Hiện nay, những già làng, trưởng bản không còn là những vị thủ lĩnh của dân làng theo kiểu cộng đồng dân tộc khép kín, mà phải là chiếc cầu nối giữa dân làng với thế giới xung quanh.
Hiện nay, những già làng, trưởng bản không còn là những vị thủ lĩnh của dân làng theo kiểu cộng đồng dân tộc khép kín, mà phải là chiếc cầu nối giữa dân làng với thế giới xung quanh.
Vác tù và hàng tổng
Vào một ngày đầu tháng 11, chúng tôi có mặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm. Ngay từ đầu ngõ, chúng tôi bị cuốn theo không khí rộn ràng của tiếng chiêng, tiếng mã la, tiếng hò reo vui của người dân khi tham gia các trò chơi dân gian hưởng ứng ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc do thôn tổ chức. Bên trong nhà sinh hoạt, nhiều người dân chăm chú lắng nghe và làm theo hướng dẫn của ông Hà Văn Xuân - người dân tộc Raglai, Trưởng thôn Suối Lau 2. Bên ché rượu cần và tiếng mã la vang vọng, gương mặt ông Xuân và những người già ở thôn ánh lên niềm vui, niềm tự hào khi thấy những giá trị văn hóa của dân tộc vẫn được lớp thanh niên giữ gìn.
Hơn 10 năm nay, ông Xuân được người dân bầu chọn là người có uy tín bởi ông nuôi dạy con nên người, học hành đến nơi đến chốn. Ở thôn, mỗi khi có vụ việc gì xảy ra, từ những chuyện nhỏ nhặt như: vợ chồng kình cãi, con cái hỗn hào, bỏ học đến những chuyện to hơn như: xích mích, tranh chấp đất đai giữa các nhà dân… ông Xuân đều có mặt đầu tiên để hòa giải. Bằng uy tín và hiểu biết của mình, ông nhẹ nhàng phân tích cho họ thấy được cái đúng, cái sai. Nhờ đó, nhiều mâu thuẫn được giải quyết êm xuôi mà không cần chuyển lên cấp xã.
Ông Cao Tý - dân tộc Raglai, người dân thôn Suối Lau 2 kể, cách đây 3 năm, gia đình ông với gia đình ông Cao Minh Hành có tranh chấp làn ranh đất rẫy. Hai gia đình không ai chịu nhường, lớn tiếng cãi vã và còn mang rựa chuẩn bị đánh nhau để phân thắng thua. Nghe tin, dù giữa trưa ông Xuân có mặt, phân tích cho họ thấy cái sai trong việc tranh chấp. “Ông Xuân chỉ cho chúng tôi thấy việc tranh chấp đất chẳng được lợi ích gì mấy, ngược lại mất đi tình làng nghĩa xóm, nếu xảy ra đánh nhau có thể người bị phạt tù, người bị thương… Nhờ vậy, 2 gia đình mới nhận thấy được cái sai, tự nguyện phân lại ranh giới. Bây giờ sống rất hòa thuận”, ông Cao Tý nói.
Bên cạnh việc làm tốt công tác hòa giải, ông Xuân còn phối hợp với chính quyền vận động, tuyên truyền cho người dân tộc thiểu số (DTTS) ở thôn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bỏ những hủ tục xấu… Đi cùng đó, nhận thức được việc sinh nhiều con làm tăng cái đói, cái nghèo, ông Xuân còn tự nguyện đi triệt sản, thông qua đó vận động người dân trong thôn thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. 10 năm qua, ông Xuân đã vận động được hơn 30 người đàn ông trong thôn đi triệt sản, tuyên truyền các biện pháp tránh thai cho nhiều cặp vợ chồng. Nhờ đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở thôn giảm gần một nửa so với trước.
Tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân
Gần 70 tuổi, nhưng già làng Mang Lú - thôn Sông Cạn Đông, xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh vẫn rắn chắc, khỏe mạnh. Ông được người dân trong thôn rất quý mến. Bên cạnh giáo dục tốt con cái trong gia đình, xông xáo giải quyết mọi việc của thôn, già làng Mang Lú còn luôn trăn trở làm cách nào giúp người dân ở thôn thoát nghèo. Thông qua các lớp tập huấn, trong các buổi tuyên truyền, ông luôn lồng ghép, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế bền vững. Nhờ sự bền bỉ của ông, đến nay trong thôn đã có 4 hộ gia đình chuyển đổi mô hình cây trồng.
Ông Mang Tuấn - người dân ở thôn hồ hởi khoe: “Nhờ được già làng Mang Lú tuyên truyền, năm 2016 gia đình tôi chuyển đổi gần 4 sào đất trồng bắp, mì sang trồng 86 gốc xoài Úc. Năm nay có 2 cây cho quả, bán được 2,4 triệu đồng. Theo đà này, năm sau nhiều cây cho ra quả, tiền thu được sẽ nhiều hơn. Trồng cây dài ngày, nguồn thu ổn định hơn các loại cây ngắn ngày, giúp gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Tại buổi tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho những người có uy tín trong đồng bào DTTS, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá: “Thành công chung của tỉnh những năm qua có sự đóng góp không nhỏ của các vị già làng, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS. Hơn thế những người có uy tín còn phát huy tốt vai trò tham mưu cho tỉnh trong việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS miền núi; quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động cho mọi người dân thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020; tuyên truyền, vận động mọi người dân hiểu và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước…”. |
Tại thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh, khi nhắc đến già làng Hà Xiêng - người dân tộc T’rin thì ai cũng biết, nhất là các em học sinh. Dù đặt cho ông biệt danh khó tính, nhưng khi nhắc về ông, các em học sinh của thôn luôn dành cho ông lòng kính trọng. Bởi khi hết công việc nương rẫy, về thôn việc đầu tiên của ông tới từng nhà tuyên truyền, căn dặn, khuyến khích con cháu phải nỗ lực cố gắng, không được bỏ học, rồi mới tuyên truyền đến vấn đề khác. Hỏi chuyện, ông Hà Xiêng cho biết: “Thời của chúng tôi không có cái chữ nên nghèo khổ mãi. Giờ với tôi, chuyện học của con cháu là rất quan trọng. Có kiến thức, các cháu mới giúp người dân trong thôn thoát nghèo”. Nhờ thế đến nay, trong thôn có nhiều em đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề…
Theo ông Trần Minh Thuận - Trưởng phòng Dân tộc huyện Khánh Vĩnh, toàn huyện có 39 người DTTS được bầu chọn là những người có uy tín. Ngoài việc tuyên truyền vận động, những người có uy tín còn giữ vai trò quan trọng, là tấm gương trong việc hướng dẫn người dân cách làm kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, văn hóa dân tộc... Từ đó, nhiều hộ đồng bào DTTS đã thoát nghèo, đời sống từng bước cải thiện. Năm 2017, thu nhập bình quân đạt trên 16,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 53,58%; tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa chiếm trên 83%; tỷ lệ thôn, tổ đạt chuẩn làng văn hóa chiếm trên 74%.
Khánh Hòa hiện có 33 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 71.581 người DTTS. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm xây dựng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS, từ đó phát huy vai trò của người có uy tín trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 92 người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; trong đó có 29 vị già làng.
Chia tay với những già làng, chúng tôi ra về mang theo nỗi niềm đau đáu của họ. Đó là dù nỗ lực nhiều nhưng họ vẫn trăn trở khi chưa giải quyết được tình trạng bỏ học, tảo hôn… của người DTTS, nhất là thay đổi suy nghĩ của người DTTS trong việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế bền vững.
LY VÂN