Khi rẫy mía Diên Đồng (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đến kỳ thu hoạch, những thợ chặt mía về dựng lều làm thuê. Mía hết, họ lại đến xứ đồng khác. Cứ thế, quanh năm họ gắn với rẫy mía.
Khi rẫy mía Diên Đồng (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đến kỳ thu hoạch, những thợ chặt mía về dựng lều làm thuê. Mía hết, họ lại đến xứ đồng khác. Cứ thế, quanh năm họ gắn với rẫy mía.
Mặn chát mồ hôi
11 giờ. Cánh đồng mía xã Diên Đồng nóng rẫy trong cái nắng chát chúa. Bà Nguyễn Thị Bảy (thôn 5) hối hả phát mía, cặm cụi gom những bó cuối cùng trước khi nghỉ trưa. “Chặt mía vất vả lắm. Mỗi ngày, một lao động nữ chặt giỏi được 150 - 200 bó (12 cây/bó). Người mới làm chưa quen chịu nắng, có khi choáng váng, ngất xỉu ngoài ruộng”, bà Bảy nói.
Chu trình làm việc của thợ chặt mía gần như cố định. 4 giờ sáng, họ tỉnh giấc, vội vã nấu cơm, ăn sáng, chuẩn bị thức ăn, nước uống trong ngày. 5 giờ, tất cả đã có mặt trên rẫy và bắt đầu phơi mình chặt, bó mía. Buổi trưa, họ chỉ nghỉ chừng 1 giờ rồi lại tiếp tục công việc đến chiều tối. Với hơn chục năm kinh nghiệm, ông Cao Là Nguyên (xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh) được nhiều tay thợ đánh giá là chặt mía dẻo dai, thuần thục. Cái nắng như rang trên rẫy cũng khó “hạ gục” người đàn ông Raglai này. Hết vụ mía, ông lại đi trồng rừng thuê. Mỗi ngày, ông có thể chặt được 400 bó, thêm công của vợ, hai vợ chồng đủ sống. Với tiền công 1.300 đồng/bó, mỗi ngày, người khỏe có thể thu 400.000 - 500.000 đồng, người yếu chỉ được vài chục ngàn đồng.
Nhưng để có khoản thu nhập đó, thợ chặt mía phải có sức khỏe tốt, bởi với hàng chục giờ dãi nắng trên rẫy, người yếu khó trụ nổi. Cũng có người chịu được nắng nhưng lại không chịu được sự ngứa ngáy do lông mía rụng, kiến đen chích hoặc cảm giác đau rát do lá mía cứa. Mấy năm trước, thôn ông Nguyên có một số người ra Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa) chặt mía thuê nhưng phải bỏ về vì không chịu được lông mía. Năm đầu tiên, ông Nguyên cũng bị dị ứng. Sau 1 - 2 tháng cố chịu đựng, bao kín chân tay để hạn chế tiếp xúc lông mía, ông mới quen dần. Ông cũng nghiệm ra, trời nắng to, lông mía khô, rụng nhiều hơn. Vì vậy, ông thường nghỉ trưa sớm để tránh nắng, tránh lông mía rụng, rồi chặt bù vào sáng sớm và chiều tối. Không chỉ nắng rát, dị ứng, thợ chặt mía cũng rất vất vả khi chặt mía sau mưa. Lúc đó, nắng vừa lên, mặt đất vẫn sình, xe chở mía không thể tiếp cận ruộng. Thợ chặt mía phải trầy trật đi lại trên mặt rẫy trơn trượt, chặt, vác mía lên xe cọc cạch để tăng bo ra đường lớn, rất cực.
Cuộc sống “du mục”
Mưu sinh từ rẫy mía, ngoài lao động địa phương, ở Diên Đồng còn có nhiều thợ chặt mía cùng gia đình từ nơi khác tới tạm cư. Được chủ thuê cấp bạt, dây, họ tự chặt cây, dựng lều ngay trên khu đất vườn, đất rẫy của người chủ. Chỉ sau 1 ngày, vài chục túp lều nhỏ nóc bạt xanh biếc đặc trưng đã mọc lên. Đây là nơi che nắng trú mưa của thợ chặt mía suốt 4 - 5 tháng. Hết vụ thu hoạch, họ lại dời đi nơi khác, tiếp tục dựng lều, làm thuê. Lều của thợ chặt mía được chia làm 2 loại. Một loại có hình hộp, quây bạt kín 3 vách, bên trong có chiếc giường được ghép từ những thân cây nhỏ, dành cho trẻ em, hoặc nhà có con nhỏ. Loại thứ hai chỉ vắt bạt phủ qua thân cây bắc ngang đầu, bên trong mắc võng, dành cho đàn ông ngả lưng. Chiếc lều sơ sài này có thể mắc dăm ba chiếc võng. Khu lều tuy nhỏ nhưng chẳng khác gì khu dân cư thu nhỏ, cũng có nơi nghỉ, bếp nấu, thậm chí cả chuồng quây nuôi heo.
Gần 12 giờ, trong khu lều của thợ chặt mía thuê cho vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Hảo - Lê Thị Hồng Hiền (thôn 2), ông Cao Xuân Huynh (60 tuổi, Khánh Trung, Khánh Vĩnh) vẫn cố nằm yên trên võng để cháu nội 13 tháng tuổi được ngủ trọn giấc trên bụng. Ông cười hiền: “Tôi và cha mẹ thằng cu này đã chặt mía thuê nhiều năm. Năm nay, chúng có thêm thằng cu, tôi cũng yếu rồi, nên nhận trông cháu. Cha mẹ thằng cu này dựng lều, đóng giường nhưng nó chẳng chịu nằm, đêm bám riết ngủ cùng tôi bởi 3 - 4 giờ sáng cha mẹ đã ra rẫy. Chuyện ăn ngủ của tôi bây giờ phụ thuộc thằng cu này. Khi nào nó dậy, hai ông cháu mới chụm củi nấu ăn”. Bữa cơm của hai ông cháu cũng chỉ có chút cá nấu lõng bõng nước chan cơm. Ở khu lều này, ngoài ông Huynh trông cháu, những nhà khác đều phải để đứa lớn trông đứa bé. Không hiếm cảnh anh dỗ em không được, cáu gắt; em bé nhớ mẹ, khóc không dừng.
Ông Hảo cho biết, mấy năm trước, ông thuê khoảng 200 lao động, dựng 30 - 40 lán. Năm nay, ông thuê 60 người ở dài ngày và 20 người đi về trong ngày, dựng hơn 20 lán. Toàn bộ vườn xoài được dành chỗ cho thợ chặt mía dựng lều. Do cơn bão năm trước đã đốn sạch vườn xoài nên vụ này, thợ chặt mía phải chịu nóng. Tuy nhiên, ở đây vẫn đỡ khó khăn bởi gần nhà, ông có thể kéo điện xuống khu lều, cho thợ mượn quạt, dẫn nước máy xài chung. Gian nan nhất là khi kết thúc mùa mía ở Khánh Hòa, ông cùng tốp thợ đi Bình Thuận, Đồng Nai… làm. Mấy chục người dựng lều trên rẫy, xa khu dân cư, không có điện, rất cực. Chặt mía về, họ phải lo nấu ăn, quạt điện không có, nước máy khan hiếm, ban ngày chui vào lều nóng hầm hập, ban đêm chỉ leo lét ngọn đèn dầu.
Trăn trở
Với tổng diện tích 32ha vừa nhà trồng vừa đầu tư ngoài, từ trước vụ thu hoạch, ông Nguyễn Thới Tùng Thiện (thôn 4) đã lo thuê 20 người ở Cầu Bà (Khánh Vĩnh). Ngoài tiền công, ông còn hỗ trợ thợ chặt mía tiền xăng xe, dựng lán, tiền ăn khi tạm ngưng chặt. Nhờ vậy, việc thu hoạch kịp thời vụ. Tuy nhiên, lúc hết vụ, để giữ người, nếu thợ cần tiền, ông phải ứng trước rồi trừ dần công vào mùa sau. Tiền ứng mỗi mùa cũng tới 200 triệu đồng. Nhưng ứng rồi, có khi gọi thợ chẳng xuống, lên nhà tìm cũng không gặp. Ông Hảo - người chuyên dẫn quân đi chặt mía thuê cũng thừa nhận, hễ thợ gọi điện thoại báo nhà có người bệnh, sinh con, đám cưới…, ông đều ứng tiền. Ông lo nhất khi phải tạm ngưng chặt lâu trong khi tiền công đã ứng, bởi khi thợ bỏ về quê, lúc cần gọi chặt mía trở lại, nếu họ không xuống liền, ông chẳng biết nói sao với chủ rẫy. Về chuyện sinh hoạt cực khổ khi sang tỉnh khác, ông cũng ăn ở cùng lều, chịu cực như họ. Con ông cũng chịu thiệt thòi vì cha mẹ đi làm ăn xa, phải gửi ông bà.
Còn thợ chặt mía lại có trăn trở khác. Bà Vũ Thị Thu Tâm (thôn 4) có chồng đau bệnh, đi chặt mía vẫn canh cánh đứa con tật nguyền ở nhà. Cũng vì mưu sinh, vợ ông Cao Văn Thai (Khánh Trung) dù mang bầu đứa con thứ 6 vẫn xuống Diên Đồng nấu cơm cho chồng chặt mía thuê. Tháng vừa rồi, đang đêm, bà đau bụng, phải vội tới trạm xá. Hiện giờ, vợ ông Thai đã nằm cữ ở nhà, ông và 1 đứa con vẫn tiếp tục bám rẫy mía kiếm tiền. Vợ chồng bà Cao Thị Được (Khánh Trung) không có rẫy, quanh năm phải đưa 5 con đi chặt mía thuê. Giờ 2 đứa đã lớn, một đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, một cũng đi chặt mía thuê ở Ninh Hòa. Ở nhà chỉ còn một đứa đang học lớp 5; đứa học lớp 6 đã bỏ học, theo cha mẹ xuống rẫy chăm em. Cũng vì vất vả nên em Cao Xuân Kỵ (Khánh Trung) trông chỉ như đứa nhỏ 10 tuổi, dù đã ở tuổi 15. Bỏ học giữa chừng, giờ Kỵ ở khu lều, lo kiếm củi nấu cơm, chăm cháu, nuôi heo…
Nhưng trăn trở lớn nhất có lẽ từ tâm sự của trẻ nhỏ. Nghỉ học để theo cha mẹ, tuy Cao Phạm Tuấn Tú (Khánh Trung) được chơi thỏa thích, nhưng em lại thích học hơn. “Hồi trước, con học giỏi lắm, nhưng phải nghỉ học...”, Tú bỏ lửng câu nói. Còn cậu em trai Cao Phạm Tuấn Bành hồn nhiên: “Con đã xin cô cho nghỉ học đi với cha mẹ, nhưng con thích đi học hơn. Con nghỉ học lâu rồi nhưng vẫn nhớ chữ”. Em Nguyễn Thị Hồng Ngân - 12 tuổi, con gái ông Hảo cho biết: “Con thường chơi với mấy em trong khu lều. Lâu lâu, đi học về, con lại mang truyện đọc cho mấy đứa, tụi nó thích lắm”. Nghe con trẻ nói, mấy thợ chặt mía bận bịu với việc mưu sinh chỉ biết cười khẽ.
Ông Hoàng Kỳ Vũ - Chủ tịch UBND xã Diên Đồng chia sẻ, cứ vào cuối năm, lượng người chặt mía thuê từ nơi khác đến đăng ký tạm trú trên địa bàn tăng cao. Cao điểm, xã có khoảng 200 lao động tới. UBND xã đã chỉ đạo công an xã tạo điều kiện thuận lợi cho thợ chặt mía thuê được đăng ký tạm trú và lập danh sách quản lý. Nhìn chung, tình hình an ninh trật tự tại các khu vực tập trung người làm thuê ổn định. Việc trẻ em bỏ học vì theo cha mẹ mưu sinh vượt quá tầm của địa phương.
THIỀU HOA - LƯU KHÁNH