông sản thì vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Qua những năm hạn hán gay gắt gần đây, nhiều vườn sầu riêng đã “kiệt sức” vì thiếu nước, vì vậy cần thiết phải đầu tư các hồ chứa để giải “cơn khát” nước sản xuất trên địa bàn. Bên cạnh đó, Khánh Sơn có quỹ đất sản xuất nông nghiệp khá ít, chủ yếu là diện tích thuộc quy hoạch 3 loại rừng. Do đó, cần có chính sách để chuyển những diện tích đất có độ dốc thấp ra khỏi diện tích đất rừng để địa phương phát triển nông nghiệp. Không chỉ vậy, sầu riêng là loại cây khó trồng nên địa phương cần chú trọng việc hướng dẫn, tập huấn cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để họ biết cách trồng, chăm sóc loại cây giá trị này…
Thái Thịnh - Hải Lăng