Sông Cái là nguồn cung cấp nước chính cho người dân TP. Nha Trang và các huyện Cam Lâm, Diên Khánh. Thời gian qua, nguồn nước dòng sông đang có nguy cơ ô nhiễm trầm trọng do các nguồn xả thải từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi… từ thượng nguồn.
Sông Cái là nguồn cung cấp nước chính cho người dân TP. Nha Trang và các huyện Cam Lâm, Diên Khánh. Thời gian qua, nguồn nước dòng sông đang có nguy cơ ô nhiễm trầm trọng do các nguồn xả thải từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi… từ thượng nguồn.
Tất cả đều xuống sông
Một trưa cuối tuần, chúng tôi đến khu vực bờ kè dọc bờ bắc sông Cái, thuộc tổ dân phố Phú Lộc Đông 2, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh. Dù còn cách khá xa con mương thoát nước chảy qua bàu Gáo trước khi đổ xuống sông Cái, nhưng chúng tôi đã cảm thấy mùi hôi nồng nặc lan tỏa theo từng cơn gió nồm. Tại họng cống đổ ra sông Cái, dòng nước đen ngòm, đặc quánh và bốc mùi hôi thối kinh khủng. Lần về phía thượng nguồn con mương, rồi đến khu dân cư thuộc tổ dân phố Phú Lộc Đông 2, càng thấu hiểu nỗi khổ của người dân nơi đây khi phải chịu đựng cảnh ô nhiễm suốt nhiều năm qua. “Nhà tôi cách mương thoát nước hơn 100m mà còn phải đóng cửa suốt ngày để hạn chế mùi hôi. Khổ sở vì phải sống chung với môi trường ô nhiễm, lo ngại cho nguồn nước sông Cái, thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương về việc các cơ sở làm bún, các đối tượng chở nước thải đến đổ vào con mương, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn”, một người dân trong khu vực cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn nước thải ô nhiễm đổ ra con mương thoát nước này chủ yếu từ các cơ sở sản xuất bún trên địa bàn tổ dân phố Phú Lộc Đông 2. Không những vậy, vào ban đêm, một số đối tượng trên địa bàn còn thường xuyên dùng xe chở nước thải từ nơi khác đến đổ trộm vào con mương này khiến dòng nước chảy xuống sông Cái càng thêm ô nhiễm.
Rời thị trấn Diên Khánh hướng về thượng nguồn sông Cái, chúng tôi đến khu vực chăn nuôi heo tập trung ở thôn Thượng, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, nơi được cho là một trong những nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm dòng nước sông Cái. Những ngọn đồi ở phía bắc và phía tây thôn Thượng hiện có 4 trang trại nuôi heo với quy mô rất lớn. Phía dưới các ngọn đồi này là khu vực thung lũng rộng lớn, kéo dài khoảng 1.000m theo hướng đông tây, một phía giáp khu dân cư. Trước đây, thung lũng này là những ruộng lúa, vườn rau, ao sen được người dân trồng trọt quanh năm, nhưng hiện nay gần như toàn bộ đã bị bỏ hoang và người dân gọi là “thung lũng chết”. Bởi lẽ, toàn bộ khu vực này đã thành nơi chứa chất thải từ các trang trại heo, với độ sâu có chỗ hơn cả mét. Điều đáng nói, phía đông nam của thung lũng này cũng có một con mương chảy qua khu dân cư trước khi đổ ra sông Cái. Theo lời những người dân sống ở đây, dù các trang trại heo cách xa sông Cái khoảng 1km, nguồn nước thải từ đây vẫn có thể gây ô nhiễm cho nguồn nước dòng sông Cái nếu có mưa hay lưu lượng xả lớn.
Nguy cơ ô nhiễm nước sinh hoạt
Trên chiếc cano đưa chúng tôi ngược dòng sông Cái đi mục sở thị những điểm xả thải của các cơ sở sản xuất bún, ông Vũ Văn Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa cho biết, cực chẳng đã, công ty mới phải sắm một chiếc cano để tuần tra, phát hiện các nguồn xả thải gây ô nhiễm nước sông Cái. Lý do là chỉ có nhìn từ phía sông lên mới thấy được những điểm xả bị khuất lấp bởi bụi cây. Nhờ đó, công ty đã phát hiện nhiều địa điểm xả thải có thể gây ô nhiễm nguồn nước sông Cái.
Theo ông Bình, hiện nay, các nhà máy nước của công ty sử dụng nguồn nước từ sông Cái, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho hơn 600.000 dân các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, TP. Nha Trang. Nếu nguồn nước thô đầu vào bị ô nhiễm, công ty sẽ phải tốn thêm nhiều quy trình, chi phí để xử lý. Đặc biệt, vào mùa khô hạn, khi lưu lượng nước trên sông ít, chất lượng nước thô sẽ càng thấp. Thời gian qua, công ty đã nỗ lực tăng cường bảo vệ nguồn nước bằng nhiều cách như làm phao ngăn dầu, đắp đập ngăn mặn. Thậm chí, để đề phòng gây ô nhiễm nguồn nước, công ty còn phải kết nối với người dân xung quanh các cơ sở xả thải để kịp thời nắm bắt, ứng phó khi xảy ra tình trạng xả thải ra sông Cái.
“Tuy nhiên, những phương án chúng tôi thực hiện chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề. Cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn, tuyên truyền mạnh hơn để người dân nâng cao ý thức, vì đây là nguồn nước hàng ngày mà mọi người dùng để sinh hoạt”, ông Bình chia sẻ.
Cần quyết liệt hơn
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh cũng thừa nhận, việc xả thải từ các cơ sở sản xuất bún tại thị trấn Diên Khánh là nỗi bức xúc của người dân và địa phương trong thời gian qua. Dù đã yêu cầu ký cam kết, nhưng dường như các hộ sản xuất này vẫn không tuân thủ mà lén đấu nối, xả chất thải ra cống thoát nước chảy ra sông Cái.
Ông Võ Thành Nhân - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh cho biết, việc ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất bún là có, tuy nhiên, vì đây là nghề lâu năm của các gia đình, nên để bắt buộc chấm dứt hoạt động là điều rất khó. Vừa qua, UBND huyện đã phối hợp, chủ trì kiểm tra thực tế tình trạng này. Qua đó, đã giao UBND thị trấn Diên Khánh lập biên bản cam kết, yêu cầu các cơ sở sản xuất bún không xả nước thải ra hệ thống thoát nước mặt khu tái định cư Phú Lộc Đông 2; chỉ đạo lực lượng công an kiểm tra, xử lý các xe hút hầm đổ trộm nước thải sản xuất bún ra cống thoát nước nối từ khu tái định cư bàu Gáo ra sông Cái. Giao phòng Quản lý đô thị lập dự toán nạo vét hệ thống mương, kiểm tra, bít lại toàn bộ các đường ống thải của các hộ dân đấu nối vào đường Lý Thái Tổ và hệ thống thoát nước mặt khu tái định cư Phú Lộc Đông 2.
Đối với cơ sở chăn nuôi heo tại xã Diên Lâm, ông Nhân cho biết, tại thời điểm kiểm tra, tại đây chưa có việc xả thải có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Cái. Vì vậy, đơn vị đã giao UBND xã theo dõi, kiểm tra thường xuyên.
Thực tế, từ thượng nguồn đến Nhà máy nước Võ Cạnh (thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung), Nhà máy nước Xuân Phong (thôn Phú Bình, xã Vĩnh Thạnh), thuộc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa, dòng sông Cái đã đi qua nhiều vùng đất với hàng vạn hộ dân sinh sống, sản xuất nên không thể tránh khỏi những nguồn gây ô nhiễm. Những thủ phạm đã được nêu đích danh trên, dù sao cũng không phải là duy nhất. Chắc chắn, trên mọi nẻo đường mà dòng sông đi qua, hẳn còn những nguy cơ ô nhiễm mà chúng ta có thể không cảm thấy rõ rệt. Đó có thể là chai thuốc trừ sâu của những người nông dân quăng ra, cũng có thể là nước thải của quá trình sản xuất với vô vàn các chất hóa học chưa qua xử lý đang âm thầm ngày đêm chảy vào dòng sông… Dù ít hoặc có vẻ vô hại, nhưng về lâu dài, những thủ phạm này có thể dần bóp nghẹt và đầu độc dòng sông để cuối cùng ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người dân nếu chúng ta không sớm hành động. Vì môi trường bền vững, vì sức khỏe cộng đồng, xin đừng đầu độc dòng sông.
V.T - T.A