Chiều 16-9, Sở Du lịch tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp du lịch lần thứ 2 năm 2019. Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp phản ánh tình trạng kinh doanh lưu trú gặp nhiều khó khăn, đề nghị quan tâm hơn đến công tác xúc tiến du lịch, đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động du lịch…
Chiều 16-9, Sở Du lịch tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) du lịch lần thứ 2 năm 2019. Tại hội nghị, đại diện các DN phản ánh tình trạng kinh doanh lưu trú gặp nhiều khó khăn, đề nghị quan tâm hơn đến công tác xúc tiến du lịch, đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động du lịch…
Khách tăng nhưng khách sạn kêu khó
Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng quản lý khách sạn Rosaka phản ánh, thời gian gần đây, do lượng phòng lưu trú tại Khánh Hòa tăng nhanh nên việc kinh doanh dịch vụ lưu trú gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở kinh doanh lưu trú bị DN lữ hành ép giá, nhất là DN kinh doanh lữ hành dành cho khách Trung Quốc. Nhiều khách sạn mới ra đời hạ giá xuống thấp để giành khách… khiến tình hình kinh doanh lưu trú rất bất ổn. Hiện nay, việc thu hút khách nội địa cũng rất khó khăn, bởi du khách cứ mặc định giá phòng ở Nha Trang cao nên không muốn đến.
Ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ những khó khăn của DN, đồng thời bày tỏ băn khoăn khi nghe các khách sạn phản ánh “lượng khách lưu trú sụt giảm quá nhiều”. Ông Trung nói: “Thống kê cho thấy, lượng khách du lịch đến Khánh Hòa vẫn tăng trưởng khá tốt; qua theo dõi, công suất phòng các khách sạn 3 sao trở lên đạt đến 68%, nhưng DN vẫn kêu ca!?”.
Liên quan đến việc các khách sạn cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá phòng, ông Trần Việt Trung cho biết, cơ quan quản lý nhà nước không thể áp đặt giá phòng cho các khách sạn. Nếu muốn có một mức giá sàn, các DN phải ngồi lại với nhau bàn thảo, xây dựng mức giá chung (cơ bản) dưới sự chủ trì của Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Du lịch đề nghị các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch cần thực hiện nghiêm túc các quy định trong kinh doanh lưu trú du lịch, quảng cáo đúng hạng sao. Sắp tới, sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện các DN quảng cáo không đúng hạng sao, cắt giảm lao động, không đảm bảo chất lượng như quy định sẽ xử lý nghiêm.
Liên quan lĩnh vực lưu trú, Thượng tá Phạm Chí Hải - Phó Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh đề nghị các DN thực hiện nghiêm túc các quy định về kinh doanh lưu trú du lịch. Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn đi vào hoạt động, khai báo khách không đầy đủ… gây khó khăn cho công tác quản lý.
Xúc tiến du lịch còn rời rạc
Nhiều DN cho rằng, thời gian gần đây, nhờ có các đường bay thẳng nên khách quốc tế đến Khánh Hòa đa dạng hơn. Nhờ đó, các công ty lữ hành cũng mở các tour du lịch đưa khách đi nước ngoài, tạo đối trọng khách vào, ra cho các hãng hàng không duy trì đường bay. Tuy nhiên, ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú cho rằng, công tác xúc tiến du lịch của Khánh Hòa còn khá bị động, thường đi sau khi có đường bay của các hãng hàng không. Ông đề nghị, ngành Du lịch nên nghiên cứu tổ chức công tác xúc tiến trước, sau đó mới đề nghị hàng không mở đường bay theo định hướng của ngành. Bên cạnh đó, các ngành cũng nên hỗ trợ DN tổ chức các tour bằng máy bay charter, bởi các tour charter rất tốn kém...
Trả lời ý kiến trên, ông Trần Việt Trung thừa nhận, việc xúc tiến thị trường du lịch của Khánh Hòa đã tốt hơn trước nhưng vẫn còn khá rời rạc, thiếu sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với DN. Nhiều lần sở mời nhưng DN không hưởng ứng. Ông Trung đề nghị, Hiệp hội Du lịch và cộng đồng DN du lịch cần phối hợp với Sở Du lịch để làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quang Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Tictours phản ánh, hiện nay, việc khai thác thị trường khách đi ra nước ngoài (outbound) rất sôi động. Nhiều đơn vị không có giấy phép lữ hành quốc tế vẫn đứng ra bán tour, nhận khách, điều này rất nguy hiểm. “Chúng tôi mong sở tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị làm tour outbound, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh cũng như quyền lợi cho khách hàng. Bởi nếu không làm nghiêm, khi xảy ra sự cố, hậu quả sẽ rất khó lường”, ông Thắng nói. Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Sở Du lịch đề nghị, Hiệp hội Du lịch, các DN phát hiện các đơn vị có dấu hiệu sai phạm báo ngay cho Sở Du lịch để kiểm tra xử lý.
Kết luận hội nghị, ông Trần Việt Trung đề nghị, các DN kinh doanh du lịch cần tôn trọng các quy định của pháp luật, cùng nhau xây dựng môi trường du lịch tốt. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cần kiện toàn lại bộ máy, hoạt động có hiệu quả hơn, phối hợp với Sở Du lịch để ngành Du lịch Khánh Hòa ngày càng phát triển bền vững.
XUÂN THÀNH
Theo ước tính của Sở Du lịch, 8 tháng năm 2019, toàn tỉnh đón hơn 5 triệu lượt khách lưu trú, tăng hơn 14,2% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó có hơn 2,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 32,2%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 770 cơ sở lưu trú với hơn 42.500 phòng. Doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch ước đạt 18.293 tỷ đồng, tăng 25,2%. Tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 29.379,8 tỷ đồng, tăng 33,54%.
Tại hội nghị, ông Bùi Minh Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Phương Thắng phản ánh, hiện nay, ở Nha Trang xuất hiện một nhóm xã hội đen “yêu cầu” các công ty lữ hành đưa khách đến các nhà hàng, cơ sở mua sắm do nhóm này chỉ định. Vì lý do này, nhiều DN du lịch ở TP. Hồ Chí Minh không muốn đưa khách nội địa đến Nha Trang.
Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, đã nhận được đơn tập thể của các DN phản ánh tình trạng nói trên. Đại diện Công an tỉnh cũng ghi nhận vấn đề này để báo cáo ban giám đốc có phương án kiểm tra, xử lý.