10:04, 07/04/2020

Vụ xoài ảm đạm

Những ngày này, hàng ngàn hộ trồng xoài ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) như ngồi trên đống lửa bởi xoài đã vào vụ, trái bắt đầu chín hàng loạt nhưng không thể xuất bán vì dịch Covid-19.

 

Những ngày này, hàng ngàn hộ trồng xoài ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) như ngồi trên đống lửa bởi xoài đã vào vụ, trái bắt đầu chín hàng loạt nhưng không thể xuất bán vì dịch Covid-19.


Được mùa, rớt giá


Mặt trời mới lên chếch đọt cây, trong vườn xoài Úc của gia đình ông Hàng Thanh Quang (thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân), xoài trái đã chất thành những đống lớn. Khoảng 10 người thoăn thoắt làm việc, thiếu tiếng bông đùa khiến không khí vừa khẩn trương, vừa nặng nề. Quăng vội xấp giấy báo về phía 3 người phụ nữ đang gói xoài, ông Quang thúc hối: “Mấy đứa gói cẩn thận và nhanh tay chút. Không kịp giao cho chủ vựa đóng xe là ăn cho hết. Hàng đi chậm thì vài hôm nữa là chín đỏ cây”. Nói dứt lời, ông Quang vội cầm sọt nhựa chạy đưa cho mấy thanh niên đang ngồi thu hái trên cây. Những trái xoài Úc chín đỏ hường được thẩy từ trên cao xuống liên tục. Người tung, người hứng khẩn trương, nhịp nhàng như muốn chạy đua với thời gian để sớm hoàn thành công việc. Cả khu vườn rộng 7ha với hơn 600 gốc xoài Úc, chỉ nghe tiếng rốp rốp phát ra từ những bước chân qua lại đạp lên thảm lá khô.

 

Người dân đang thu hoạch xoài Úc.

Người dân đang thu hoạch xoài Úc.


Quệt vội những giọt mồ hôi trên trán, ông Quang thở dài: “Dịch Covid-19 hoành hành, hạn chế giao thương hàng hóa qua cửa khẩu, khiến các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều dội hàng. Xoài chín đỏ cây mà năn nỉ lắm chủ vựa mới nhận nhập cho hơn một tấn”. Theo ông Quang, thị trường tiêu thụ kém khiến giá xoài giảm không phanh. Xoài Úc trước đó có giá từ 40.000 đến 60.000 đồng/kg thì hiện nay giảm chỉ còn 10.000 đến 20.000 đồng/kg. Hiện nay, gia đình ông Quang còn khoảng 10 tấn xoài đang phải neo trên cây. Để “giải cứu” vườn xoài, cứ 2 - 3 ngày, ông Quang lại ra vườn thu hái những trái già đem đến các chủ vựa gom hàng bán nội địa năn nỉ họ thu mua giúp. “Năm nay xoài được mùa, nhưng vì dịch bệnh mà giá rớt thê thảm. Bán giá thấp chúng tôi rất xót, nhưng trong tình cảnh này biết làm sao được, vớt vát được chút nào hay chút đó. Chờ hết dịch bệnh, giá tăng thì xoài đã chín rụng đầy gốc”, ông Quang buồn bã nói.

 

Lượng xoài mua vào rất hạn chế.

Lượng xoài mua vào rất hạn chế.


Nghiệt ngã thay, năm nay, hầu như xoài loại nào cũng được mùa. Năng suất cao, quả đẹp do được nắng nhưng giá cả thì “lao dốc” chưa thấy điểm dừng. Bà Nguyễn Thị Trường Đăng (thôn Cửu Lợi 2, xã Cam Hòa) cho biết, chuyện xoài rớt giá cũng là bình thường. Song, tất cả các loại xoài đều rớt sâu như năm nay thì rất hiếm. Không chỉ riêng xoài Úc, xoài cát Hòa Lộc loại 1 năm trước có giá 60.000 đến 80.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 20.000 đồng/kg. Xoài Đài Loan, xoài canh nông bán sa cạ cũng chỉ 7.000 - 8.000 đồng/kg. “Biết mất giá nhưng không bán thì biết làm gì, nó có như sản phẩm khác đâu mà bảo neo thêm vài tuần; chỉ cần quá vài ngày là chín đầy cây. Nhà có 2ha xoài, không bán kịp, chia cho cả xã ăn cũng không hết”, bà Đăng than thở.

Người thuê vườn lao đao


Xoài giá thấp, sức bán chậm khiến người dân trồng xoài không khỏi lo lắng. Nhưng, gia đình nào có đất để trồng còn đỡ, những hộ đi thuê đất để trồng thì thực sự rất bi đát. Chỉ tay về vườn xoài rộng mênh mông nằm sát phía chân núi, ông Trần Hiệp (thôn Phú Bình 2, xã Cam Tân) chép miệng, lắc đầu liên tục; mấy vườn xoài rộng cả chục héc-ta của gia đình ông coi như năm nay lỗ nặng. Phần đất của gia đình chỉ lỗ tiền công, tiền phân và thuốc bảo vệ thực vật; nặng nhất là mấy héc-ta đất vườn thuê cả trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Hiệp cho biết: “Mỗi vườn đều phải bỏ từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng để thuê. Hiện nay giá rớt khiến lỗ càng lỗ, mà tiền để đầu tư, toàn là tiền ngân hàng. Bây giờ mùa vụ vậy, tiền trả lãi còn không có huống chi trả tiền gốc”. 

 

Ông Hàng Thanh Quang cẩn thận lựa xoài trước khi bán.

Ông Hàng Thanh Quang cẩn thận lựa xoài trước khi bán.

 
Những năm gần đây, với sự “lên ngôi” của xoài Úc, rất nhiều hộ dân đi thuê vườn để trồng xoài. Để cây xoài phát triển mạnh, cho năng suất cao thì việc đầu tư trong chăm bón là rất lớn. Vì vậy, với giá bán hiện tại khiến người trồng xoài đang gần hơn với nguy cơ nợ nần. Giống như nhiều chủ vườn khác, gia đình ông Hàng Thanh Quang thuê 7ha đất trồng xoài với giá 100 triệu đồng/năm. Cộng thêm chi phí chăm sóc hơn 200 triệu đồng/năm, chưa kể công lao động thì mỗi vụ xoài gia đình ông đã phải đầu tư từ 300 triệu đồng trở lên. Có được vườn xoài 7ha, gia đình ông phải vay ngân hàng hơn 500 triệu đồng. “Đầu vụ, nhìn thấy cây xoài trĩu quả, tôi bấm bụng năm nay thắng lớn, tiền vay ngân hàng sẽ trả được phần nào. Ai ngờ dịch bệnh ập đến, thị trường tiêu thụ bị đóng băng khiến hàng chục tấn xoài của gia đình đến giờ này vẫn chưa bán được. Không biết tiền đâu để trả ngân hàng và đầu tư cho vụ tới”, ông Quang lo lắng.

Chủ vựa không dám gom hàng


Người trồng xoài đã khổ, các chủ vựa cũng không ít người lao đao vì sự thất thường của thị trường. Đi dọc Quốc lộ 1, đã có nhiều vựa phải đóng cửa vì bị lỗ nhiều chuyến. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hương - chủ vựa xoài Hương Nghĩa (thôn Cửu Lợi, xã Cam Hòa) cho biết, hơn 1 tháng nay, thị trường tiêu thụ xoài bị đóng băng do dịch bệnh Covid-19, nhất là hàng xuất sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, giá rớt liên tục nên buộc các cơ sở hạn chế thu mua của người dân. Hiện cơ sở của bà Hương chỉ thu mua với số lượng khá ít để đưa ra các tỉnh phía bắc như: Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng để bán cho người dân vào dịp rằm hoặc đầu tháng. “Những tháng trước, mỗi ngày chúng tôi thu mua trung bình khoảng 10 tấn và ngày nào cũng thu mua. Còn hiện nay, mỗi tháng chúng tôi chia làm 2 đợt, mỗi đợt 3 ngày với số lượng khoảng 3 tấn để bán trong nước”, bà Hương chia sẻ. Vừa dứt lời, điện thoại bà Hương liên tục đổ chuông, bà nói: “Đấy, các nhà vườn lại gọi điện năn nỉ thu mua xoài. Ngày nào cũng có hơn trăm cuộc điện thoại của các chủ vườn gọi tới. Nhưng vì không có nơi tiêu thụ nên chúng tôi cũng đành bó tay, nếu ôm hàng, bán không được thì ai chịu lỗ cho chúng tôi”.

 

Các vựa thu mua đóng hàng chuẩn bị xuất ra phía bắc.

Các vựa thu mua đóng hàng chuẩn bị xuất ra phía bắc.


Một số cơ sở thu mua vì muốn giữ mối với chủ vườn cũng đành bấm bụng thu mua xoài để xuất sang Trung Quốc. Bà Lê Thị Kim Loan, chủ vựa Kim Loan (thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây) tâm sự: “Nhìn xoài của các chủ vườn đến độ thu hoạch mà ai cũng xót, đã thế còn bị rớt giá. Vì vậy, mấy tháng qua, tôi cũng cố gắng thu mua để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ vì dịch bệnh bên ấy cũng giảm mạnh, cửa khẩu đã nới lỏng hơn. Mấy chuyến xe đầu, tôi đưa sang tới nơi thì chín hết nên bị thua lỗ, điều này là do thủ tục thông quan bị kéo dài khiến xoài bị chín. Rút kinh nghiệm, đợt này tôi buộc phải thuê xe đông lạnh để chở hàng qua Trung Quốc nhằm tránh xoài bị chín sớm do thủ tục thông quan kéo dài. Hiện nay, mỗi ngày tôi thu mua khoảng 10 tấn, giảm hơn so với những năm trước. Chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để những người nông dân bớt khổ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Diệp Thế Thanh - Chủ tịch Hội Người trồng xoài Cam Lâm cho biết, hiện nay, toàn huyện có hơn 500ha xoài, trong đó hơn 400ha xoài Úc với sản lượng khoảng 700 tấn. Hiện xoài đang vào chính vụ, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ bị ngưng trệ khiến trái xoài khó xuất bán. Đã vậy, chưa có năm nào giá xoài bị rớt một cách kỷ lục như năm nay, khiến hàng trăm chủ vườn cầm chắc thua lỗ. Hội cũng đã và đang kiến nghị với các ngành chức năng, địa phương kiến nghị với tỉnh, Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho người trồng xoài ở Cam Lâm; kiến nghị các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giảm lãi cho người vay. Về lâu dài, các ngành chức năng, địa phương cần có giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ trái xoài ra nhiều nước trên thế giới. Lâu nay, chúng ta phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc nên người trồng xoài thực sự rất bấp bênh.


Trên đường từ Cam Lâm về Nha Trang, đi qua Khu Công nghiệp Suối Dầu, nhìn hàng loạt nhà máy đang hoạt động bên cạnh các vườn xoài bát ngát mà lòng chợt thầm ước nơi đây có một nhà máy chế biến các sản phẩm từ xoài. Khi đó, chắc hẳn người nông dân sẽ bớt khổ, bớt bị động trước thị trường. Công nghệ sau thu hoạch nếu áp dụng thì điệp khúc “được mùa, mất giá” sẽ hiếm được nhắc tới. Người nông dân lúc đó sẽ tự tin, chủ động làm giàu trên mảnh đất của mình.


VĂN GIANG - ĐÌNH LÂM