Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, sầu riêng Khánh Sơn đã trở thành loại trái cây ngon nức tiếng, đạt Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, chuyện sầu riêng "bén duyên" với vùng đất này, những lớp học dạy trồng sầu riêng giữa đồi nương hay chuyện xây dựng thương hiệu cho loại trái cây này không phải ai cũng biết.
Kỳ 1: Trái ngọt lên non
Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã trở thành loại trái cây ngon nức tiếng, đạt Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, chuyện sầu riêng “bén duyên” với vùng đất này, những lớp học dạy trồng sầu riêng giữa đồi nương hay chuyện xây dựng thương hiệu cho loại trái cây này không phải ai cũng biết.
“Bén rễ” vùng cao
Để tìm hiểu về nguồn gốc cây sầu riêng, chúng tôi tìm gặp những người đã từng nhiều năm công tác, gắn bó với mảnh đất Khánh Sơn, những người trồng sầu riêng lâu năm tại địa phương và đều nhận được câu trả lời: “Những cây sầu riêng đầu tiên được trồng ở Khánh Sơn xuất phát từ gia đình ông Nguyễn Văn Đính (đã mất) và vợ là bà Phạm Thị Mai Hương ở thôn Suối Đá, xã Ba Cụm Bắc”.
Tiếp chúng tôi, bà Hương năm nay đã 78 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày gia đình lên Khánh Sơn lập nghiệp cách nay đã mấy chục năm; rồi chuyện chồng bà trong một lần đi mua cây tiêu giống về trồng đã được một nhà chùa tặng cho 10 cây sầu riêng ương từ hạt mang về trồng chơi.
Trực tiếp dẫn chúng tôi tới gốc sầu riêng lâu năm, thân đã sần sùi, qua mấy lần mưa bão vẫn đứng vững ở góc vườn, bà Hương chia sẻ: Đây là cây duy nhất còn sót lại trong 10 cây sầu riêng hạt mà chồng bà đưa về trồng. “Tôi không nhớ chính xác tuổi đời cây sầu riêng này bao nhiêu năm, chỉ nhớ lúc đó con trai tôi mới 14 - 15 tuổi, nay đã 45 tuổi. Đợt đó, chồng tôi cùng một vài người trong thôn bắt xe lên tỉnh Đắk Lắk để mua giống tiêu và được một nhà chùa tặng 10 cây sầu riêng hạt về trồng thử”, bà Hương kể.
Sầu riêng đem về, ông Đính trồng quanh nhà, ban đầu chỉ nghĩ trồng cho vui chứ chưa biết chăm sóc, nên 10 cây chết mất 5 cây. Những cây sầu riêng phát triển hoang dại giữa núi rừng, bẵng đi 4 năm sau, ngay cả ông Đính cũng ngỡ ngàng khi thấy cây sầu riêng hợp thổ nhưỡng, khí hậu của Khánh Sơn đã cho những trái bói đầu tiên. “Một hôm chồng tôi đi thăm vườn, thấy trái rụng xuống đất, liền đem vào nhà một quả. Thời điểm đó, cả nhà tôi chưa ai được thấy quả sầu riêng, tôi còn lấy dao chặt nát quả sầu riêng ra để ăn chứ không biết bóc tách như bây giờ”, bà Hương kể.
Từ những cây sầu riêng hạt ấy, nhiều người đến xin giống, mua giống nên sau này vợ chồng bà Hương đã lấy hạt ươm giống rồi bán với giá 2.000 đồng/cây. Sầu riêng hạt từ đó lan ra nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Nhưng phải đến năm 1999, khi thực hiện Chương trình trồng rừng 734, UBND tỉnh đã đầu tư hỗ trợ mô hình cây ăn quả hỗn giao và 2.500 cây sầu riêng Moongthong đã được đem lên Khánh Sơn trồng với mật độ 10 cây/ha. Giống sầu riêng được cung cấp từ Viện Cây ăn quả miền Nam (tỉnh Tiền Giang). Từ đó, cây sầu riêng mới bắt đầu bén rễ trên vùng đất này.
Ông Nguyễn Văn Điệu - chuyên viên Trạm Khuyến nông (thành viên tổ xây dựng đề án Sầu riêng Khánh Sơn giai đoạn 2006 - 2010) nhớ lại, sau 3 năm trồng, giống sầu riêng Moongthong sinh trưởng tốt, cành lá xum xuê, chống chịu bệnh cao, thích hợp với khả năng canh tác của nhân dân. Nhận thấy tiềm năng phát triển, từ đề xuất của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Khánh Sơn đã thành lập 1 tổ khảo sát vào Viện Cây ăn quả miền Nam để học hỏi, đưa giống sầu riêng số lượng lớn về Khánh Sơn phát triển thành cây trồng chủ lực. Thời điểm đó, các chuyên gia của Viện Cây ăn quả miền Nam lên Khánh Sơn khảo sát, đánh giá rất cao sự phù hợp của Khánh Sơn với loại cây này. Đề án “Hỗ trợ phát triển cây sầu riêng huyện Khánh Sơn giai đoạn 2006 - 2010” được xây dựng và phê duyệt ngay sau đó, đã hỗ trợ 2.667 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng 400ha, 500 hộ người Kinh trồng 100ha, hai loại sầu riêng được chọn là Moongthong và Chín Hóa.
Lớp học trồng cây giữa đồi nương
Ông Nguyễn Bá Chiến - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn kể lại: “Khi đề án được triển khai ở các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, họ đem về trồng quanh nhà, nhưng nhà nào cũng nuôi gia súc thả vườn, nên khi sầu riêng vừa mới nhú lên đã bị heo, gà, bò… phá hư hại hết. Bên cạnh đó, người trồng sầu riêng không biết kỹ thuật, không biết chăm sóc nên sầu riêng chết rất nhiều”.
Nhận thấy việc phát triển sầu riêng không thể manh mún, hoang dại mà cần phải có một kế hoạch rõ ràng về kỹ thuật trồng, cách chăm bón, phòng ngừa bệnh…, các chuyên gia của Viện Cây ăn quả miền Nam được UBND huyện mời về Khánh Sơn để mở các lớp dạy bà con cách trồng sầu riêng, hoàn toàn miễn phí.
Ông Nguyễn Trọng Lâm - nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Sơn kể: Khi ấy, khuyến nông viên của xã, huyện đến từng nhà vận động bà con đi học. Các lớp học diễn ra ở các nhà sinh hoạt cộng đồng lụp xụp, hẻo lánh giữa núi đồi, cứ 1 - 2 ngày 1 buổi dạy, có ngày 2 buổi dạy trải đều 7 xã, thị trấn. Có nhiều người dân không biết chữ, tiếp thu chậm, các chuyên gia phải đến tận vườn, cầm tay chỉ việc từ cách đào hố, khoảng cách trồng, đến cách chăm sóc sầu riêng. Việc dạy trồng sầu riêng thực hiện ròng rã trong 2 năm (từ năm 2006 đến năm 2008) mới kết thúc. Khó khăn chưa dừng lại, có những thời điểm sầu riêng chết hàng loạt do nhiễm bệnh nấm, nứt thân, xì mủ, vàng lá, mưa ngập thối rễ… Các cán bộ kỹ thuật của huyện lại phải lặn lội tìm mua thuốc đặc trị ở các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang về cứu chữa. Sau 4 năm, sầu riêng thuộc đề án đã ra hoa, đậu quả, có những vườn cho năng suất 50 quả/cây, tức khoảng 80 - 100kg/cây/năm, được đánh giá ngon, thơm hơn so với nhiều vùng khác. Từ đây, sầu riêng đã vươn lên trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.
Thương hiệu vàng
Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất Khánh Sơn điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để tạo ra quả sầu riêng cơm vàng, hạt lép với chất lượng đặc biệt. Thế nhưng, để có sự “nức tiếng” của sầu riêng Khánh Sơn như bây giờ là kết quả của bao nỗ lực, từ người trồng đến cơ quan nhà nước để gây dựng thương hiệu cho loại “quả vàng” này.
Chúng tôi vẫn nhớ, trong lần đến Khánh Sơn cách nay khoảng10 năm, khi hỏi mua sầu riêng về làm quà, ai cũng bảo chúng tôi phải tìm đến tận vườn của ông Đặng Tài Hổ (ở thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp) - người được mệnh danh “vua” sầu riêng Khánh Sơn lúc bấy giờ, để tìm mua loại sầu riêng đã được cấp nhãn hiệu. Được biết, năm 1999, khi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn tổ chức hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng cây sầu riêng, ông Hổ còn đang say sưa với cây cà phê, nên chỉ trồng thử nghiệm khoảng 100 gốc sầu riêng, chưa nghĩ đến chuyện làm giàu bằng loại cây này. Đến năm 2005, sầu riêng cho trái chất lượng cao, ông Hổ trở nên “mê mẩn” với nó. Để bắt kịp thị hiếu, sức cạnh tranh của thị trường, tháng 9-2008, ông Hổ cùng anh trai Đặng Tài Bảy đã đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho nhà vườn của mình đăng ký sở hữu nhãn hiệu độc quyền và đến năm 2010, thương hiệu “Sầu riêng Bảy Hổ Khánh Sơn cơm vàng hạt lép” đã được cấp chứng nhận, với logo hình con hổ liếm quả sầu riêng.
Khánh Sơn không chỉ có thương hiệu “Sầu riêng Bảy Hổ”, thương hiệu “Sầu riêng Khánh Sơn” còn được biết đến là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên trong tỉnh được cấp nhãn hiệu chứng nhận tập thể. “Năm 2007, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp, hỗ trợ huyện Khánh Sơn xây dựng, đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm này. Đến năm 2011, nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Khánh Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng cho chủ sở hữu là UBND huyện Khánh Sơn. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên tại Khánh Hòa được cấp nhãn hiệu chứng nhận tập thể. Qua gần 10 năm, đến nay, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn vẫn được gìn giữ, phát huy. Càng tự hào hơn khi sầu riêng Khánh Sơn được bình chọn là “Thương hiệu vàng nông sản Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Sơn chia sẻ.
Thái Thịnh - Hải Lăng