12:03, 07/03/2018

Giữ cho đảo sạch

Ngày nào cũng vậy, dù biển lặng hay giông gió, tờ mờ sáng, các công nhân môi trường đã theo ghe ra đảo để gom rác ở từng con hẻm cheo leo, cặm cụi vớt rác trôi nổi gần bờ. Công việc đó, không phải ai cũng làm được.

Ngày nào cũng vậy, dù biển lặng hay giông gió, tờ mờ sáng, các công nhân môi trường đã theo ghe ra đảo để gom rác ở từng con hẻm cheo leo, cặm cụi vớt rác trôi nổi gần bờ. Công việc đó, không phải ai cũng làm được.


Theo ghe đi gom rác


4 giờ 30 sáng, trời còn tối mịt, bến cảng Cầu Đá xao xác gió lạnh. Các công nhân thuộc Tổ 4, Đội Môi trường 3, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang đã có mặt tại cầu tàu để ra đảo dọn rác. Qua ánh sáng của những chiếc đèn pin, chỉ một lát, các anh đã chuyển xong hơn ba chục chiếc thùng rỗng xuống kín lòng ghe. “Ở đảo, đường đi chật hẹp, nhiều hẻm nhỏ ngoắt ngoéo, sử dụng xe rác chuyên dụng gom rác khó hơn kéo bằng thùng. Rác trôi nổi trên biển  thì chỉ thùng nhựa mới chịu được độ mặn”, một công nhân giải thích. Ghe nổ máy, bụi nước táp lên mặt, mùi hôi từ những thùng rác cũng theo gió bốc lên. Anh Nguyễn Khắc Tân - Tổ trưởng Tổ 4 nói to, cố át tiếng nổ giòn giã của máy ghe: “Hôm nào sóng to, anh em bị tạt ướt hết, lại bị ghe nhồi lên xuống, tới đảo là mệt phờ”.

 

Chuyển rác lên xe.

Chuyển rác lên xe.


30 phút sau, ghe cập đảo Trí Nguyên, đưa một số công nhân lên đảo, số còn lại đi tiếp ra đảo khác. Đảo Trí Nguyên như còn chưa tỉnh giấc hẳn. Khu chợ bên cầu tàu đã lục tục người dọn hàng quán, nhưng trong các con hẻm tối hun hút, nhà nhà vẫn im lìm say giấc. Các công nhân bắt tay ngay vào việc. Mỗi người kéo một thùng rỗng, bủa ra khắp các con hẻm, thu gom từ điểm tận cùng của hẻm trở về cầu cảng.  


Kéo thùng lên điểm cao nhất của con hẻm chạy từ núi xuống, anh Tân lùa chổi trên từng bậc thang và cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ gom rác ở đảo, nhưng lâu nay vẫn phải quét dọn, nhắc nhở, vận động người dân, bởi nhiều người dân vẫn còn xả rác xuống biển, hoặc quăng góc núi. Vì vậy, thời gian làm bị kéo dài hơn, công việc cũng mệt hơn”. Quả vậy, sau một hồi lụi cụi quét, hốt rác và vần chiếc thùng ngày càng nặng xuống núi, mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo anh Tân. Con hẻm chỉ chừng 200m, nhưng do chật hẹp, quanh co, lại nằm cheo leo từ núi xuống, nên đã “ngốn” của anh Tân nửa giờ dọn dẹp.  

 
Trời sáng rõ, các công nhân đã gom sạch rác trong hẻm và đường ra cầu cảng và chuyển sang vớt rác ven bờ đảo. Từng đám rác theo luồng gió, sóng biển dạt vào bờ đều được các anh vớt gọn. Ngoài ra, họ còn phải gồng mình đẩy khối rác lùa sâu trong các cống ven đảo ra biển rồi vớt lên. Công việc chưa khi nào hoàn tất trước 10 giờ. Vì vậy, trong lúc chờ ghe chở công nhân từ các đảo khác quay về đón, các công nhân thường tranh thủ ăn tạm ổ bánh mì, hộp cơm. Chị Nguyễn Thị Sang - người bán hàng trong chợ bên cầu cảng Trí Nguyên cho biết: “Từ khi có tổ dọn rác, đường hẻm trên đảo sạch sẽ hẳn. Biết công sức các anh bỏ ra nên khi thấy ai đó định vứt rác xuống biển là tôi nhắc. Nhiều người dân xung quanh cũng tán thành vì ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống tất cả”.


Nỗi niềm người trong cuộc   


Trò chuyện với chúng tôi sau khi vừa nghỉ hưu, ông Nguyễn Thành Tuấn - nguyên Tổ trưởng Tổ 4 không quên ngày bị hất văng khỏi ghe do biển động, hồi tháng 10-2014. Hôm đó, biển động công nhân môi trường vẫn ra đảo làm việc. Khi các công nhân lên ghe về thì sóng bắt đầu xoáy cao. Chiếc ghe tròng trành, một thùng rác đầy ắp bị xô nghiêng ra phía mạn. Sợ thùng rớt xuống biển, ông Tuấn nhoai người giữ. Đúng lúc đó, một con sóng khác ập tới, xô ông xuống nước. Mọi người vội ném áo phao hỗ trợ, người kéo ông, người kéo thùng rác lên. “Do phải di chuyển trên biển nên công nhân đều cần sức khỏe, chịu được sóng gió và bơi thành thạo để tự bảo vệ mình. Nhiều người bình thường khỏe mạnh, vậy mà gặp biển động vẫn nôn ói, không làm được việc”, ông Tuấn cho biết.

 

Để biển đảo sạch sẽ, công nhân không ngại ngâm người vớt rác.

Để biển đảo sạch sẽ, công nhân không ngại ngâm người vớt rác.


Theo bà Võ Thị Bạch Hoa - Đội phó Đội Môi trường 3, làm nghề này, cực nhọc nhất là vào mùa gió bấc, áp thấp nhiệt đới, rác trôi nổi trên biển cứ tấp vào bờ đảo, nên anh em phải vớt liên tục mới bảo đảm sạch sẽ. Hoặc dịp trước và sau Tết, lượng rác thường tăng gấp đôi, anh em phải làm tăng giờ, lại không được nghỉ phép lúc cao điểm, lượng ghe vận chuyển cũng tăng. Ngày thường, 5 giờ sáng họ bắt đầu ca làm việc. Dịp Tết, anh em ra đảo sớm hơn. Khối lượng công việc tăng nên nhiều người phải mang cơm theo. Trước đây, khi chưa có ghe chở rác chuyên dụng, thu gom xong, công nhân phải dồn rác vào bao tải, gánh lên ghe chở khách để tập kết về bờ.

 

Ông Trần Văn Hương - Giám đốc Xí nghiệp Môi trường, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang: Tổ 4 có nhiệm vụ thu gom rác tại tuyến ven biển đường Trần Phú thuộc phường Lộc Thọ, Tân Lập; các đảo thuộc phường Vĩnh Nguyên gồm: Bích Đầm, Đầm Bấy, Vũng Ngán, Trí Nguyên và thu gom rác lồng bè ở Vũng Ngán, Hòn Miễu. Tổ có 18 công nhân, trong đó 5 người cư trú tại các đảo. Người làm lâu nhất hơn 20 năm, vừa nghỉ hưu, người ít nhất làm gần 1 năm. Ngoài lương khoán trung bình 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng, công ty đảm bảo cho công nhân hưởng các chế độ ăn ca, bồi dưỡng hiện vật dành cho lao động độc hại, thưởng lễ, Tết. Các anh em đều tận tâm, gắn bó với công việc.

Anh Tân chia sẻ, 15 năm trong nghề, chưa khi nào anh thấy rác tấp vào nhiều như sau cơn bão số 12 năm 2017. Công nhân phải chèo thúng chai, ngâm mình trong nước, dùng lưới quây lại từng đám lớn rồi vớt. Công đoạn vận chuyển rác lên bờ qua cảng Cầu Đá cũng rất vất vả. Khi nước cạn, mấy anh em xúm lại mới nâng được 1 thùng rác lên bờ. Từ tháng 11-2017, công ty đã bố trí 1 cầu cảng gần cầu Bình Tân để tổ tập kết rác. Cầu cảng mới trang bị cần cẩu vận chuyển thùng rác nên anh em đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, khi nước cạn, ghe không vào được, anh em vẫn phải ở trên ghe, chờ nước lên mới chuyển thùng lên bờ được.


Trên chiếc ghe dập dềnh vào bờ, anh Tân chia sẻ rất chân tình: “Mưa nắng chúng tôi đều chịu đựng được. Những ngày biển động, dông bão, đi ghe bị nhồi lắc mệt nhoài, lên bờ lại thấy rác tấp đầy, làm không xuể; nhưng vẫn không oải như khi thấy công sức của mình vô ích. Nhiều lúc, anh em vừa dọn xong, người dân lại tiện tay quăng rác xuống biển, cực lắm, mà biển cũng không trong lành nổi. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, thậm chí xử lý các trường hợp quăng rác bừa bãi”. Anh công nhân trẻ Nguyễn Phước Đạt lau mồ hôi, hóm hỉnh đùa: “Bà con ngư dân vui vì thuyền về đầy ắp cá tôm, mình vui vì thuyền về đầy ắp... rác!”. Cả ghe bật cười vui vẻ.


“Chuyện cọng rác, nghe có vẻ nhỏ nhặt, nhưng du khách thấy đảo sạch sẽ cũng có ấn tượng tốt hơn về tỉnh mình, đất nước mình. Nếu mọi người dân đều có ý thức giữ gìn, thì môi trường biển đảo lo gì không sạch đẹp”, ông Tuấn nói.


TIỂU MAI - HƯƠNG QUỲNH