2 giờ sáng, Bến cá dân sinh Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) nhộn nhịp người mua kẻ bán. Những thùng phuy cá tươi từ dưới hầm thuyền được ngư dân bốc lên để thương lái ngã giá, thu mua.
2 giờ sáng, Bến cá dân sinh Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) nhộn nhịp người mua kẻ bán. Những thùng phuy cá tươi từ dưới hầm thuyền được ngư dân bốc lên để thương lái ngã giá, thu mua. Tuy nhiên không phải ai cũng biết, để có được những mẻ cá tươi ngon bày bán giữa chợ như vậy, xuyên đêm hôm đó ngay trên biển đã diễn ra những cuộc mua bán giữa các thuyền thu mua hải sản và tàu đánh cá.
Mua bán xuyên đêm
Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đi theo thuyền thu mua hải sản do ông Ngô Trùng Dương (47 tuổi) làm thuyền trưởng. Ông Dương lái thuê cho một đầu nậu ở Bến cá dân sinh Vĩnh Trường đã 20 năm nay, chuyên cung cấp thức ăn, nhu yếu phẩm và thu mua luôn hải sản cho tàu đánh cá.
Sau hơn 2 giờ lênh đênh trên biển, khi trời đã nhá nhem tối, chúng tôi tiếp cận một tàu đánh bắt đang neo đậu gần khu vực bãi Chà Là, thuộc vùng biển Nha Trang. Ngay lập tức, tàu đánh cá và thuyền thu mua kết nối lại với nhau bằng những sợi dây thừng cỡ lớn. “Việc liên kết này nhằm mục đích rê dắt cho tàu đánh cá, khi nào tàu thả (bủa) lưới, gặp sóng to gió lớn, thì thuyền thu mua kéo giữ cho tàu không vấp vào lưới để nhấc dàn lưới lên”, ông Dương giải thích.
19 giờ, biển Nha Trang rực sáng không khác gì một thành phố khi hàng loạt tàu, thuyền bắt đầu chong đèn, bủa lưới đánh bắt. Tiếng hướng dẫn qua bộ đàm, tiếng máy tàu nổ inh ỏi, tiếng người cười nói… Tất cả tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, huyên náo giữa biển khơi. Trên tàu đánh cá, gần 20 lao động bắt đầu công việc xoay máy tời, bủa lưới đánh bắt, thuyền thu mua có nhiệm vụ rê dắt và chong đèn dụ cá. Sau hơn một giờ chao nghiêng trên biển vì sóng gió, vòng vây lưới bắt đầu được siết chặt, tàu đánh cá khởi động máy tời cuộn rút và thu lưới. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian và nặng nhọc, nhất là những lúc sóng to, gió lớn nên nhiều lao động trên tàu phải phối hợp để thu lưới nhanh. Lưới vừa thu lên, tàu thu mua áp sát mạn tàu, cuộc thu mua nhanh chóng diễn ra.
Sau chừng 30 phút, cá được cho hết vào thùng phuy, được ướp đá và chuyển ngay xuống hầm đã mở sẵn. Công việc bủa lưới vây bắt lại tiếp tục, tàu đánh bắt và thuyền thu mua theo nhau như hình với bóng. Đến 2 giờ sáng, sau 10 đợt đánh bắt, thu mua liên tục, đá lạnh trên thuyền đã hết, việc mua bán tạm thời dừng lại. Chủ tàu đánh bắt tính toán ghi số lượng cá đã bàn giao trên một mảnh giấy, rồi giao cho ông Dương đem về cho chủ nậu. Sau khi bán cá ở chợ, chủ nậu và chủ tàu đánh bắt sẽ có thỏa thuận ăn chia, tiền sẽ chuyển qua tài khoản vào ngày hôm sau.
Giải quyết được khâu bảo quản
Một đầu nậu có thâm niên ở Bến cá dân sinh Vĩnh Trường cho biết, trong khi các tàu đánh bắt xa bờ, cá ngâm dưới hầm 20 đến 30 ngày, thì tàu đánh bắt gần bờ có thuyền thu mua đưa vào bán ngay, nên đây là loại cá tươi ngon loại 1, giá cao nhất trong các loại cá. Như cá nục thương lái mua 30.000 đồng/kg, ra chợ bán 60.000 đồng đến 100.000 đồng/kg, trong khi các tàu xa bờ vào đến nơi có khi chỉ bán được 14.000 đồng/kg. Những loại cá nục sồ, nục dời (cá nục đỏ đuôi) thì giá cao hơn nhưng độ hao hụt về giá cũng mất 30%. Tuy nhiên, các tàu đánh bắt gần bờ cũng phải chấp nhận bù chi phí cho thuyền thu mua và đầu nậu, như phí để thuyền thu mua hoạt động một ngày là 5 triệu đồng tiền dầu và 2 triệu đồng tiền đá.
Ông Mai Thành Phúc, chủ tàu KH-98246-TS cho biết, không chỉ gần bờ mà trước đây ở các ngư trường lớn như Trường Sa, Nhà giàn DK1… cũng có những doanh nghiệp có vựa cá, đầu tư đội tàu dài 20m đến 30m/tàu chuyên đi 2 đến 3 ngày kiếm tàu thu mua, cá vừa đổ ra boong tàu đã có đội tàu phía sau đến mua ngay.
Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, toàn tỉnh hiện có 4.079 tàu hoạt động ở vùng bờ, vùng lộng (vùng giữa) và vùng khơi, trong đó có 145 tàu thu mua hải sản trên biển. Dịch vụ mua bán ngay trên biển sẽ giải quyết được các vấn đề quan trọng như tàu đánh bắt không phải lo khâu bảo quản, không tốn chi phí nhiên liệu, mua đá, chạy ra vào, để tập trung khai thác. 145 tàu thu mua hải sản này đều đăng ký nghề khai thác, nhưng kết hợp làm thêm nghề thu mua khi cần.
Theo ông Én, hiện nay, khâu bảo quản trong khai thác thủy sản của nước ta chưa tốt, máy móc bảo quản sản phẩm lại có giá quá cao (400 đến 500 triệu đồng/máy) nên ngư dân không sắm nổi, chủ yếu sử dụng cách truyền thống là lấy đá lạnh xay ra muối cá để bảo quản. “Chính vì thế, cá khai thác xa bờ của nước ta vào đến bờ thì giảm 30 đến 40% chất lượng. Chỉ có tàu khai thác ven bờ có những tàu thu mua ngay trên biển, thời gian ngắn nên bảo quản được, nhưng chủ yếu là cá nục, cá cơm số lượng ít, cá nục thì bán ngay ở chợ tiêu thụ trong nước, còn cá cơm sẽ được ướp, xuất khẩu qua các nước”, ông Én nói.
Thái Thịnh